Bởi vậy, bắt đầu từ ngày 1-1-2018, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi trốn đóng BHXH đều bị hình sự hóa.

Thay đổi “nền” tiền lương

Năm 2018 là năm quan trọng có nhiều đổi mới trong chính sách lương, BHXH đối với NLĐ. Một trong số đó là điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng BHXH. Về vấn đề này, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết, theo quy định tại Điều 90, Bộ luật Lao động thì “tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Trên cơ sở đó, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ trong khu vực doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2016-2017, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Đặc biệt, việc quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiếp cận gần với tiền lương thực tế của NLĐ nhằm bảo đảm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi NLĐ nghỉ việc hưởng BHXH từ quỹ BHXH. Hiện nay, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = mức lương + phụ cấp lương. Nhưng từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc = mức lương + phụ cấp lương + các khoản bổ sung khác.

Bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định, về cơ bản, thời điểm áp dụng từ ngày 1-1-2018 không có gì thay đổi lớn so với hiện nay (hiện các doanh nghiệp đang lấy mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH), trừ trường hợp phát sinh những khoản phụ cấp có tính chất tiền lương. Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, phải làm sao đóng trên tiền lương, thu nhập thực, để hôm nay chúng ta đang làm việc tích lại cho mai sau, khi về già sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn.

Xử lý hình sự đối với vi phạm về BHXH

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Năm 2018, đóng và xử lý vi phạm về BHXH như thế nào?”, ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết, từ ngày 1-1-2018, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN sẽ bị xử lý hình sự theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Ông Trần Đình Liệu cung cấp thêm thông tin, hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp, mới có khoảng 250.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 doanh nghiệp, trong đó khoảng 60.000 doanh nghiệp gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Đình Liệu khẳng định, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ và đưa 3 Điều 214, 215 (quy định tội gian lận BHYT), 216 (quy định tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ). Như vậy, việc vi phạm hành vi đóng và hưởng được cụ thể hóa trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm trọng của các hành vi vi phạm. Các hành vi vi phạm như chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN; lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BHTN, lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BHTN. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Còn đối với một trong các hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BHTN 500 triệu đồng trở lên và gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Phân tích vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trước tiên, việc xử lý hình sự để bảo đảm công bằng trong kinh doanh của các doanh nghiệp, bình đẳng trước pháp luật. Phần đóng của doanh nghiệp là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với NLĐ. BHXH có chức năng thanh tra, kiểm tra, công khai minh bạch thông tin cả chủ sở hữu lao động và NLĐ đóng, trả sổ BHXH tận tay NLĐ. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, hành động trốn đóng BHXH có nhiều mức khác nhau. Như chủ doanh nghiệp nhận mức đóng 8% của NLĐ nhưng giữ và không đóng cho NLĐ, hoặc trốn đóng phần của doanh nghiệp… Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của hành vi trốn đóng để xem xét trách nhiệm hình sự đối với người sử dụng lao động. Dù vậy, chắc chắn là không hình sự hóa tất cả các hành vi trốn đóng. “Chúng ta đợi nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn quy trình và rõ cụ thể thế nào là gian dối, sử dụng thủ đoạn để trốn đóng BHXH. Đây là giải pháp cuối cùng để xử lý việc cố tình trốn đóng BHXH. Giải pháp hình sự để xử lý làm gương và bảo đảm thượng tôn pháp luật”-Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.

AN AN