Bệnh viện quá tải
Những ngày này, tại Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ trở nên quá tải. Tình trạng 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường gần như phổ biến. Bệnh nhi đông, số lượng giường không đáp ứng đủ nên nhiều trường hợp người nhà và bệnh nhân phải mắc võng hay kê ghế xếp nằm tạm tại các hành lang. Trò chuyện với chúng tôi khi đang loay hoay chăm sóc 2 đứa con và 4 cô cháu gái bị bệnh SXH, bà Nguyễn Thị Lan, ngụ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “6 đứa chơi chung với nhau và vào viện cùng một ngày vì bị SXH. Bệnh nhân đông quá nên 3 ngày nay, 7 người chúng tôi phải chen chúc nhau trên chiếc chiếu được lót dọc lối hành lang của khoa ngủ tạm, chứ vào trong phòng, một giường 2-3 cháu rồi 5-6 người chăm sóc cũng không thể chịu được”.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân SXH được điều trị nội trú tại bệnh viện gần 1.850 ca, trong đó Cần Thơ là 960 ca, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Bác sĩ CKII Thạch Minh Đức, Phó trưởng Khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Số giường hiện tại của khoa là 88, trong đó 60 giường kế hoạch, còn lại huy động thêm. Nhưng số lượng bệnh nhân điều trị nội trú hơn 150. Số bệnh nhân đang điều trị chưa khỏi thì mỗi ngày, bệnh viện phải tiếp nhận thêm từ 20 đến 30 trường hợp bệnh, vì thế số lượng giường bệnh không đủ đáp ứng”.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ hay Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, lượng người bệnh tăng lên đột ngột. Để giảm tải, các bác sĩ ở khoa tăng cường lọc bệnh. Theo đó, đối với bệnh nhẹ, xét nghiệm test NS1 âm tính hoặc test NS1 dương tính nhưng các cháu khỏe, tỉnh táo, ăn uống được thì tư vấn kỹ cho gia đình rồi cho điều trị ngoại trú, tái khám hằng ngày. Các toa thuốc ngoại trú cũng có ghi đầy đủ, rõ ràng các dấu hiệu, khi cần cho nhập viện ngay. Tuy vậy, số lượng giường vẫn không đủ đáp ứng cho bệnh nhân. Theo Bác sĩ CKI Cao Việt Nga, Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ: “Số lượng bệnh nhân nhập viện tăng khiến bệnh viện gặp không ít khó khăn. Ngoài quá tải do dịch bùng phát còn có nguyên nhân do tâm lý người bệnh và các bệnh viện tuyến huyện cứ kiểm tra có SXH là cho chuyển lên tỉnh. Không chỉ ở TP Cần Thơ mà các tỉnh từ Tiền Giang đến Cà Mau cũng đến điều trị”.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám bệnh cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết.
Diễn biến bệnh phức tạp
Theo các chuyên gia y tế, thời gian gần đây, tình trạng bệnh SXH có chiều hướng phức tạp. Ngoài gia tăng số lượng bệnh, theo phân tích của trung tâm y tế dự phòng, năm nay, bệnh SXH tăng và bệnh thể nặng cũng tăng. Phần lớn các bệnh nhân đã nhập viện điều trị SXH đều bị giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu; sốt cao liên tục, đau đầu, đau bụng, nôn ra máu, phân đen… Đáng lo ngại là bệnh SXH ở trẻ nhỏ từ 10 đến 15 tuổi tăng mạnh và tỷ lệ sốc, tái sốc, rối loạn đông máu, tổn thương đa cơ quan cũng nhiều hơn các năm trước. Có những ca bệnh nặng, bệnh nhân bị sốc SXH; xuất huyết chân răng, mũi; xuất huyết tiêu hóa nên phải điều trị hơn 10 ngày mới khỏi.
Theo Bác sĩ CKII Thạch Minh Đức, thời gian gần đây, tình hình bệnh SXH diễn biến hết sức phức tạp. Đối với bệnh SXH theo trình tự từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy. Thông thường khi bệnh vào ngày thứ ba, thứ tư, bệnh nhân có thể bị sốc (bệnh nặng hơn) nhưng hiện tại, bệnh nhân mới bắt đầu bệnh ở ngày thứ nhất hoặc một ngày trước khi xuất viện vẫn bị sốc, thậm chí có dấu hiệu rối loạn đông máu, nôn ra máu, chảy máu cam…
Tăng cường phối hợp xử lý
Để người dân ý thức được mức độ nguy hiểm của SXH, biết được các biện pháp phòng, chống dịch, ngay từ đầu năm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ liên kết thành lập hai tổ cấp cứu ngoại viện hỗ trợ tuyến dưới; duy trì đường dây nóng với tuyến cơ sở để hướng dẫn, trao đổi thông tin về chuyên môn, đồng thời phối hợp các trường học trên địa bàn tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng vào đầu năm học.
BS Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn chuẩn bị giường bệnh, thuốc, dịch truyền, sẵn sàng điều trị trong mọi tình huống dịch; không để xảy ra tử vong do thiếu tinh thần trách nhiệm, điều trị không đúng phác đồ, thiếu thuốc, dịch truyền, phương tiện…”.
Ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương phải nhanh chóng ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng. Đồng thời, căn cứ theo thẩm quyền có thể xử phạt hành chính theo quy định đối với các trường hợp không thực hiện nghiêm về phòng, chống dịch bệnh, cố tình để lăng quăng phát triển có khả năng tạo thành dịch SXH tại địa phương”.
Bài và ảnh: THÚY AN