Theo dõi sát việc phát triển thai kỳ

Khoảng cuối tháng 10-2017, Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Thị H (17 tuổi), dân tộc Tày, trú tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) mang thai tuần thứ 31. Khi nhập viện, huyết áp bệnh nhân tăng, tiểu cầu giảm, men gan tăng, phù rau, phù thai, tổn thương chức năng thận. Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tiền sản giật nặng, phù rau thai và chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy thai cứu mẹ do bệnh lý sản khoa của mẹ nặng nề, nguy cơ tử vong rất cao. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, các bác sĩ lấy ra một thai nhi nặng 1,800 gam, dị dạng toàn thân, bụng phù cứng, không rõ giới tính… Người nhà sản phụ cho biết, trước đó sản phụ không khám sàng lọc trước sinh (SLTS) tại các cơ sở y tế.

Chị Trần Minh Hiền (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) chia sẻ: “Khi mang thai cháu đầu, tôi hoàn toàn không để ý đến việc khám SLTS. Chỉ khi đến bệnh viện siêu âm ở những tuần đầu, tôi được bác sĩ tư vấn nên khám SLTS cho thai nhi để chắc chắn rằng em bé phát triển bình thường hoặc phát hiện sớm các dị tật của thai nhi. Bây giờ mang thai cháu thứ hai, từ khi đủ 12 tuần tuổi đến nay, tôi thường đến bệnh viện khám định kỳ. Hiện em bé phát triển bình thường nên gia đình tôi rất yên tâm”. Với chị Hải Hà (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) thời gian đầu mang thai, sức khỏe yếu, chị lại dùng thuốc kháng sinh một thời gian dài nên khá lo lắng cho sự phát triển của thai nhi. Được các bác sĩ tư vấn, chị tiến hành các xét nghiệm SLTS để bảo đảm môi trường an toàn nhất cho sự phát triển của thai nhi. “Việc khám SLTS rất quan trọng. Điều này giúp chẩn đoán sớm những bệnh mà trẻ sinh ra có thể mắc phải, từ đó tránh những tổn thương cho trẻ, gia đình và xã hội khi trẻ sinh ra”, chị Hà nói.

Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Đoàn.

Mở rộng phạm vi sàng lọc được thanh toán BHYT

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS, TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: "Ước tính ở Việt Nam, mỗi năm có hơn một triệu em bé được sinh ra, trong đó, khoảng 22.000-30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh ở nhiều dạng bệnh khác nhau. Nếu như trước đây, các thai phụ chỉ được thăm khám bằng các biện pháp đơn giản thì gần đây, nhờ sự tiến bộ của y học, nhất là từ khi triển khai đề án tầm soát phát hiện một số bệnh, tật bẩm sinh thông qua SLTS và sơ sinh, trẻ sinh ra đã tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu mà ngành Y tế đặt ra trong việc tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 là 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất".

Hiện nay, đề án tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tại Trung ương, các thai phụ có thể đến 6 trung tâm sàng lọc (BV Phụ sản Trung ương, BV Từ Dũ TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Huế, BV Phụ sản TP Cần Thơ, BV Nhi Trung ương, Trung tâm SLTS và sơ sinh tỉnh Nghệ An) bảo đảm cung cấp các dịch vụ cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tại các tuyến quận, huyện, thai phụ có thể đến trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình để được tư vấn, khám SLTS, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi.

Ngày Dân số Việt Nam 2017 lấy chủ đề “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số” cho thấy, việc thực hiện SLTS và sơ sinh chính là bước đi lâu dài của ngành Dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.

THU HƯƠNG