Để có được tình cảm và niềm tin đó là cả quá trình phấn đấu lâu dài, với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ nơi biên giới này. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thường mời thầy mo đến nhà, rồi giết trâu bò, lợn gà cúng để “chữa trị” bệnh. Hủ tục này tốn kém về vật chất nhưng bệnh tật lại không thuyên giảm, thậm chí nhiều người còn mất mạng oan uổng. Trước thực tế đó, các thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Công ty 78 xác định: Để giúp dân xóa bỏ hủ tục thì phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, thực hành chữa trị bệnh hiệu quả cho đồng bào; đồng thời từng bước tuyên truyền, vận động xây dựng niềm tin của người dân vào y học và đội ngũ y sĩ, bác sĩ. Trong nhiều năm, các y sĩ, bác sĩ bệnh xá đã đến từng nhà dân để khám, điều trị cho những người mắc bệnh. Bác sĩ, Thượng úy QNCN Vũ Thị Minh Hiếu, người có gần 18 năm gắn bó với địa bàn biên giới Mô Rai và từng là Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y Công ty 78, kể lại: "Có lần cả ba người trong một gia đình bị sốt rét, vận động mãi họ mới đến bệnh xá để điều trị. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau họ nhất quyết đòi về. Chúng tôi phải "đánh cược" với họ, nếu ở đây một ngày nữa mà không hết sốt thì sẽ cho về nhà... Đến khi hết sốt thì đồng bào mới tin vào khả năng chữa trị bệnh của bác sĩ".  

leftcenterrightdel
Bác sĩ Bệnh xá Quân dân y Công ty 78 khám bệnh cho bệnh nhi.

Chị Bùi Thị Vân, người dân tộc Mường, ở làng Le, xã Mô Rai đưa con là Quách Thị Bảo Quyên, 6 tháng tuổi, đến Bệnh xá Quân dân y Công ty 78 điều trị bệnh tiêu chảy thì gặp chúng tôi. Như được dịp trải lòng, chị xúc động chia sẻ: “Các y sĩ, bác sĩ ở đây tốt lắm. Bé nhà tôi đau ốm suốt, vợ chồng tôi đưa cháu vào đây nhờ các bác sĩ điều trị. Nếu không có các bác sĩ quân y thì chắc chúng tôi không thể tiếp tục sinh sống ở vùng đất này”. Câu nói của chị Vân khiến chiều cuối năm ở vùng biên giới Mô Rai dẫu đang trở lạnh nhưng ai cũng cảm giác thật ấm áp. Đó là sự ấm áp được lan tỏa bởi tình người và hình ảnh sáng đẹp của những y sĩ, bác sĩ quân y tậm tâm, hết lòng yêu thương đồng bào.

“Về nhà nhớ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, đi ngủ nhớ mắc màn…” - Đó là những lời căn dặn của y sĩ Nguyễn Thị Diệu Linh với bệnh nhân sau khi khám bệnh và được cấp thuốc. Nụ cười và cử chỉ ân cần của y sĩ Diệu Linh dành cho người bệnh như thể chị đang chăm sóc người ruột thịt, khiến những người dân nghèo bịn rịn trước khi trở về với gia đình. Được biết, y sĩ Nguyễn Thị Diệu Linh còn rất trẻ, từ Hà Tĩnh tình nguyện vào vùng biên giới công tác với mong muốn được chăm sóc sức khỏe cho đồng bào trên vùng đất nghèo khó này.

Đồng chí H’Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai bày tỏ: Mô Rai vốn là khu căn cứ cách mạng, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT nhân dân. Tuy nhiên, đây là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Mùa mưa toàn bộ xã như một ốc đảo. Trước đây, mỗi khi đau ốm, bà con thường mời thầy mo về cúng. Nhưng giờ, đồng bào không còn tin con ma gây ra bệnh nữa; hủ tục, mê tín dị đoan gần như được xóa bỏ. Mỗi khi chẳng may bị đau ốm, bà con đều tự nguyện đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Có được điều đó một phần là nhờ công sức, trí tuệ, tình cảm của những người thầy thuốc Bệnh xá Quân dân y Công ty 78 .

Theo Đại úy Nguyễn Xuân Hiển, Phó giám đốc Công ty 78, Binh đoàn 15, Bệnh xá Quân dân y Công ty 78 chỉ có 20 giường bệnh với biên chế 12 y sĩ, bác sĩ, nhân viên, nhưng mỗi năm thu dung điều trị hàng nghìn lượt bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh xá còn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, luôn chủ động và tổ chức hiệu quả công tác phòng, chống các loại dịch bệnh thường xảy ra trên địa bàn. Nhờ đó, những thầy thuốc quân y đã tạo được niềm tin và sự yêu mến của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ trên vùng biên giới Mô Rai.   

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN