Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (Who), hiện nay trên toàn cầu có khoảng 25 triệu người sống chung với bệnh ung thư và mỗi năm có khoảng hơn 11 triệu người mắc mới (5 triệu ở các nước phát triển và 6 triệu ở các nước đang phát triển). Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong đứng hàng đầu trên thế giới, chiếm 12% các trường hợp tử vong. Theo số liệu của WHO năm 2012, gánh nặng tử vong do ung thư chiếm hàng thứ 2 sau các bệnh tim mạch ở cả nam và nữ. Các bệnh ung thư là nguyên nhân của 18% số trường hợp tử vong trong cả nước. Ung thư gan, ung thư phổi và khí phế quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng nằm trong số 20 nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam. 

leftcenterrightdel
TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại hội thảo.

Theo kết quả điều tra STEPs, năm 2015 Việt Nam có khoảng 77,3% số nam giới và 11% nữ giới hiện tại đang sử dụng rượu bia ( tức là uống trong vòng 30 ngày qua), tỷ lệ chung cho cả 2 giới là 43,8%. Có 44,2% số nam giới và 1,2% nữ giới uống ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn bị cồn trở lên); 45% số người sử dụng rượu bia điều khiển các phương tiện cơ giới sau khi uống...

Phát biểu tại hội thảo, TS Trương Đình Bắc cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính... Các bệnh này chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do các nguyên nhân và chiếm tới 66% tổng gánh nặng bệnh tật. Trong đó, rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các loại bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư. Đặc biệt, rượu bia là chất gây ra 7 loại ung thư đối với con người như: Ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ. Người uống rượu bia ở mức độ nào thì cũng có nguy cơ gây ung thư; uống càng nhiều thì nguy cơ ung thư càng tăng.

Cũng theo TS Trương Đình Bắc, hiện lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất cao, cao nhất khu vực Đông Nam Á sau Nhật Bản và Trung Quốc. Tại Việt Nam nam giới uống trung bình 27,4 lít trên/năm; Đông Nam Á 23,1 lít, Tây Thái Bình Dương 15 lít, châu Âu 16 lít. Tổng lượng rượu tiêu thụ trong năm tại Việt Nam mỗi năm là 200 triệu lít, hơn 3 tỷ lít bia. Đặc biệt, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu bia trước tuổi 15 thì có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người 21 tuổi mới uống như: Khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần; khả năng tham gia bạo lực sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp hơn 6 lần; khả năng bị chấn thương cao gấp gần 5 lần… “Rượu bia được buôn bán rất dễ dàng, giá rẻ, dễ mua ai cũng có thể mua và mua ở bất kỳ ở thời gian nào trong ngày... Trong khi nhận thức tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của con người chưa cao dẫn tới mất khả năng kiểm soát”, TS Trương Đình Bắc nhấn mạnh.

Theo TS Nguyễn Thanh Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, ở Việt Nam ước tính mỗi năm có 100.000-150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Ước tính đến năm 2020 Việt Nam sẽ có tối thiểu 189.344 ca ung thư mắc mới. Đặc biệt có rất nhiều nhóm gây ra các bệnh ung thư như: Nhóm các tác nhân hóa học đó là khói thuốc lá, hoá chất bảo vệ thực vật, chất độc màu da cam (dioxin), hoá chất sử dụng trong công nghiệp. Nhóm các tác nhân vật lý đó là tia X, tia cực tím. Nhóm các tác nhân sinh học đó là nhiễm vi-rút Epstein-Barr, vi-rút viêm gan B, vi-rút gây u nhú ở người (HPV). Nhóm nguy cơ liên quan đến lối sống như ít vận động thể lực. Nhóm yếu tố liên quan đến con người như tuổi, giới tính, gen đi truyền và Nhóm tác nhân liên quan tới ăn uống như uống rượu, bia, chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm. 

Thời gian qua, các vụ ngộ độc do rượu có hàm lượng methanol cao đều do người tiêu dùng sử dụng rượu sản xuất, kinh doanh không rõ nguồn gốc; do tự ngâm động vật, thực vật độc để uống; do gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng sử dụng methanol làm tăng nồng độ cồn trong rượu. Chính vì vậy, công tác phòng chống ngộ độc do rượu, rượu có hàm lượng methanol cao cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên, hiệu quả. Bộ Y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol cao; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt.  Người dân không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên; không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu; trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia.

Tin, ảnh: VƯƠNG THÚY