Điều nguy hiểm là khi người lớn mắc sởi dễ dẫn đến biến chứng nặng nếu không phát hiện kịp thời. PGS, TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nếu chủ quan không có biện pháp phòng, chống thì nguy cơ dịch sởi bùng phát là rất lớn, rất nguy hiểm.

leftcenterrightdel
PGS, TS Đỗ Duy Cường.

Phóng viên (PV): Thưa ông, hiện tại tình hình bệnh nhân mắc bệnh sởi trong khoa như thế nào?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa liên tục tiếp nhận các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện. Trước đó, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì trong thời gian gần đây số ca mắc tăng vọt, phần lớn là phụ nữ. Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt là có thai, phổi mãn tính. 

PV: Việc các bệnh nhân đang điều trị tại khoa không tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi có phổ biến không, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh sởi đến đây đều không tiêm phòng hoặc không nhớ, không biết mình đã tiêm phòng chưa. Chúng ta vẫn chưa chú trọng đến công tác tiêm chủng mặc dù đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ở một số nước phát triển, nếu không bảo đảm được đầy đủ các mũi tiêm phòng dịch thì sẽ không được xuất ngoại.

leftcenterrightdel
Bệnh nhân bị sởi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bach Mai.  Ảnh: THU HƯƠNG

PV: Hiện trong xã hội có tâm lý khá chủ quan với bệnh sởi, đặc biệt là ở người lớn. Ông đánh giá gì về thực trạng trên?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Do quan niệm bệnh sởi chỉ có ở trẻ em vì thế người lớn thường chủ quan khi mắc bệnh, không có những biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh tốt khi mắc bệnh nên dễ làm lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Không ít trường hợp bệnh nhân do được chẩn đoán nhầm đã vào các khoa khác như dị ứng (vì bệnh nhân nổi ban như dị ứng thuốc), hoặc nhầm với sốt do vi-rút, rubella. Người lớn mắc sởi có thể do chưa từng mắc lúc nhỏ, chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm phòng từ quá lâu, trong khi có những chủng sởi mới xuất hiện. Môi trường thời tiết độ ẩm cao thời gian qua cũng thuận lợi cho việc giữ lại mầm bệnh và tán phát vi-rút sởi.

PV: Những biến chứng của bệnh sởi có nguy hiểm không, thưa ông?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Bệnh sởi gây ra nhiều biến chứng, như: Viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác. Đối với người lớn, sởi nguy hiểm nhất là biến chứng do não viêm, gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp, có thể khiến bệnh nhân tử vong, các biến chứng nặng khác, như: Liệt, động kinh... Với thai phụ mắc sởi, nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác. Về nguy cơ dị dạng thai thì chưa có bằng chứng khoa học. Do đó, khi thai phụ mắc bệnh, yêu cầu nhập viện theo dõi ngay. Phụ nữ nên tiêm vắc-xin sởi-rubella-quai bị để phòng bệnh, trẻ em nên được tiêm vắc-xin phòng sởi đúng, đủ mũi.

PV: Ông có lưu ý gì về những đặc điểm của dịch sởi năm nay?

PGS, TS Đỗ Duy Cường: Sởi thường bùng phát mạnh vào mùa xuân. Tuy nhiên, năm nay sởi vẫn xuất hiện từ đầu năm và chủ yếu ở các trẻ chưa được tiêm chủng. Vì vậy, các gia đình cần cảnh giác với bệnh sởi và phải tiêm chủng đầy đủ để chủ động bảo vệ trẻ không mắc sởi. Điều kiện thời tiết đông-xuân như hiện nay rất dễ bùng phát vi-rút sởi. Do đó, rất lo ngại chuyện dịch sởi sẽ quay lại như năm 2014 (bùng phát từ tháng 3) theo chu kỳ 5 năm/lần. Năm 2014, có hơn 100 trẻ tử vong do sởi, phần lớn vì lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Để phòng, chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo các phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc-xin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vắc-xin sởi-rubella đầy đủ và đúng lịch. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Để mở rộng đối tượng tiêm chủng, Bộ Y tế đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn có những nghiên cứu cụ thể để hạ thấp tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi so với lịch tiêm chủng hiện nay (từ 9 tháng tuổi). Theo đó, sắp tới sẽ đưa vào tiêm mũi phòng sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi để tăng khả năng phòng bệnh cho trẻ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DIỆP CHÂU (thực hiện)