Sáng 29-10, tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Châm cứu Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Thực tiễn ứng dụng điều trị bệnh lý tai biến mạch máu não và các bệnh lý nhi khoa bằng các phương pháp châm cứu Việt kỹ thuật cao”.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận: Bệnh lý tự kỷ dưới góc nhìn xã hội, Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tự kỷ, báo cáo thực tiễn và vai trò “Châm cứu Việt trong điều trị bệnh lý tự kỷ”… của các chuyên gia tâm lý học, châm cứu hàng đầu Việt Nam. Các tham luận cho rằng, vấn đề điều trị hỗ trợ bệnh lý tự kỷ trẻ em không chỉ đơn thuần là vận dụng kiến thức y khoa mà còn là một nghệ thuật phối hợp nhiều chuyên ngành như: y học hiện đại, tâm lý học, khoa học hành vi, y học cổ truyền… Trong đó, các phương pháp kỹ thuật cao của châm cứu Việt đóng vai trò quan trọng trong điều trị. Châm cứu có tác dụng làm giảm mức độ nặng của các dấu hiệu lâm sàng chính về kỹ năng tương tác xã hội, ngôn ngữ và các hành vi bất thường. Chẳng hạn, tỷ lệ trẻ chơi một mình giảm từ 90% xuống còn 54%, có hành vi lạ giảm từ 86% xuống còn 50%, không biết chỉ bộ phận cơ thể từ 90% còn 40%...
Các bác sĩ thực hiện khám, điều trị bệnh cho người dân bằng phương pháp không dùng thuốc.
Theo các đại biểu, nguyên nhân bệnh tự kỷ phần lớn các ca bệnh là do yếu tố gen nên việc “sửa chữa” gen này là không thể. Khâu điều trị này sẽ giúp trẻ có thể tự chủ cuộc sống. Tùy theo ca bệnh mà các bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị cụ thể với phương pháp điều trị, công thức huyệt, điện châm kết hợp với thủy châm, cùng với xoa bóp bấm huyệt và giáo dục kỹ năng sống...
Sáng cùng ngày, Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật cao “Tư vấn, điều trị hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ, người thiểu năng não” và gói kỹ thuật cao “Điều trị, chăm sóc đặc biệt cho người liệt”. Nhân dịp này, Viện tổ chức khám, điều trị miễn phí cho 100 lượt người dân bằng thủ thuật không dùng cho các bệnh lý về nội thần kinh, cột sống, bệnh lý do di chứng tai biến mạch máu não…
Tin, ảnh: HÙNG KHOA