Mỗi năm có khoảng 94.000 ca tử vong vì ung thư
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 ca tử vong vì ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém. Bệnh viện K, trước năm 2017 có 7 máy xạ trị (6 máy xạ trị gia tốc và 1 máy xạ trị Cobalt). Năm 2017, bệnh viện được đầu tư hệ thống gia tốc xạ trị có chức năng xạ phẫu của hãng Elekta với bộ chuẩn trực 160 lá-là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Với hệ thống gia tốc xạ phẫu mới trang bị, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật xạ trị mà các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang áp dụng, như: Xạ trị hướng dẫn hình ảnh, xạ trị điều biến thể tích, xạ phẫu khối u não, xạ trị cố định toàn thân khối u di động như phổi, tiền liệt tuyến nhờ kết hợp với kỹ thuật đồng bộ nhịp thở chủ động.
Tuy nhiên, với số lượng người bệnh ngày càng lớn, nhu cầu điều trị của người bệnh ngày càng cao (năm 2015: 11.799 người bệnh; năm 2016: 12.081 người bệnh; năm 2017, tính đến ngày 30-11 là hơn 15.000 người bệnh). Các máy xạ trị của Bệnh viện K sử dụng liên tục 22/24 giờ và như vậy bệnh viện phải sắp xếp điều trị theo lịch ở tất cả các giờ trong ngày, cả ban đêm.
 |
Xạ trị cho bệnh nhân bằng máy hiện đại nhất Việt Nam tại Bệnh viện K. |
Sẽ thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng
Trong bối cảnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc có thêm các phương pháp điều trị hiện đại mang lại nhiều cơ hội hơn cho người bệnh. Tại Hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị proton và hạt nặng trong điều trị ung thư”, PGS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Bệnh viện K hợp tác với các chuyên gia quốc tế trong đào tạo nhân lực xạ trị, nghiên cứu khoa học cũng như xây dựng đề án thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại Bệnh viện K trình Chính phủ. Khi Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng đi vào hoạt động, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á sử dụng kỹ thuật này điều trị ung thư.
Xạ trị proton và hạt nặng là phương pháp xạ trị tiên tiến nhất hiện nay trong điều trị ung thư. Trên thế giới đã có khoảng 40 trung tâm xạ trị proton, hạt nặng. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng ion nặng có kích thước khối u giảm hoặc không tăng lên sau 3 năm rất khả quan, cụ thể là hơn 90% với ung thư phổi không tế bào nhỏ; 80-90% ung thư gan; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn I và II là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%; sống thêm trung bình sau 5 năm của ung thư tiền liệt tuyến là 99%, ung thư trực tràng là 53%, ung thư đầu cổ là 74%.
Thời gian chiếu xạ khi điều trị bằng hạt nặng cũng ngắn hơn xạ trị proton khiến số lượng bệnh nhân điều trị bằng hạt nặng cao gấp 2-3 lần số lượng bệnh nhân điều trị proton. Ví dụ, với ung thư phổi giai đoạn I thì chỉ cần chiếu xạ 1 lần... Nhờ rút ngắn thời gian điều trị, phương pháp này đặc biệt quan trọng để giảm tải bệnh viện ở chuyên ngành ung thư vốn đang rất “nóng” trên cả nước. Tuy nhiên, do 2 hệ thống xạ trị này đắt, khoảng 150 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng), nên Bệnh viện K trình lên Bộ Y tế theo phương án từng bước, trước mắt triển khai xạ trị proton. Hiện phương pháp xạ trị này ở nước ngoài là 20.000-30.000 USD/lần điều trị. Nếu Việt Nam triển khai, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều và hy vọng bảo hiểm y tế sẽ chi trả để giảm gánh nặng cho người bệnh.
Bác sĩ Tadashi Kamada, Giám đốc Viện Khoa học xạ trị Nhật Bản, cho biết, xạ trị bằng hạt proton và hạt nặng hầu như không có tác dụng phụ vì không ảnh hưởng đến các tế bào lành và các bộ phận kế cận như máu, tủy xương. Còn với các phương pháp xạ trị thông thường hiện nay đều ảnh hưởng đến các tế bào lành và các bộ phận kế cận, thậm chí có bệnh nhân không đủ sức khỏe để xạ trị trong các lần tiếp theo. Đối với những bệnh nhi mắc ung thư, phương pháp xạ trị bằng hạt proton và hạt nặng đem lại hiệu quả cao. Vì với những bệnh nhân nhi còn có tới 30-40 năm sống nên khi áp dụng phương pháp này hầu như không ảnh hưởng tới các bộ phận lành xung quanh nên bệnh nhân sẽ có cuộc sống tốt hơn sau này.
Bài và ảnh: THU HƯƠNG