Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã cùng tham dự chương trình tại 4 điểm cầu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự tại điểm cầu Tượng đài Bắc Sơn (Hà Nội). Cùng dự tại điểm cầu này còn có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội.

Tại điểm cầu Khu Di tích lịch sử Quốc gia 27-7 (Thái Nguyên), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự. Cùng dự có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam”. Ảnh: TTXVN 
Tại điểm cầu Bến Dược-Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự; cùng dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Tại điểm cầu Thành cổ Quảng Trị, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội tới dự.

Mở đầu chương trình, tại 4 điểm cầu, các đồng chí lãnh đạo đã dành phút mặc niệm và dâng hương tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập của dân tộc.

Lấy ý tưởng từ những câu thơ ngợi ca khí phách hiên ngang của các chiến sĩ Giải phóng quân đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân: Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…, cầu truyền hình “Dáng đứng Việt Nam” đã mang lại nhiều xúc cảm tới khán giả. Diễn ra với thời lượng hơn hai giờ đồng hồ, bên cạnh những tiết mục nghệ thuật đặc sắc còn có phần giao lưu trực tiếp với các nhân chứng, như ông Ninh Đức Thái, cha đẻ của liệt sĩ Ninh Đức Ân-một trong những liệt sĩ hy sinh tại Sân bay Biên Hòa, Đồng Nai, vừa được tìm thấy hài cốt sau bao năm gia đình cùng đồng đội tìm kiếm… Khán giả còn được xem, nghe kể nhiều câu chuyện cùng những hình ảnh chân thật mà ê-kíp sản xuất chương trình ghi lại từ các cuộc gặp gỡ những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Có những câu chuyện lần đầu tiên được kể trong “Dáng đứng Việt Nam”. Đó là chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn (hy sinh trong trận đánh ác liệt kéo dài 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị) qua lời kể của gia đình cùng câu chuyện về chuỗi hành trình dài 38 năm bố mẹ liệt sĩ lặn lội tìm mộ con. Đó là câu chuyện của những người mẹ đợi con gần 30 năm dù con đã hy sinh trong Chiến dịch CQ-88, khiến người xem rất xúc động…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau và những ký ức gian khó vẫn còn ám ảnh người đang sống. Với những người còn sống trở về, đó có thể là nỗi đau tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần, nỗi trăn trở khôn nguôi về những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, mãi mãi tuổi 20 với những ước mơ dang dở… Còn với thân nhân các liệt sĩ, đó là khát khao cháy bỏng được đón về quê hương hài cốt của người thân đã anh dũng hy sinh... Và vì vậy, chương trình Cầu truyền hình trực tiếp “Dáng đứng Việt Nam” như một lời khẳng định: Thế hệ người Việt Nam hôm nay không bao giờ quên những công lao to lớn của các chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Ngọn lửa của lòng yêu nước sẽ luôn được hun đúc, truyền lại và tiếp nối từ thế hệ cha ông đi trước đến thế hệ trẻ hôm nay và mãi về sau.

Kết thúc chương trình cầu truyền hình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tặng những bó hoa tươi thắm tới các Bà mẹ Việt Nam anh hùng - những người đã thầm lặng cống hiến cho đất nước những người con ưu tú.

VƯƠNG HÀ