Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn học thuật và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu... do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức với các bộ, ngành và trung tâm nghiên cứu lớn như: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

leftcenterrightdel
 GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trưởng ban tổ chức hội thảo cung cấp thông tin tại buổi họp báo.

Tiếp nối 4 kỳ hội thảo đã được tổ chức thành công từ năm 1998, năm nay, hội thảo không chỉ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học “truyền thống” mà đã đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt Nam rộng hơn, quan tâm cả đến vấn đề giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu, với 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Nguồn lực văn hóa; Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Chuyển giao tri thức và công nghệ; Kinh tế và sinh kế; Biến đổi khí hậu.

GS Nguyễn Hữu Đức cho biết, bên cạnh các kết quả về chuyên môn sâu thuần túy, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình thì thông qua hội thảo sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lí của Việt Nam. Ban tổ chức sẽ có các buổi làm việc và bàn giao kết quả của hội thảo với các bộ, ban, ngành và cơ quan trung ương có liên quan.

Đến nay, đã có hơn 1.200 báo cáo khoa học do các học giả trong nước và quốc tế gửi đến. Khoảng 150 khách quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia khác nhau trên thế giới là các học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam được mời tham dự.

Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức đồng thời chia sẻ, ở trên thế giới, số bài báo khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40.000 bài, trong đó các bài của các tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%. Điều đó cho thấy các nhà khoa học trên thế giới quan tâm đến các đối tượng nghiên cứu, các vấn đề nghiên cứu và giải pháp cho Việt Nam rất nhiều.

Theo kế hoạch, các kết quả của hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới, tiến tới hình thành một tổ chức quốc tế về Việt Nam học. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại hội thảo, Ban tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.

Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 16-12-2016, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Tin, ảnh: THU HÀ