Ngày 20-7-2005, Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 51 “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam”, Quân ủy Trung ương cụ thể hóa bằng việc ban hành Nghị quyết 513. Về thực chất là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ngày càng nâng cao; đồng thời, phát huy tốt hiệu lực của người chỉ huy, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT). Nguyên tắc lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng đối với quân đội được giữ vững, bảo đảm cho quân đội luôn luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, triển khai thực hiện Nghị quyết 51, Nghị quyết 513 còn bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót biểu hiện trên những mức độ khác nhau ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Chẳng hạn, một số cơ quan, đơn vị vẫn còn biểu hiện mất dân chủ, thiếu sự thống nhất giữa lãnh đạo và chỉ huy làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá ngày càng quyết liệt, thâm hiểm hơn là mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều đó, đặt ra yêu cầu ngày càng cấp bách đối với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong thời kỳ mới.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân về vị trí, vai trò, ý nghĩa việc thực hiện Nghị quyết 51 và Nghị quyết 513. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Chính trị trọng hơn quân sự”. Người còn nhấn mạnh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Điều đó cho thấy, Người đặc biệt quan tâm vấn đề nâng cao sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thông qua hoạt động CTĐ, CTCT trong toàn quân. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các nội dung cơ bản của Nghị quyết 51 và Nghị quyết 513 đến mọi cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhằm tạo ra nhận thức mang tính thường trực cho bộ đội là yêu cầu hàng đầu.
Cần phải nắm vững mục tiêu xây dựng quân đội đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, kết hợp chặt chẽ với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương mà trọng tâm là gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Nghị quyết về công tác cán bộ giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo của Quân ủy Trung ương. Các biện pháp cụ thể là, trước hết, tập trung sức lãnh đạo của cấp ủy, phát huy cao nhất trách nhiệm người chủ trì về chính trị ở từng cấp của chính ủy, chính trị viên và trách nhiệm của người chỉ huy trong triển khai thực hiện Nghị quyết 51, Nghị quyết 513 và các nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Hai là, tập trung nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đồng thời phát huy tốt hiệu lực của người chỉ huy, nhất là trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học-công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, tác động trực tiếp và toàn diện đến việc tổ chức lực lượng, huấn luyện, duy trì khả năng SSCĐ và chiến đấu của quân đội nói chung, từng đơn vị nói riêng. Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT và phát huy tốt vai trò, chức năng của hội đồng quân nhân, của các tổ chức quần chúng trong đơn vị, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị và cơ quan chính trị các cấp giữ vai trò nòng cốt, phải làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp xây dựng đồng bộ các chủ trương, giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết 51 và Nghị quyết 513. Trong thư gửi Hội nghị Chính trị viên tháng 3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ ba nhiệm vụ chính của người chính trị viên, trong đó Người nhấn mạnh: “… Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn". Điều này cho thấy, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam là vấn đề hệ trọng, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, vừa mang tính cấp thiết gắn với bản chất, truyền thống của Quân đội ta.
Để triển khai thực hiện tốt, trước hết là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chính ủy, chính trị viên có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện tốt CTĐ, CTCT trong quân đội. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả kép, một mặt tạo ra đội ngũ cán bộ "vừa hồng vừa chuyên", thực hiện tốt CTĐ, CTCT trong quân đội. Mặt khác, tăng cường sức chiến đấu cho các tổ chức đảng trong quân đội, đủ sức đề kháng đánh bại âm mưu “phi chính trị hóa quân đội” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Lẽ đương nhiên sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam sẽ không ngừng được tăng cường, nguyên tắc lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng ngày càng vững chắc hơn. Hai là, thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ chính ủy, chính trị viên các cấp nhằm triển khai đồng bộ, thống nhất CTĐ, CTCT trong toàn quân. Chú trọng các đơn vị đủ quân SSCĐ trên biên giới, hải đảo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng một cách vững chắc. Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động CTĐ, CTCT của đội ngũ chính ủy, chính trị viên nhằm phát hiện kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung nội dung, biện pháp CTĐ, CTCT đáp ứng với yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương, thực chất là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam trong tình hình mới. Vì vậy, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả hai nghị quyết này, chính là thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thạc sĩ LÊ MINH SƠN (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng)