Kế hoạch đầu tư của Chính phủ Hàn Quốc cũng bao gồm hoạt động tài trợ để mở rộng hạ tầng AI. Bao gồm việc mở các lớp cao học về lĩnh vực này để đào tạo, bồi dưỡng 1.400 nhà nghiên cứu, các chuyên gia về AI; 3.600 chuyên gia quản lý dữ liệu hàng đầu và có thể phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng AI. Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch chế tạo siêu máy tính No.5, dự kiến sớm đưa vào vận hành, phục vụ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) hiện thực hóa ý tưởng của họ.

leftcenterrightdel
Trí tuệ nhân tạo có mặt ngày càng nhiều trong các sản phẩm của Hàn Quốc. Ảnh: Korea Bizwire.

Theo kế hoạch được công bố bởi Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc, chính phủ sẽ khởi động các dự án AI quy mô lớn trong lĩnh vực công, bao gồm quốc phòng, sinh học... nhằm hỗ trợ sự phát triển công nghệ AI. Các nhà khoa học Hàn Quốc cho biết, nước này cũng đảm nhận các dự án dài hạn và có tính rủi ro cao như phát triển chip AI thế hệ tiếp theo; đẩy mạnh ứng dụng AI trong nghiên cứu và phát triển (R&D) các loại thuốc mới và các nguyên vật liệu của tương lai. Kế hoạch này hoàn toàn có cơ sở đạt được và được cho sẽ là cuộc chạy đua khốc liệt với Trung Quốc, Nhật Bản nhằm đón đầu quy mô thị trường AI toàn cầu được dự đoán đạt khoảng 52,2 tỷ USD trong năm 2021.

Tập đoàn sản xuất đồ điện tử gia dụng LG hàng đầu của Hàn Quốc dự báo năm 2018 bắt đầu đánh dấu sự bùng nổ của ứng dụng AI. Ngay trong mùa hè này, các máy điều hòa của hãng LG hoạt động trên nền tảng AI và công nghệ internet vạn vật (Internet of Things-IoT) đã cung cấp dịch vụ tối ưu cho khách hàng thông qua công nghệ "Deep-Learning" với sự hỗ trợ của trí tuệ thông minh ThinQ do LG phát triển. Hiện LG tập trung nhiều hơn trong phát triển robot thông minh, sau khi thử nghiệm công nghệ này làm các công việc như gác cổng khách sạn, phục vụ bữa ăn tại phòng. Giám đốc công nghệ của LG, I.P.Park cho biết AI mà LG nghiên cứu có thể tích hợp với phần mềm của các hãng công nghệ khác và trong sự phát triển của công nghệ hiện nay, một công ty không thể đứng riêng lẻ độc quyền phát triển.

Trong khi đó, Công ty Samsung Electronics Co. cũng cho biết, hãng đang bắt đầu quá trình tiếp thị mẫu sản phẩm điều hòa mới với công nghệ Wind-Free, được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu lớn nhất từ trước đến nay. Sản phẩm mới này của Samsung được tích hợp bản cập nhật trợ lý ảo Bixby 2.0 có thể sử dụng trên điện thoại thông minh để điều khiển các thiết bị khác trong gia đình. Không như Bixby 1.0 chỉ tập trung nhận thức môi trường xung quanh người dùng và bối cảnh thông qua điện thoại thông minh, Bixby 2.0 được sử dụng cho cả ti vi, tủ lạnh và các đồ gia dụng điện tử khác, kết nối tất cả thiết bị thông qua công nghệ Deep-Learning. Ngoài ra, các công ty như: Dayou Winia Co., Dongbu Daewoo Electronics cũng đồng loạt thông báo sẽ tung ra loạt mẫu sản phẩm điều hòa mới sử dụng các công nghệ hiện đại.

Trong lĩnh vực quản lý, Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc vừa tuyên bố sẽ sử dụng công nghệ AI nhằm tự động hóa một số hệ thống điều tra quốc gia trong công tác chống rửa tiền. Không chỉ trong lĩnh vực dân sự, Hàn Quốc đang lên kế hoạch sử dụng AI để trợ giúp chỉ huy quân đội đưa ra các quyết định hợp lý và kịp thời. Hệ thống mà quân đội Hàn Quốc đang hướng tới sẽ chứa nhiều thông số về các lực lượng quân sự của Triều Tiên như vị trí đóng quân, điều kiện địa lý và khí tượng của những nơi đóng quân, các loại vũ khí được sử dụng và tuyến xâm nhập. Ngoài ra, thông tin về các lực lượng quân sự của Hàn Quốc cũng được lưu giữ trong hệ thống để các chỉ huy biết về hỏa lực và tầm bắn hiệu quả của các loại vũ khí khi nổ ra tình huống chiến đấu.

Chiến lược phát triển AI của Hàn Quốc đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các cường quốc công nghệ ở khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản. Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển AI thế hệ mới, theo đó nhấn mạnh AI cần phải trở thành động lực tăng trưởng mới và giúp cải thiện cuộc sống người dân vào năm 2020. Bản kế hoạch đặt mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một trung tâm thế giới và quốc gia đi đầu về sáng tạo AI vào năm 2030.

NGUYỄN HÒA