Chốc chốc em lại ngoái nhìn ra phía ngoài cửa, nơi người cha mái tóc đã ngả bạc đang chăm chú theo dõi với vẻ mặt tự hào. Em tên là Châu Thị Hiệp, quê ở Sóc Trăng, VĐV tuyến ba của CLB.
Bữa nay, Hiệp hẳn là người vui nhất khi cha của em đã lặn lội từ quê nhà ra thăm. Nói về mối lương duyên với CLB, Hiệp chia sẻ: “Một lần, em được các thầy bên CLB chấm vì có chiều cao và kỹ thuật tốt. Ban đầu, em cứ nghĩ bố mẹ sẽ không cho đi xa, nhưng khi nhắc đến đội bóng của quân đội có bề dày thành tích hào hùng nên gia đình đã đồng ý”.
 |
Vận động viên Câu lạc bộ Bóng chuyền nữ Thông tin Liên Việt Post Bank không chỉ tài năng mà còn xinh đẹp. |
Cũng giống như các đồng đội khác, Châu Thị Hiệp đã phải trải qua đợt sàng lọc kỹ càng. Em được tập luyện, đo xương, phản xạ, chỉ số phát triển tại CLB cơ sở Cần Thơ, trước khi chính thức được lựa chọn ra Hà Nội. Chỉ một thời gian ngắn, Hiệp đã sớm hòa nhập với cuộc sống, sinh hoạt trong CLB. Trong lứa các VĐV sinh năm 2002, em là người nổi bật với chiều cao (1,8m) và khả năng chơi bóng thông minh ở vị trí phụ công.
Trò chuyện với Trung tá Đào Tiến Dũng, Chính trị viên CLB mới biết, mỗi năm, CLB cử HLV đi “săn lùng” VĐV năng khiếu ở khắp mọi miền đất nước. CLB thông qua những cơ sở vệ tinh ở các tỉnh để phát hiện tài năng, trước khi cử HLV đích thân đến tận nhà thuyết phục gia đình. Mỗi năm, CLB tuyển chọn 15-20 VĐV, tiếp tục sàng lọc kỹ lưỡng để lấy 8-10 VĐV chính thức. Trong quá trình đào tạo và tập luyện, những VĐV không phù hợp sẽ được CLB tư vấn, hướng nghiệp để các em có hướng đi mới hợp lý hơn.
Để phát hiện ra một tài năng bóng chuyền đã khó, đào tạo họ trở thành VĐV chuyên nghiệp càng khó hơn. Công tác “trồng người” trong bóng chuyền không đơn thuần chỉ là dạy chuyên môn mà việc dạy văn hóa, kỹ năng mềm cho VĐV cũng rất quan trọng. Hằng năm, CLB phối hợp với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh tổ chức tọa đàm về hướng nghiệp và kỹ năng mềm cho VĐV. Tại đây, các VĐV được học cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, làm sao để trở thành một công dân tốt trước khi nghĩ tới một VĐV giỏi.
CLB là nơi hội tụ của các VĐV đến từ nhiều vùng miền khắp đất nước nên việc tạo sự kết nối, gắn kết giữa các thành viên trong đội rất quan trọng. Ngoài việc xây dựng một môi trường sống đoàn kết, CLB còn tạo ra fanpage, buổi sinh hoạt nhóm để các VĐV có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm. Vào thời gian rảnh rỗi, các VĐV còn được lên phòng máy truy cập mạng internet để tìm hiểu những kiến thức bên ngoài hay tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của CLB.
Sau 48 năm xây dựng và phát triển (ra đời ngày 15-8-1970), CLB Thông tin Liên Việt Post Bank dần khẳng định được vị thế số một tại làng bóng chuyền Việt Nam. CLB đã tham gia tổng cộng 150 giải, trong đó có 115 lần vào tới trận chung kết và giành 86 chức vô địch. Kể từ khi Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc đổi tên thành Giải vô địch Quốc gia năm 2004, CLB đã tham gia và giành được 8 chức vô địch, trong đó vô địch 4 năm liền từ năm 2012 đến 2015. Năm 2015, CLB đoạt Huy chương Đồng tại Đại hội Thể thao quân sự thế giới lần thứ VI được tổ chức tại Hàn Quốc. Đã có thời điểm, CLB thống trị tuyệt đối làng bóng chuyền Việt Nam với khả năng bách chiến bách thắng.
Trong thể thao nói chung và bóng chuyền nói riêng, không một đội bóng nào có thể duy trì được thế lực mãi mãi và CLB cũng không thể tránh khỏi đôi lúc tụt phong độ. Tre già măng mọc, đó là quy luật tất yếu ở CLB và sau thế hệ Phạm Thị Yến, Đỗ Thị Minh là lứa Nguyễn Linh Chi, Trần Thu Trang, Âu Hồng Nhung, hay trẻ hơn là những Lưu Thị Ly Ly, Nguyễn Thị Hương Linh, Phạm Thị Nguyệt Anh tài năng. HLV trưởng CLB Bùi Huy Sơn cho biết: “Đội hiện không có một ngôi sao nào quá nổi bật, bản lĩnh thi đấu của đội chưa thật sự tốt. Ngược lại, đội có một dàn cầu thủ trẻ đồng đều ở các tuyến, có khát khao thi đấu sẽ mang đến nhiều hứa hẹn trong tương lai. Chúng tôi sẽ nỗ lực để sớm trở lại đỉnh cao”.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG