“Văn công” của lính công binh

Họ cũng là một đội, cũng xông pha trên các công trường, nhưng không phải là lái máy xúc, máy trộn, không trực tiếp cầm cuốc, xẻng, xà beng lao động, mà dùng lời ca, tiếng hát của mình cổ vũ, động viên bộ đội công binh phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, gian khổ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Đội văn nghệ xung kích Lữ đoàn Công binh 28 giao lưu với bộ đội và nhân dân trên công trường Đường tuần tra biên giới thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. 

 

Đại tá Nguyễn Duy Cấn, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 28, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) cho biết: “Hạt nhân Đội văn nghệ của lữ đoàn phần lớn được đào tạo từ các trường văn hóa-nghệ thuật trong và ngoài quân đội, số khác thì được phát hiện, tuyển chọn từ cơ sở thông qua phong trào văn nghệ quần chúng. Thường ngày, họ đảm trách các công việc chuyên môn như: Nhân viên câu lạc bộ, doanh trại, bảo mật, quân y... nhưng khi có yêu cầu nhiệm vụ, các thành viên tập hợp lại thành đội văn nghệ, xây dựng chương trình đi biểu diễn phục vụ bộ đội theo sự chỉ đạo của lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn”.

Nhiều gương mặt đã trở nên quen thuộc không chỉ với bộ đội công binh mà với cả Bộ đội PK-KQ và nhân dân như: Đại úy QNCN Nguyễn Thành Kiêm, Thượng úy QNCN Mè Thị Mai Trang, Trung úy QNCN Trần Thị Quỳnh Trang, Trung úy QNCN Đàm Thanh Hằng, Trung úy QNCN Lê Bá Khoa, Trung úy QNCN Nguyễn Thị Thúy, Trung úy QNCN Vương Ngọc Khương... Các hạt nhân này là lực lượng nòng cốt góp phần mang lại thành tích cao cho Lữ đoàn Công binh 28 tại các kỳ Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quân chủng PK-KQ; Liên hoan Tiếng hát học sinh, sinh viên và các lực lượng vũ trang toàn quân. Lực lượng này còn thường xuyên được tăng cường cho Đội văn nghệ xung kích của quân chủng đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân ở các đơn vị, biên giới, hải đảo…, tham gia giúp đỡ các cơ quan, đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Cùng với việc xây dựng được một phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển, Lữ đoàn Công binh 28 còn là cái nôi bồi dưỡng, bổ sung lực lượng diễn viên cho Đoàn Văn công, Nhà Văn hóa Quân chủng PK-KQ, như: Trung tá QNCN Nguyễn Xuân Thủy, Thượng úy QNCN Lê Hoài Thanh (hiện tại thuộc biên chế của Nhà Văn hóa Quân chủng PK-KQ); Đại úy QNCN Lại Đức Tuấn, Thượng úy QNCN Hoàng Thị Mai Lan (hiện là thành viên của Đoàn Văn công Quân chủng PK-KQ)...

Lính ta hát, bộ đội ta nghe

Có thể nhiệm vụ của lính công binh là khô khan, nhưng tâm hồn của lính công binh thì luôn lạc quan yêu đời. Chúng tôi đã từng theo chân Đội văn nghệ xung kích Lữ đoàn Công binh 28 đi biểu diễn phục vụ bộ đội công binh trên các công trường. Trong buổi giao lưu văn nghệ với Tiểu đoàn Công binh 27 (đóng quân tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), chương trình của Đội văn nghệ Lữ đoàn Công binh 28 đã phải cắt bớt để dành chỗ cho các tiết mục “cây nhà lá vườn” do cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 27 biểu diễn. Khán giả đã rất bất ngờ trước màn trình diễn đầy hấp dẫn của Thượng úy QNCN Nguyễn Viết Vỹ, nhân viên quản lý bếp ăn của đơn vị. Thượng tá Hoàng Bá Phương, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 28, nguyên là Chính trị viên Tiểu đoàn 27, cho hay: “Giọng hát của anh Vỹ đã từng theo chân cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đi đến khắp các công trường do đơn vị thi công, ở đâu anh cũng hát, cũng được bộ đội và nhân dân yêu mến”.

Còn tại công trường Đường tuần tra biên giới qua địa phận tỉnh Kon Tum, chúng tôi được thưởng thức một tiết mục biểu diễn thời trang rất ấn tượng trong một đêm giao lưu văn nghệ. Đó là “bộ sưu tập” thời trang do Thượng úy Hoàng Thanh Dương, Chính trị viên Đại đội 1 thiết kế mà các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 27 gọi vui là “Sắc màu công trường”. Chất liệu của những trang phục độc đáo này là từ lá cây rừng, giấy báo cũ, vỏ bao xi măng, vỏ chai nước, hộp các-tông... Thượng úy Hoàng Thanh Dương tâm sự: “Nhiệm vụ của lính công binh vốn rất vất vả, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cũng không thuận lợi, hầu hết các công trình thường cách xa khu dân cư, do vậy bộ đội thường tự động viên nhau bằng các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn, qua đó tinh thần trở nên phấn chấn hơn cùng nhau quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao".

Có dịp chứng kiến cuộc sống và công việc thường ngày của những người lính công binh mới cảm nhận hết những khó khăn, gian khổ mà các anh phải trải qua. Và có được đắm mình trong những bản nhạc, những khúc ca rộn rã, vui tươi mà các anh thể hiện trên công trường mới thấy hết vẻ lạc quan, yêu đời của những người lính công trình. Các anh vẫn đi đến những miền đất, những vùng quê mới, vẫn tiếp tục dựng xây những công trình để phục vụ sự nghiệp quốc phòng của đất nước và sẽ hát vang bài ca của những người lính công binh yêu đời.

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG