QĐND - Đơn vị tôi quản lý các học viên thuộc hệ trung cấp quân sự, với đặc thù học viên nữ chiếm 30% quân số, từ các đơn vị trong toàn quân về học, một số đồng chí đã nhiều tuổi nên trong sinh hoạt và huấn luyện gặp nhiều vấn đề khó khăn.
Là người quản lý trực tiếp, tôi phải phân chia các nhóm đối tượng để dễ tìm hiểu và có phương pháp quản lý phù hợp.
Thực tế cho thấy, học viên nữ chấp hành kỷ luật tốt, học tập chăm chỉ, nhưng thường có sự ganh đua, tị nạnh. Còn học viên nam thì hay vi phạm nội quy của đơn vị, như: Không chấp hành nghiêm các chế độ quy định, ngại học, hút thuốc lá, uống rượu bia... Trong xử lý những vấn đề nảy sinh, trước tiên tôi gọi trực tiếp các đồng chí vi phạm lên gặp để tìm hiểu tâm tư của họ rồi đưa ra phương hướng giải quyết. Nếu học viên vẫn tiếp tục vi phạm thì tiến hành nhắc nhở trước đại đội, nặng hơn thì xử lý kỷ luật. Nhưng không phải lúc nào cũng cần sự nghiêm khắc. Ví dụ, có trường hợp học viên nam đi uống rượu vì bị bạn gái từ chối tình cảm, hay trường hợp cáo ốm vì gia đình gặp chuyện buồn... Những lúc như vậy, tôi gần gũi tâm sự, giúp họ vượt qua khó khăn rồi động viên lần sau không nên vi phạm. Nhờ vậy mà nhiều học viên đã nhận ra khuyết điểm và tiến bộ rõ rệt.
Theo tôi, để quản lý tốt học viên và chiến sĩ thì điều quan trọng là người chỉ huy phải phân loại được đối tượng quản lý, phải gần gũi, chia sẻ, tìm hiểu tính cách, hoàn cảnh gia đình, ảnh hưởng của tập quán địa phương... Căn cứ vào hoàn cảnh và tình huống cụ thể để người chỉ huy có phương pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả.
Đại úy NGUYỄN HỒNG LINH
(Trợ lý Chỉ huy tham mưu, Tiểu đoàn 2, Học viện Hậu cần)