Thời niên thiếu, Phạm Văn Đồng đi học tại Huế; năm 1924, tốt nghiệp bậc thành chung tại Trường Quốc học Huế, rồi tiếp tục ra học tại Trường Bưởi (Trường PTTH  Chu Văn An, Hà Nội hiện nay). Tại Trường Bưởi, Phạm Văn Đồng chưa học hết khóa học (2 năm) đã phải bỏ dở để ra nước ngoài. Năm 1926, Phạm Văn Đồng được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đưa sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị. Tại đây, Phạm Văn Đồng được gặp Nguyễn Ái Quốc và được Người truyền bá lý luận Mác-Lênin, đồng thời được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Như vậy, Phạm Văn Đồng có may mắn được gặp Nguyễn Ái Quốc từ sớm.

Đầu năm 1927, Phạm Văn Đồng từ Quảng Châu về Hà Nội, tiếp đó vào hoạt động tại Sài Gòn và được bầu làm Bí thư Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Kỳ. Đầu tháng 5-1929, tại Hồng Kông, Phạm Văn Đồng tham dự Đại hội I, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau một thời gian hoạt động, củng cố các tổ chức cách mạng tại Trung Kỳ, tháng 7-1929, Phạm Văn Đồng trở vào Nam hoạt động, nhưng khi vừa xuống ga Sài Gòn, thì bị mật thám Pháp bắt; tiếp đó bị kết án 10 năm tù giam; tháng 7-1930 bị đưa ra giam giữ tại Côn Đảo. Đến tháng 6-1936, do kết quả đấu tranh của nhân dân ta và được sự ủng hộ của Mặt trận bình dân Pháp đòi thả tù chính trị ở Đông Dương, Phạm Văn Đồng được trả tự do, trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7-1954). Ảnh tư liệu. 

Tháng 9-1939, tại Hà Nội, đồng chí Phạm Văn Đồng bí mật gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Hai người trao đổi về một số vấn đề của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Phạm Văn Đồng đề nghị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ bố trí cho ra nước ngoài để gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Tổng Bí thư đồng ý. Tháng 5-1940, Ban Chỉ huy ở nước ngoài bí mật bố trí cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp gặp Nguyễn Ái Quốc tại Côn Minh, Trung Quốc. Đây là lần thứ hai Phạm Văn Đồng được gặp người thầy cách mạng Nguyễn Ái Quốc, còn Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên. Cuối năm 1940, nhận chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc phải gấp rút đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng ở Việt Nam sắp bùng nổ; tại Tĩnh Tây, Trung Quốc, các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên cùng biên soạn chương trình huấn luyện cán bộ, biên soạn bài giảng và tổ chức lớp huấn luyện cán bộ. Sau đó, Phạm Văn Đồng bí mật về nước. Lúc này, Nguyễn Ái Quốc cũng đã về nước từ tháng 1-1941. Tại Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo "Việt Nam độc lập". Số báo đầu tiên ra ngày 1-8-1941; Phạm Văn Đồng được Nguyễn Ái Quốc ủy nhiệm phụ trách tờ báo.

Ngày 15-8-1945, tại Tân Trào, Đại hội quốc dân họp, triển khai nghị quyết của Đảng về tổng khởi nghĩa và quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Phạm Văn Đồng là thành viên của Ủy ban. Ngày 6-1-1946, tại cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phạm Văn Đồng trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao và sau đó liên tục là đại biểu Quốc hội từ năm 1946 đến năm 1987. Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 82/SL, cử Phạm Văn Đồng làm Trưởng Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sang Pháp trong dịp này với tư cách là thượng khách của nước Pháp và lãnh đạo Đoàn đàm phán. Cuộc đàm phán kéo dài đến tháng 10-1946, nhưng không thành, do Chính phủ Pháp không chịu chấp nhận một nền hòa bình ở Việt Nam. Phạm Văn Đồng về nước tham gia kháng chiến, hoạt động tại Trung Bộ, rồi về công tác tại Trung ương. Năm 1947, Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 7-1949, được cử làm Phó thủ tướng Chính phủ. Tháng 9-1954, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Liên tục từ tháng 9-1955 đến năm 1987, đồng chí Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hơn 30 năm trên cương vị Thủ tướng, Ông đã ra sức củng cố chính quyền nhân dân. Theo Ông, muốn củng cố và phát triển chính quyền nhân dân, thì phải có hai yếu tố cấu thành, đó là luật pháp, chính sách và nền dân chủ. Ông rất chú trọng xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Ông đặc biệt quan tâm đến ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất; cách mạng khoa học-kỹ thuật; cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học-kỹ thuật là then chốt.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng là kiến trúc sư của nhiều kế hoạch 5 năm. Quan điểm của Ông là xây dựng kế hoạch 5 năm, trước hết, phải gắn giữa nhiệm vụ xây dựng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh; phải vận dụng đường lối chung và đường lối kinh tế của Đảng phù hợp với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội. Ông luôn nhấn mạnh đến việc xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, nâng cao đời sống nhân dân đi đôi với thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất coi trọng xây dựng chính quyền địa phương từ cấp tỉnh (thành phố), đến cấp xã, phường, bởi theo Ông, đây là đầu mối quan trọng kết nối giữa các cấp với nhau của một chính quyền thống nhất, kết nối giữa địa phương với Trung ương, giữa các ngành, các cấp với nhau. Thủ tướng cũng rất sâu sát đi thăm, làm việc, nắm tình hình các cơ sở kinh tế, xã hội. Không ít dịp, Ông dành nhiều ngày về khảo sát tại các địa phương, xuống tận cấp huyện, cấp xã, thôn, bản để nắm tình hình. Đông đảo cán bộ, nhân dân ta rất yêu mến, tin tưởng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bởi Ông có kiến thức sâu trong quản lý chính quyền, lại gần dân, thân dân, thương yêu dân, vì nhân dân mà phấn đấu. Đó là một vị Thủ tướng tài đức song toàn. Ông mất ngày 29-4-2000, hưởng thọ 94 tuổi.

Chất trí thức của nhà cách mạng Phạm Văn Đồng thể hiện ở học vấn và kiến thức sâu rộng, sử dụng nhiều ngoại ngữ ở mức độ thành thạo, nhất là tiếng Pháp. Quá trình hoạt động cách mạng, Phạm Văn Đồng luôn có nhãn quan chính trị sáng suốt, biết nhìn nhận thời thế một cách tỉnh táo. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã thấm sâu vào trái tim, khối óc của Ông. Chất trí thức còn thể hiện ở việc Ông lựa chọn hướng đi chính trị của đời mình và thật may mắn đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sớm truyền bá tư tưởng yêu nước và cứu nước. Việc đi theo con đường dân tộc gắn với giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người của Nguyễn Ái Quốc là sự lựa chọn sáng suốt của Phạm Văn Đồng. Sự lựa chọn này đã đưa Ông đi vào lịch sử.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn thể hiện lối sống, tác phong giản dị, lịch thiệp. Cách viết, cách nói của Ông ngắn gọn, sâu sắc, với học vấn uyên thâm. Tình thương của Ông đối với con người thật ấm áp, giàu lòng nhân ái, không phân biệt lứa tuổi, trí thức, công nhân, nông dân, người lao động nói chung... Sự bình đẳng trong ứng xử đã trở thành nhân cách văn hóa Phạm Văn Đồng. Với gia đình, Ông là một người chồng, người cha…mẫu mực, tận tụy, giàu tình cảm.

Đồng chí Phạm Văn Đồng là một nhà trí thức, nhà cách mạng tầm cỡ, rất yêu nước và cách mạng; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tinh thần suốt đời vì nước, vì dân, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Ông đẹp mãi và luôn tỏa sáng cho các thế hệ mai sau!

PGS,TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.