Trả lời:
Thứ nhất, về cơ cấu, tổ chức của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Điều 12 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND hiện hành quy định như sau:
1- Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ mười lăm đến hai mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
2- Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các Phó chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
3- Hội đồng Bầu cử quốc gia thành lập các tiểu ban để giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong từng lĩnh vực.
Đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Ảnh minh họa: vnexpress.net.
Thứ hai, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Bầu cử quốc gia được quy định (Điều 13) như sau: Hội đồng Bầu cử quốc gia hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Hội đồng Bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng Bầu cử quốc gia được quy định tại Điều 14, như sau: Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử. Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử. Quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử.
QĐND