leftcenterrightdel
 

QĐND Online - Tuy không phải là nhà báo chuyên nghiệp nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thật sự là một nhà báo cách mạng bậc thầy, một ngòi bút chính luận sắc bén giúp luận giải những câu hỏi nóng bỏng từ chiến trường đến đồng ruộng, từ cơm áo người nông dân đến chiến lược đánh giặc giữ nước. Ông cũng từng là một trong 5 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia Ban Biên tập (nay là Bộ Biên tập) Báo Nhân Dân khi tờ báo mới thành lập năm 1951.

leftcenterrightdel
 

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước vào giai đoạn quan trọng. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cho quân đội, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Phó bí thư Tổng Quân ủy. 

Ngày 11-7-1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi chiến dịch Biên giới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh và một số cán bộ cao cấp khác tháp tùng Bác Hồ. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên Nguyễn Chí Thanh tham gia với cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khi mới tròn 36 tuổi nhưng trên cương vị mới này, ông đã thể hiện sự quan tâm và phát huy rất tốt vai trò của báo chí cách mạng.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Tháng 10 năm ấy, Báo Quân đội nhân dân được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai tờ báo Vệ Quốc quân và Quân du kích. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ giao chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này...Trung tướng Lê Phúc Nguyên, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nói về sự kiện này: "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã xin ý kiến và được Bác Hồ đồng ý đặt tên cho báo là Quân đội nhân dân. Niềm tự hào to lớn với các thế hệ làm báo Báo Quân đội nhân dân là trang nhất số báo đầu tiên, số báo lịch sử ấy, đăng toàn trang bài viết của tác giả Nguyễn Chí Thanh (không ký chức danh Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) nhan đề "Đánh thắng và bảo vệ mùa màng". Bài báo có nội dung chỉ đạo bộ đội và nhân dân thực hiện tốt hai nhiệm vụ cấp bách và trọng yếu lúc đó là chiến đấu và bảo vệ sản xuất. Tác giả viết: “No thành Phật, thành Tiên, đói thành ma, thành quỷ. Đánh có thắng được giặc dân mới no, mới ấm, quân mới hùng, mới mạnh. Giữ được mùa màng, thì dân, quân mới tạm đủ ăn no để thắng giặc và xây dựng lực lượng hùng hậu”. Một bài viết chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhưng giàu tính báo chí, có sức lôi cuốn người đọc, bất cứ ai nghe cũng thấm thía và nhận thức sâu sắc mình phải làm gì.

leftcenterrightdel
Bài báo "Đánh thắng và bảo vệ mùa màng" của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1, phát hành ngày 20-10-1950. 

Theo Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn viết nhiều bài, với các thể loại báo chí khác nhau đăng trên Báo Quân đội nhân dân, đề cập các vấn đề công tác chính trị-tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng quân đội và cả những vấn đề quốc tế. Các bài viết đều có lối viết giản dị, giàu hình ảnh, dễ hiểu, dễ tiếp thu, nhưng lời lẽ đanh thép, thái độ kiên quyết, lập luận chặt chẽ, khoa học, vừa giàu tính thực tiễn vừa sáng tầm chiến lược. Từ năm 1964 đến 1967, những bài viết, bài nói tại chiến trường miền Nam của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ký bút danh Trường Sơn) có giá trị đặc biệt, góp phần lý giải những câu hỏi nóng hổi tính thời sự nhưng mang tầm chiến lược về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nghiên cứu và phát triển tư tưởng chiến lược quân sự của Đảng trước những diễn biến rất mới mẻ và phức tạp, khi toàn dân tộc phải đương đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn ta; giúp giải đáp những câu hỏi: Có đánh được Mỹ không? Làm thế nào để đánh Mỹ? Đánh Mỹ bằng cách nào?…

Trong bài “Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đại tướng đã trả lời một trong các câu hỏi ấy: “Vũ khí, cơm gạo tiền bạc chúng ta đều nghèo hơn Mỹ. Bọn Mỹ nhiều tiền, lắm của. Nhưng nếu Mỹ là triệu phú, tức là có bạc triệu đô-la thì nhân dân chúng ta là triệu phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mỹ thua chúng ta là ở chỗ đó, tức thua cái gan của dân tộc chúng ta”.

leftcenterrightdel
 

Đại tướng minh chứng: "Về lý thuyết thì một sư đoàn của Mỹ có thể tiêu diệt một trung đoàn của đối phương trong một trận. Nhưng vì sao ở miền Nam ta, Mỹ có gần 6 sư đoàn với một lực lượng không quân rất mạnh mà không tiêu diệt gọn được một đại đội của quân giải phóng. Trái lại hàng chục tiểu đoàn của Mỹ lại bị quân giải phóng tiêu diệt gọn. Thế là thế nào? Nếu chỉ đếm số người và số súng của một sư đoàn Mỹ thì không thể đánh giá đúng năng lực chiến đấu của nó được, trừ phi để mà duyệt binh. Còn đánh nhau thì lại khác. Năng lực chiến đấu thực tế của một quân đội bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố". 

Trong bài viết cho Báo Nhân Dân Đảng là người tổ chức, lãnh đạo quân đội ta (1959), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết về các chiến sĩ:

"Đói ư ? - Đói cũng đánh

Rét ư ? - Rét cũng đánh

Ốm ư ? - Ốm cũng đánh”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, người trực tiếp có nhiều năm gắn bó với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi làm báo nhớ lại: “Năm 1960, khi vừa hoàn thành chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp thì thiên tai, dịch bệnh làm lúa bị mất mùa, khiến một bộ phận nông dân hoang mang. Lúc này, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng họp vào tháng 8-1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Ai cũng nghĩ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ giữ những trọng trách trong quân đội. Thế nhưng, ngay sau Đại hội Đảng, Bác Hồ lại mời đại tướng đến và giao nhiệm vụ phụ trách Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương (nhiều người viết nhầm ông là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Thực tế, Ban Công tác nông thôn Trung ương phạm vi rộng hơn rất nhiều). Điều này khiến không ít người ngạc nhiên, tại sao một đại tướng quân đội lại được giao phụ trách nông nghiệp? Nhưng đây chính là tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước lúc này cần ở Nguyễn Chí Thanh một con người của hành động!"

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng rất linh hoạt quan điểm của Lênin và Hồ Chí Minh về việc phát huy chức năng tổ chức tập thể của báo chí ngay trong chỉ đạo đổi mới nông nghiệp. Theo V.I. Lênin: “Tờ báo không phải chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ vũ tập thể, mà lại còn là người tổ chức tập thể”. Tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”.

Việc biến hiện tượng hợp tác xã Đại Phong thành điển hình lớn, phong trào cách mạng là một ví dụ sinh động của việc nhà báo, nhà lãnh đạo Nguyễn Chí Thanh đã vận dụng và phát huy rất tốt chức năng này của báo chí. Sau khi đọc bài báo Một hợp tác xã gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (đăng Báo Nhân Dân ngày 11-1-1961, ký tên T.L) biểu dương Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương đã đích thân vào tận Quảng Bình, yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy cùng xuống cơ sở 5 ngày  tìm hiểu thực tế. Gặp gỡ nông dân và cán bộ, nhận ra đây là điển hình hay, ông chỉ đạo tổ chức Hội nghị tổng kết toàn tỉnh Quảng Bình để cổ vũ điển hình.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tăng gia sản xuất tại Trung ương Cục miền Nam.

Sau Hội nghị này, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết loạt bài 3 kỳ trên Báo Nhân Dân với tiêu đề Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong đăng các ngày 26, 27 và 28-2-1961. Bài báo gây tiêng vang mạnh mẽ, cán bộ nhiều tỉnh khác liên tiếp đến Đại Phong để học hỏi kinh nghiệm, tạo nên một phong trào học tập và thi đua với Đại Phong lan tỏa khắp miền Bắc. Chỉ sau ba tháng, đã có gần 1.000 Hợp tác xã thi đua với Đại Phong; tạo nên những Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất... Bác Hồ sau đó cũng đã viết hẳn một bài đăng trên Báo Nhân Dân và khẳng định đây chính là “Phong trào Đại Phong”. Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Bác Hồ đã thay mặt Trung ương biểu dương, hoan nghênh HTX Đại Phong.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất sâu sát thực tiễn. Khi ông là Ủy viên Bộ Chính trị, có người gọi ông là “anh bám đội lội đồng”. Chẳng vậy mà nhà thơ Bút Tre ở Phú Thọ nhân chuyến ông về thực tế địa phương đã xuất khẩu thành thi 2 câu: “Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh/ Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng”.

Theo nhà nghiên cứu Ngô Vương Anh: Ngay sau khi Báo Nhân Dân thành lập, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có bài đăng ngày 15-11-1951, ký tên Nguyễn Chí Thanh: Để phá tan âm mưu của giặc dùng người Việt đánh người Việt - Đẩy mạnh công tác vận động ngụy binh. Trong bài viết, ông nêu lên kinh nghiệm là: “Do có nhân dân tham gia, việc tuyên truyền thiết thực và có hiệu quả nhiều hơn.

leftcenterrightdel
 Phim tài liệu: Nguyễn Chí Thanh - Đại tướng nông dân (Tập 1). Nguồn: VTV. vn

Dù là đại tướng, là Ủy viên Bộ Chính trị nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn lăn lộn với thực tiễn với cơ sở và thường xuyên viết bài cho báo để chỉ đạo thực tiễn. Ông đã viết nhiều bài cho Báo Nhân Dân về cải tiến quản lý Hợp tác xã, Thâm canh lúa, Phát huy vai trò tích cực của phụ nữ trong phong trào Hợp tác hóa và phát triển sản xuất nông nghiệp... Thậm chí có dịp Tết Quý Mão (1963), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn tham gia viết báo Tết với bài Cảm nghĩ Tết của một nông dân xã viên dạt dào cảm xúc.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại chiến khu Việt Bắc năm 1951.
 

Nhà báo Phan Quang kể: Anh Nguyễn Chí Thanh đánh giá cao tác dụng của báo chí. Do nhu cầu công tác, anh chịu khó viết báo và hình như cũng tìm thấy hứng thú trong việc ấy. Có những bài lớn, có ý nghĩa tổng kết về những vấn đề quan trọng, cũng có những bài dăm bảy trăm từ chỉ đạo các vấn đề cụ thể. Phần lớn những bài này tự tay anh viết ra rồi giao cho cán bộ biên tập sửa chữa. Anh tôn trọng quyền biên tập của nhà báo. Tôi nhớ một lần Báo Nhân Dân đăng bài tổng kết HTX Đại Phong của anh, chúng tôi buộc phải chuyển nhiều từ tiếng địa phương miền Trung ra tiếng phổ thông để bạn đọc khỏi bỡ ngỡ. Hôm sau anh suýt xoa: “Các cậu sửa nhiều chỗ làm mất hơi văn của tớ. Câu ví von nói giọng Bình Trị Thiên thì được, chuyển sang tiếng Bắc nghe nó ngô nghê thế nào”.

Học tập Bác Hồ, anh cố gắng trình bày những vấn đề lý luận trừu tượng bằng lời lẽ thông thường. Văn anh chen nhiều thành ngữ dân gian, đặc biệt ngôn ngữ miền Trung mà anh vận dụng nhuần nhuyễn. Có khi anh băn khoăn cả buổi để cân nhắc nên dùng hay không một thành ngữ. Thời trẻ, anh từng đi hò đối đáp nam, nữ, lời ăn tiếng nói dân gian không phải là cái gì đó quá xa lạ, tuy vậy anh vẫn rất thận trọng khi đặt bút. Nói về hợp tác xã chi phí sản xuất cao, anh viết: "Một tiền gà bằng ba tiền thóc". Phê phán một chủ nhiệm không coi trọng việc xác định phương hướng trước khi làm kế hoạch sản xuất, anh bảo như vậy là "đặt cái cày trước con trâu"…

leftcenterrightdel
 

Nhà báo Phan Quang nhiều lần kể về một bài báo đặc biệt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, ký bút danh “P.V”, mang tên “Huyện ủy 5 không”.

Sự việc diễn ra vào ngày 21-7-1962, Đại tướng về kiểm tra công tác tại huyện Thủy Nguyên ngoại thành Hải Phòng. Lúc đó, Thủy Nguyên đang được coi là một huyện khá, nhưng trong khi trao đổi, ãnh đạo Huyện ủy nắm bắt tình hình địa phương cái gì cũng chung chung.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên đường đi công tác 
 

1. Hỏi: Ruộng đất toàn huyện có bao nhiêu?

Trả lời: Chúng tôi chưa nắm được cụ thể (tức là không biết).

2. Hỏi: Bình quân diện tích canh tác một đầu người trong huyện bao nhiêu?

Trả lời: Chúng tôi chưa tính (tức là cũng không biết).

5. Hỏi: Vụ chiêm năm nay các đồng chí đã tính toán thu nhập đầu người bao nhiêu đồng một tháng?

Trả lời: Chúng tôi chưa tính”.

Tám giờ sáng hôm sau, vừa đến tòa soạn báo Nhân Dân, ông Phan Quang đã thấy người giao liên từ chỗ ông Nguyễn Chí Thanh mang bài sang. Đó là bài tiểu phẩm Đại tướng viết trong đêm bằng bút mực xanh, nét bút không ngay ngắn lắm. Bài viết lưu loát, dí dỏm song càng về cuối chữ càng to bè, dòng xiên xẹo.

Tôi chợt liếc nhìn đồng chí Nguyễn Chí Thanh, thấy đồng chí toát cả mồ hôi trên trán như một cầu thủ sau những phút giao tranh căng thẳng dưới nắng hè. Bỗng dưng đồng chí buột miệng nói vui:

- Các cụ ở dưới mà làm ăn như thế thì chúng tôi ở trên biết làm thế nào được? Lãnh đạo mà không nắm được tình hình thì coi như không lãnh đạo. Người nông dân trong việc làm ăn của họ, phải tính toán từng đồng xu hạt gạo, mà chúng mình đại khái với nhau như thế này thì chết dở với nhau tuốt”. 

leftcenterrightdel
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sống cuộc đời bình dị, trong sáng và sôi nổi. Ở chiến trường miền Nam, bộ đồ quen thuộc của Đại tướng là bộ bà ba đen hoặc nâu, chiếc mũ tai bèo, một đôi bốt ngắn và một khẩu súng ngắn bên sườn.  

Ông Phan Quang nhận ra Đại tướng viết vội lúc đang mệt sau những giờ dài trên xe. Cuối bài báo ký tắt P.V. Người biên tập chỉ thêm bớt vài chấm phẩy, sửa đôi ba từ, rồi cho in ở số báo ra ngày hôm sau. Là phóng viên duy nhất tháp tùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hôm đó, nên nhiều người nghĩ P.V là ông Phan Quang. Một số cán bộ địa phương phản ứng gay gắt với phóng viên Phan Quang và tòa soạn báo Nhân dân. Nhưng rồi, họ tá hỏa khi biết sự thật ông P.V ấy không ai khác là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người đã hạ bút viết dòng cuối cùng trong bài:

Được cái là các đồng chí không biết thì bảo là không biết, còn tốt hơn là không biết mà cứ nói bừa, chẳng trúng vào đâu”.

Theo nhà báo Phan Quang, bài báo cuối cùng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là ý kiến phát biểu về một hợp tác xã ở Hà Đông. “Mùa hè năm 1967, quân và dân miền Nam đang khẩn trương chuẩn bị Tết Mậu Thân. Anh được mời ra làm việc thêm với Bộ Chính trị và Bác Hồ. Nhân về thăm gia đình sơ tán ở một thôn thuộc huyện Mỹ Đức, anh xem xét tình hình cơ sở và nhận thấy: Hợp tác xã phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng trong khi chạy theo phương hướng mới này, đã để cho năng suất và sản lượng lúa giảm sút, do đó tăng thêm gánh nặng Nhà nước về cung cấp lương thực. Đây không phải là hiện tượng riêng lẻ ở một địa phương mà là một khuynh hướng khá phổ biến ở nhiều vùng trồng cây công nghiệp hồi ấy, cần phát hiện và uốn nắn kịp thời. Anh đề nghị với Tỉnh ủy Hà Đông và Ban Nông nghiệp Trung ương nắm lại tình hình. Anh xin phát biểu hội nghị với cán bộ xã và huyện, từ đó có thể nêu vấn đề mở rộng cuộc thảo luận ra những vùng khác” – Nhà báo Phan Quang viết.

Nhà thơ Tố Hữu từng viết về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong bài thơ “Nhớ Anh”:

 “Ở đâu nghèo đói, gọi xung phong

Lon nước mo cơm, lội khắp đồng

 Ở đâu tiền tuyến, kêu Anh đến

 Tay súng tay cờ, lại tiến công!

Ôi! Sống như Anh, sống trọn đời

Sáng trong như ngọc, một con Người!".

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
 
del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: Đại tá NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: KIỀU MAI SƠN – NGUYỄN VĂN MINH

Kỹ thuật, đồ họa: VĂN DUYÊN - VIỆT HƯNG 

Ảnh: TTXVN, TƯ LIỆU