leftcenterrightdel
 

QĐND Online - Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến là một vị tướng dạn dày trận mạc, đã cầm súng ở cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới. Hòa bình, trên các cương vị Cục trưởng Cục Quân lực, Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 1 cho đến lúc nghỉ hưu, ông tiếp tục phát huy bản lĩnh, kinh nghiệm của “ngọn cờ đầu trong những mùa chiến dịch” cho sự nghiệp xây dựng quân đội, đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu giai đoạn mới. Năm 2013, ông nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi đã nghỉ hưu với tâm sự: Khi đeo chiếc Huân chương này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy trĩu nặng nỗi nhớ thương đồng đội..

leftcenterrightdel
 

Đồng chí Khuất Duy Tiến sinh ngày 27-2-1931, trong một gia đình cố nông ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc T.P Hà Nội). Những ngày thiếu đói, cơ cực, chỉ mơ ước bữa ăn no, manh áo vải nâu, giấc ngủ không chập chờn đã tôi rèn một Khuất Duy Tiến một ý chí vượt khó vươn lên, kiên cường, dứt khoát. Chính vì vậy, tháng 9-1945, 14 tuổi Khuất Duy Tiến bắt đầu tham gia các hoạt động của Việt Minh.

Theo hồi ký của ông, tháng 10-1949, Khuất Duy Tiến bắt liên lạc được với Đại đội 354 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 để đón đồng chí Ngữ về diệt tên lý trưởng xã Đại Đồng. Sau hai lần bố trí tiêu diệu chưa thành công, để trả thù cách mạng, tên lý trưởng huy động lực lượng và bắt được Khuất Duy Tiến cùng nhiều đồng đội khác, đưa xuống huyện giam. Ông bị tra tấn dã man rồi bị chuyển giam ở thị xã Sơn Tây và sau đó đưa về nhà tù Hỏa Lò biệt giam. Nhưng cũng chính Hỏa Lò trở thành trường học cách mạng của Khuất Duy Tiến với những bài học về chủ nghĩa cộng sản.

leftcenterrightdel
 

Ngày 19-5-1950, quân Pháp tiến công Hà Nam, giặc huy động tù binh đi phục vụ chiến đấu vận tải đạn cho binh lính Pháp. Tối hôm đó, lợi dụng lúc quân Pháp ngủ, Khuất Duy Tiến cùng một số đồng chí bí mật trốn thoát được. Anh trở về xã Đại Đồng gặp lại người cha và nói rõ ý định muốn đi bộ đội vào quân chủ lực để trực tiếp đánh giặc. Tháng 9 năm ấy, Khuất Duy Tiến chính thức nhập ngũ vào vào Đại đội 354, Tiểu đoàn 884 (nay là Đại đội 9, Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 48, Đại đoàn 320  khi tròn 19 tuổi. Những năm ấy, Đại đoàn Đồng Bằng chiến đấu ở Sơn Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Đông, Thái Bình dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng tài danh Văn Tiến Dũng. 

Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ bài học đầu tiên trong quân ngũ là tập bắn súng. Phải mất hơn một thời gian mới quen với cách lấy đường ngắm cơ bản và yếu lĩnh, động tác khi bắn súng. Ấy vậy mà, năm tháng chiến đấu với bao cuộc thử lửa trên chiến trường đã tôi rèn nên một vị tướng trận mạc quả cảm, sẵn sàng cùng những người lính của mình tham gia nhiều trận đánh ác liệt, giữa lằn ranh sinh tử của cuộc chiến đấu đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới phía Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn.

leftcenterrightdel
 

Trận đánh đầu tiên chiến sĩ trẻ được tham gia là trận chống địch càn vào làng Hạ Băng, huyện Thạch Thất. Ngay trận này, ông đã bị thương vào đùi, mất rất nhiều máu nhưng điều đó không làm ông nhụt chí mà càng có quyết tâm rèn luyện kỹ chiến thuật để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Theo bước trưởng thành của đơn vị, qua thực tiễn chiến đấu, Khuất Duy Tiến được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 19 xung kích. Những chiến dịch Sơn Tây, Hà Nam Ninh, Hòa Bình…, Khất Duy Tiến luôn xung phong tiếp về phía trước cùng đồng đội hăng say diệt địch, lập công. Trong đội hình Đại đoàn 320 chiến đấu tại đồng bằng Bắc Bộ, phân tán sự chú ý của địch để cùng chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954. Nhưng phải đến khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, tài năng, bản lĩnh của ông mới được thể hiện rõ nét với nhiều dấu ấn trong nhiều trận đánh, chiến dịch.

leftcenterrightdel
 
 

Khi đế quốc Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam, ông cùng Sư đoàn 320 hành quân vào chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên, tham gia giải phóng Sài Gòn. Những tháng năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt cũng là những năm tháng rèn đúc lên ý chí và bản lĩnh thép của một Khuất Duy Tiến kiên cường, cẩn trọng, tỉ mỉ, sâu sát.

Nhắc lại những chiến công của mình, có lẽ trận đánh ấn tượng nhất với Trung tướng Khuất Duy Tiến đó là chiến dịch ở đường 9 - Nam Lào năm 1971. Đây là chiến dịch mà ông tham gia với vai trò Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), chỉ huy các tiểu đoàn đánh vào điểm cao 543 tiến tới tiêu diệt căn cứ 31 của lữ đoàn số 3-lực lượng thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn lúc bấy giờ. Để giữ chắc điểm cao 543, địch đưa quân tới chiếm điểm cao 535 (Không Tên - cách điểm cao 543 khoảng hai km) nhằm chặn đứng quân ta tiến đánh căn cứ 31.

leftcenterrightdel
 

Sáng 13-2-1971, địch cho ném bom phát quang đồng thời cho máy bay rải bom, bắn pháo, ào ạt đổ quân xuống trận địa của ta. Mở đầu những đợt tấn công  liên tiếp của Trung đoàn 64, kéo dài cho đến ngày 25-2. “Quá trình chiến đấu, ta không tránh khỏi thương vong, có tổ đã chiến đấu tới người cuối cùng. Song vượt lên tất cả, bộ đội vẫn lăn lộn trên chiến hào, củng cố công sự, nhanh chóng chuyển thương binh về tuyến sau rồi trở lại vị trí của mình, sẵn sàng chiến đấu”-Ông kể. Trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Khuất Duy Tiến luôn cảm khái, nhớ và nhắc đến tên nhiều cán bộ, chiến sĩ quả cảm của mình. Chính họ mới là người làm nên chiến thắng tiêu diệt gọn tiểu đoàn dù số 3, tiểu đoàn binh hỗn hợp, sở chỉ huy của địch; bắt sống toàn bộ sĩ quan chỉ huy, trong đó có đại tá Nguyễn Văn Thọ - lữ trưởng lữ đoàn dù 3 của quân ngụy Sài Gòn.

leftcenterrightdel
 
 

Đầu tháng 11-1973, Trung tá Khuất Duy Tiến, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 được cấp trên điều về làm Tham mưu phó Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3). Chưa tròn một tuần sau, ông lại có quyết định mới: Bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3-Tây Nguyên

Sau khi ra Hà Nội dự tổng kết chiến dịch Tây Nguyên năm 1972 trở lại mặt trận thì ông được biết, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên nhận nhiệm vụ chuẩn bị mở Chiến dịch Tây Nguyên nhằm tiêu diệt địch theo Đường 14 qua Đức Lập, giải phóng Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) mở hành lang chiến lược nối liền Tây Nguyên với Đông Nam bộ. Phòng Tác chiến Mặt trận đã tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch mang tên “Chiến dịch tháng 2-1975”. Nhưng do tình hình thay đổi, sau chiến thắng Phước Long, Trung ương đánh giá Mỹ không có khả năng can thiệp. Phương án tác chiến trong năm 1975 hướng tấn công chính sẽ là các thành phố, thị xã. Vậy là từ tháng 10-1974, , Trưởng phòng Khuất Duy Tiến lại cùng anh em trợ lý bắt tay vào xây dựng một kế hoạch khác.

leftcenterrightdel
 Việc nghi binh được  triển khai trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11-1974 tới đầu tháng 3-1975)

Sau 2 tuần soạn thảo, một kế hoạch mới “hoàn hảo”, gọi tắt là kế hoạch B do Trưởng phòng Khuất Duy Tiến viết tay, tổng hợp trên 10 trang giấy pơ-luya chính thức được Tư lệnh Vũ Lăng thông qua. Tham gia vào kế hoạch nghi binh này, ngoài lực lượng tại chỗ được bố trí ở các hướng còn có một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ nghi binh gồm 2 máy 15W của Trung đoàn thông tin cùng hai tổ cơ yếu, trong đó một máy làm nhiệm vụ đóng giả một sư đoàn mới vào, một máy đóng giả Sở chỉ huy tiền phương B3. Theo lời kể của ông, các đơn vị được phổ biến quy định là khi nhận kế hoạch tác chiến mà có chữ “kế hoạch B” thì chỉ huy đơn vị cần lưu ý: Không làm theo. Việc nghi binh được triển khai trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11-1974 tới đầu tháng 3-1975). Địch bị phía ta đưa vào “ma trận” với thật giả lẫn lộn. Những phương án nghi binh do Trưởng phòng Khuất Duy Tiến chấp bút được ta triển khai rầm rộ như: Đêm đêm các xe kéo pháo, xe tăng cơ động thay đổi vị trí, các xe vận tải tăng cường vận tải hàng hóa, quân - dân ra sức củng cố hầm hào, công sự chiến đấu; đồng thời ta cho phao tin sắp đánh lớn ở Gia Lai, Kon Tum khiến cho địch lập tức điều động lực lượng lên khu vực này, trong khi đó Buôn Ma Thuột không có kế hoạch phòng thủ.

 “Khi Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tổng kết lại mới thấy việc nghi binh đã được anh em các đơn vị phối hợp thực hiện rất tốt” - vị tướng trận mạc chân thành bộc bạch. Theo ông, việc chủ động tấn công và dùng phép nghi binh lừa địch của quân ta đã thành công. Ta đã thu hút một lực lượng lớn của địch lên phía bắc Tây Nguyên, đồng thời bao vây, cô lập Buôn Ma Thuột để có được thắng lợi trong trận then chốt. Để rồi tiếp tục những trận đánh nối tiếp chiến công, cho đến ngày toàn thắng 30-4-1975.

 Còn bản gốc “Kế hoạch nghi binh” nói trên được Trung tướng Khuất Duy Tiến nâng niu giữ gìn suốt 35 năm. Đến ngày 11-2-2009, hưởng ứng Cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”, ông đã tặng lại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam làm hiện vật giáo dục truyền thống.

leftcenterrightdel
 
 

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tưởng đất nước sẽ ngưng tiếng súng, nhưng cuối năm 1977, bọn phản động Pol Pot tiến hành chống phá Việt Nam điên cuồng. Trước tình hình đó, Tư lệnh Quân đoàn 3 Nguyễn Kim Tuấn quyết định điều Khuất Duy Tiến, khi ấy đang là Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân đoàn về nhận nhiệm vụ làm Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3. Đến tháng 2-1978, ông được điều về làm Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 320. Khi vừa ra Hà Nội học tập tại Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng) được chừng 3 tháng, tình hình chiến trường gặp nhiều khó khăn, cấp trên quyết định điều ông trở lại làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320.  

 Cho đến bây giờ, trong tâm trí Anh hùng Khuất Duy Tiến vẫn còn rõ nét những hình ảnh “kinh hoàng” của chuyến đi thị sát cùng Thiếu tướng (sau này là Thượng tướng) Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng, lên khu vực Xa Mát (thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). “Khắp nơi là xác trẻ em, người già và phụ nữ. Xác người la liệt trong nhà, ngoài sân, sau vườn. Quân Khmer đỏ không giết người bằng súng mà chúng dùng rìu đốn củi. Anh Lê Ngọc Hiền vốn nổi tiếng là người bản lĩnh, cứng rắn, chứng kiến cảnh đó chỉ biết gọi tôi “Tiến ơi!" rồi bật khóc”, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.

Làm thế nào để chặn đứng và đẩy lùi các đợt tiến công của địch là câu hỏi hóc búa nhưng vô cùng cấp bách đối với Bộ tư lệnh Sư đoàn 320. Cán bộ, chiến sĩ của ta chiến đấu rất kiên cường, dũng cảm. Một vài chốt bị cô lập hằng tuần, khi chốt rơi vào tay địch đều trong trường hợp người chiến sĩ cuối cùng đã hy sinh. Ta chưa phá được chiến thuật bu bám của địch.  

leftcenterrightdel
 

Để giải quyết vấn đề trên, ngày 2-4-1978, Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến trực tiếp chỉ đạo Trung đoàn 48 mở hội nghị rút kinh nghiệm. Theo đề xuất của Đại đội trưởng Đại đội 6 Trịnh Xuân Lan, xin được tổ chức cho đơn vị mình đưa từng tổ bí mật luồn về sau lưng địch. Ông đã mạnh dạn tiếp thu, sẵn sàng chịu các hình thức kỷ luật nếu không thành công và đồng ý cho thực hiện thí điểm. Phương thức hoạt động nhỏ lẻ đạt hiệu quả cao của Đại đội 6 do Đại đội trưởng Trịnh Xuân Lan phụ trách sau đó được phổ biến cho các đơn vị trong sư đoàn học tập

Từ đó, với quyết tâm của Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến và Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn phong trào thi đua với “ngọn cờ đầu hoạt động nhỏ lẻ” đã nhanh chóng nhân lên rộng khắp Sư đoàn 320 trong suốt giai đoạn phòng ngự, làm thay đổi cục diện chiến trường. Đến mùa khô cuối 1978, ông chỉ huy sư đoàn đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia) tấn công sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum) bằng lực lượng cơ giới hành tiến thọc sâu, trong 1 ngày đã diệt gọn mục tiêu. Tiếp đó, trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh đầu tháng 1-1979, Sư đoàn 320 do ông chỉ huy đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ Thị xã Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh.

leftcenterrightdel
 

Khi tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp, từ đầu năm 1985, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3 được tăng cường cho mặt trận Hà Giang. Thiếu tướng Khuất Duy Tiến-tư lệnh quân đoàn đã lên Vị Xuyên, đến từng căn hầm, đoạn hào với bộ đội. Từ thực tế chiến trường, ông chỉ đạo làm đường chui, cải tạo các hang đá, hốc núi thành kho trạm, hầm trú ẩn và xây dựng hầm bê tông trên các điểm tựa. Nhờ hệ thống phòng ngự vững chắc, đơn vị đã đẩy lùi nhiều đợt tiến công lớn của đối phương.

Cuộc đời bình nghiệp của Trung tướng Khuất Duy Tiến đã đi qua nhiều chiến trường khốc liệt với biết bao nhiêu cuộc thử lửa cam go đã được ông vận dụng sáng tạo khi tiếp tục trải qua là gần 10 năm ở cương vị chỉ huy Quân đoàn 3 tham gia giữ địa bàn trọng yếu, rồi ra bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và tổ chức hành quân trở lại Tây Nguyên xây dựng Quân đoàn chủ lực trong thế trận mới vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia xây dựng Tây Nguyên an ninh và giàu đẹp. Trước khi được về nghỉ hưu, ông còn có 10 năm làm Cục trưởng Cục Quân lực và Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 1.

leftcenterrightdel
 

 Ngày 30-10-2013, Trung tướng Khuất Duy Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy chiến đấu. Ông tâm sự: “Ngày tôi được phong anh hùng, hơn 800 anh em Sư đoàn 320 từ 26 tỉnh miền Bắc đã về để chúc mừng. Tôi nói với anh em, khi đeo chiếc Huân chương này, tôi vừa tự hào, vừa cảm thấy trĩu nặng ân tình với đồng đội. Với ông, danh hiệu cao quý đó cũng là danh hiệu chung của toàn thể đồng đội đã cùng ông chiến đấu, nhất là những người đã hy sinh.

leftcenterrightdel
 

Nặng lòng với đồng đội, giờ đây đã ở tuổi 90, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn tích cực với những hoạt động giúp đỡ đồng đội và tri ân các thương binh, gia đình liệt sĩ. Năm 2017, 2018, Ban Liên lạc truyền thống Sư đoàn 320-Đại đoàn Đồng Bằng triển khai xây dựng hai nhà bia tưởng niệm trên điểm cao 1015 (Charlie) và cao điểm 1049 (Delta) với sự nhất trí của Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum và sự đồng tình của lãnh đạo, nhân dân huyện Sa Thầy, các xã Rờ Cơi, Hơ Moong. Ban liên lạc không kêu gọi đầu tư, không lập đề án xin tiền nhà nước hay tổ chức bên ngoài mà động viên các CCB sư đoàn. Người nhiều, người ít tự nguyện đóng góp trên tinh thần nghĩa tình, tri ân nhớ về đồng đội.

leftcenterrightdel
 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tổng kinh phí xây dựng hơn 2 tỷ đồng đều do anh em, các gia đình CCB đóng góp. Riêng vị tướng già Khuất Duy Tiến đã góp 400 triệu đồng từ tiết kiệm lương hưu và tiền hỗ trợ của con cháu ông. Trong suốt quá trình thi công xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến nay, mặc dù tuổi cao, sức khỏe có hạn nhưng Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn nhiều lần vượt hàng ngàn cây số để đến đây thắp nén tâm hương như một lời tri ân những đồng đội năm xưa đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Nhớ những người lính trẻ của mình từng chia nhau từng điếu thuốc giữa chiến trường, ông còn lặn lội mang cả gói thuốc lào Vĩnh Bảo đặt lên nơi thờ các anh. “Tôi đã trải qua cả bốn cuộc chiến tranh nên hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình. Chính những người nằm lại nơi đây đã hy sinh để chúng ta được sống hôm nay!”-Vị tướng già ngậm ngùi.

leftcenterrightdel
 
  
del
Thông tin tác giả

Nội dung: BÍCH TRANG

Ảnh: Tư liệu - QĐND 

Kỹ thuật, đồ họa: ĐIỆP ANH