leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

QĐND Online - Ngày này 46 năm trước, Trường Sa - quần đảo thân thương và thiêng liêng của Tổ quốc đã hoàn toàn giải phóng từ những bàn chân tuổi mười tám, đôi mươi thần tốc đạp trên sóng nước. Trong trận đánh hết sức quan trọng mở màn ở đảo Song Tử Tây, có hai người lính trẻ, một 22 tuổi, một mới tròn 20 tuổi đã anh dũng hy sinh. 46 năm trôi qua, vì những sự cố thật khó tin, đến nay xương cốt hai anh vẫn chưa về được với đất Mẹ. Chúng tôi, những người làm Báo Quân đội nhân dân nguyện nỗ lực hết sức hỗ trợ các gia đình sớm thực hiện niềm mong mỏi ấy… 

leftcenterrightdel
 

Khi thực hiện loạt ký sự Giải phóng Trường Sa - cánh quân thứ 6 trong mùa xuân toàn thắng, chúng tôi hoàn toàn chưa nghĩ đến câu chuyện về hai liệt sĩ lại có những nốt trầm day dứt đến như vậy.

Như một cơ duyên kỳ lạ, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành loạt ký sự đúng 0 giờ ngày 29-4, khi kim đồng hồ chỉ sang thời khắc của ngày Quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng. Loạt ký sự khép lại với câu chuyện xúc động về hai liệt sĩ Trường Sa ngã xuống trong tháng Tư lịch sử năm ấy. Những điều chúng tôi ghi lại từ người thân của các anh trong ngày 28-4-2021, những hồi ức đẹp đẽ và cả những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của đồng đội, người thân mấy chục năm mỏi mòn đằng đẵng vẫn chờ đợi các anh về…

leftcenterrightdel
Bên mộ chí liệt sĩ Tống Văn Quang - Người chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường và hy sinh trong trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây - Ngày 14-4-1975. 

Theo các cựu chiến binh Trung đoàn 38, Quân khu 5, trong suốt các trận đánh giải phóng Trường Sa, có hai liệt sĩ hy sinh đều trong trận mở màn ở đảo Song Tử Tây. Trận đánh diễn ra chỉ khoảng một giờ đồng hồ nhưng ngay sau phút mở màn, ta đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch. Hạ sĩ Tống Văn Quang là liệt sĩ đầu tiên hy sinh. Anh ngã xuống trước giờ giải phóng đảo ít phút, lúc bình minh đang hé trên mép sóng.

Ngôi nhà của ông Tống Văn Ngọc (anh trai liệt sĩ Tống Văn Quang) và bà Trần Thị Lan (vợ ông Ngọc) đã cũ, nằm nép vào một góc của xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Để tìm được địa chỉ của gia đình thân nhân liệt sĩ Tống Văn Quang, chúng tôi phải dò tìm từ nhiều nguồn, sau đó gọi tới Phòng Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Thái Nguyên mới biết được người đang thờ cúng, hương hỏa cho liệt sĩ là cháu trai Tống Văn Sơn (con trai ông Tống Văn Ngọc). Ngôi nhà quá đơn sơ, trên bàn thờ gia đình cũng không còn tấm ảnh nào của liệt sĩ, chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công dùng để thờ thay cho di ảnh.

Chị dâu của liệt sĩ Tống Văn Quang là bà Trần Thị Lan, năm nay đã 72 tuổi. Trong trí nhớ của bà Trần Thị Lan, liệt sĩ Tống Văn Quang là một chàng trai cao to, vạm vỡ. “Lúc tôi lấy ông Tống Văn Ngọc (anh trai của liệt sĩ Tống Văn Quang), chú Quang còn trẻ lắm, chưa đến 18 tuổi. Chú là người hiền lành thật thà, hay lam hay làm, gia đình có mấy sào ruộng chú đều lo cày cấy. Cho đến lúc lên đường nhập ngũ, chú vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai nào”, bà Trần Thị Lan nhớ lại.

leftcenterrightdel
Những bức ảnh do nhà báo Nguyễn Khắc Xuể chụp tại Trường Sa. 

Theo bà Trần Thị Lan, gia đình liệt sĩ Tống Văn Quang có tất thảy 6 anh, chị em, liệt sĩ Tống Văn Quang là con thứ 5 trong nhà. Điều đặc biệt là chỉ sau khi ra đời được 3 ngày thì bố của liệt sĩ Tống Văn Quang đã mất, vì thế, 6 anh chị em đùm bọc nương tựa với nhau dưới sự chăm sóc, chỉ bảo của người mẹ tần tảo sớm hôm.

Anh trai liệt sĩ Tống Văn Quang là ông Tống Văn Ngọc cũng từng đi bộ đội. Ông vừa đi về thì người em trai lại lên đường. Nhập ngũ từ năm 1972 nhưng bà Trần Thị Lan cho biết, gia đình bị mất liên lạc hoàn toàn với liệt sĩ Tống Văn Quang. Suốt quãng thời gian từ năm 1972 cho đến khi nhận được giấy báo tử vào tháng 4-1975 gia đình không nhận được bức thư, hay điện báo nào về liệt sĩ Tống Văn Quang. Cũng vì thế mà khi đón nhận tin báo tử từ người con trai còn đang tuổi xuân xanh, mẹ của liệt sĩ Tống Văn Quang như chết lặng, không khỏi bàng hoàng đau xót. Bà Trần Thị Lan kể lại: “Mẹ chồng tôi lúc bấy giờ khóc nhiều lắm vì thương chú Quang hy sinh khi còn trẻ quá. Người đầu bạc còn đây mà người đầu xanh đã ngã xuống”.

Theo ông Tống Văn Sơn (cháu ruột của liệt sĩ Tống Văn Quang) cũng là người đang chịu trách nhiệm thờ cúng, hương hỏa cho liệt sĩ Tống Văn Quang, liệt sĩ Tống Văn Quang hy sinh không để lại một bức ảnh hay di vật nào vì thế, suốt thời gian dài, trên bàn thờ liệt sĩ chỉ có độc một tấm bằng Tổ quốc ghi công và tấm huân chương. Nhắc đến phần mộ liệt sĩ Tống Văn Quang, ông Tống Văn Sơn cho biết, đây cũng là nỗi day dứt của gia đình bấy lâu nay. “Bà nội tôi (tức mẹ liệt sĩ Tống Văn Quang) lúc qua đời, trước khi mất cụ vẫn còn đau đáu vì chưa tìm được hài cốt người con về an táng tại quê hương. Nghĩ con trai vẫn còn nằm lại nơi đảo xa, người mẹ không thể nào yên lòng”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Tống Văn Sơn cho biết, qua thông tin của một nhà báo, ông được biết phần mộ liệt sĩ Tống Văn Quang đã được đưa về một nghĩa trang trên đất liền, gia đình khi đó cũng đã ghi lại địa chỉ vào một tờ giấy nhưng do không chắc chắn đây có thực sự chính xác là mộ phần của liệt sĩ Tống Văn Quang hay không nên gia đình cũng chưa dám đi tìm hài cốt liệt sĩ. Vì vậy, qua Báo Quân đội nhân dân, ông Tống Văn Sơn mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thẩm định, xác minh lại chính xác địa chỉ phần mộ của liệt sĩ Tống Văn Quang, cũng như có thể đưa hài cốt liệt sĩ Tống Văn Quang về với đất mẹ Thái Nguyên.

leftcenterrightdel
 

Từ gửi gắm của gia đình, chúng tôi lần tìm lại lịch sử, theo chia sẻ từ các cựu chiến binh cùng đi giải phóng Trường Sa, liệt sĩ Tống Văn Quang là hạ sĩ, thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Hạ sĩ Tống Văn Quang hy sinh trong trận chiến đấu tại đảo Song Tử Tây vào rạng sáng 14-4-1975 và được chôn cất trên đảo. Tìm lại trích lục của liệt sĩ Tống Văn Quang do Phòng Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên cung cấp, mọi thông tin đều trùng khớp.  Liệt sĩ Tống Văn Quang nguyên quán tại Cao Ngạn, Đồng Hỷ, Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên); nhập ngũ: Tháng 5-1972; cấp bậc, chức vụ khi hy sinh: Hạ sĩ-chiến sĩ; đơn vị khi hy sinh: C12, d6, e38, f2, Quân khu 5; nơi an táng ban đầu: Đảo Song Tử Tây.

Từ thông tin bản trích lục, chúng tôi vào Hệ thống Tra cứu thông tin mộ liệt sĩ quốc gia gõ tên liệt sĩ Tống Văn Quang thì có 3 kết quả, trong đó có một kết quả trùng khớp với mộ phần đang an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

leftcenterrightdel
Nhà báo My Lăng, phóng viên Báo Tuổi trẻ, người suốt 4 năm trời đã dày công tìm hiểu thông tin về liệt sĩ Tống Văn Quang.

Liên hệ với nhà báo My Lăng, phóng viên Báo Tuổi trẻ, người suốt 4 năm trời đã dày công tìm hiểu thông tin về liệt sĩ Tống Văn Quang, từng tìm về tận nhà ông Tống Văn Ngọc để thực hiện bài viết về liệt sĩ Tống Văn Quang, cũng chính là nhà báo đã thông tin cho gia đình liệt sĩ về việc mộ phần của liệt sĩ Tống Văn Quang đã được chuyển về đất liền, chúng tôi biết thêm nhiều thông tin xung quanh việc chuyển hài cốt liệt sĩ Tống Văn Quang.

Chị My Lăng chia sẻ: “Cách đây mấy năm, khi chuẩn bị thực hiện một tuyến bài về Trường Sa, tôi tìm đến gia đình liệt sĩ Tống Văn Quang thì mới hay gia đình không biết hài cốt liệt sĩ hiện ở đâu. Vì lời gửi gắm của người mẹ liệt sĩ khi đó rất già yếu, tôi hứa sẽ cố gắng tìm cho được phần mộ liệt sĩ, để có thể sớm đưa anh về với mẹ, với quê hương. 2 năm sau, cũng trong lần thực hiện một loạt bài về Trường Sa, tôi đã vô tình tìm thấy bức ảnh tư liệu chụp những người lính đang bồng súng đứng chào bên phần mộ liệt sĩ Tống Văn Quang trên đảo Song Tử Tây. Ảnh chụp ngay sau khi giải phóng đảo không lâu. Tôi nghĩ như vậy có thể trên đảo vẫn còn mộ liệt sĩ. Thế nhưng khi hỏi ra thì mới hay, trên đảo Song Tử Tây - là nơi liệt sĩ Quang hy sinh - chỉ còn tấm bia nhỏ. Hài cốt đã được chuyển về đất liền.

Lãnh đạo của Lữ đoàn 146 gợi ý tôi lên Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Sạn hỏi thử. Người quản trang dù rất nhiệt tình hỗ trợ, chỉ cho tôi khu vực những ngôi mộ được chuyển từ Trường Sa về mấy chục năm trước nhưng không có tên liệt sĩ Tống Văn Quang. Tôi chạy đến một nghĩa trang cách đó hơn 20km theo gợi ý của người quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Sạn, nhưng cũng không tìm thấy. Tôi thấy sao mình đi tìm một thứ mông lung quá. Lúc đầu cứ nghĩ đã rõ ràng đến vậy nhưng cứ tìm, mọi thứ lại rất mơ hồ. Trong lúc thất vọng không biết tìm ai để hỏi nữa thì một người dân chỉ tôi thử gặp một người là bộ đội Trường Sa đã nghỉ hưu, hy vọng có thể biết manh mối.

Chờ hơn 2 tiếng đồng hồ tôi mới gặp được. Vô cùng may mắn, người cựu chiến binh đó chính là người hơn 30 năm trước đã đi trên chuyến tàu đưa hài cốt liệt sĩ Tống Văn Quang vào đất liền năm 1985 (tức 10 năm sau khi anh hy sinh).

Sở dĩ người cựu chiến binh ấy nhớ chính xác họ tên liệt sĩ Tống Văn Quang vì chi tiết đặc biệt: Khi cất bốc hài cốt liệt sĩ lên, hầu như vẫn còn nguyên… Người cựu chiến binh ấy cho biết, trước đây hài cốt liệt sĩ Tống Văn Quang được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Sạn nhưng sau đã được di dời qua Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Tân, cách đó hơn 50km. Tôi mừng lắm. Nghĩ đã tìm đúng người rồi. Bao nhiêu mệt mỏi vì chạy xe giữa trời nắng mấy tiếng đồng hồ cũng như dịu lặn.

Hào hứng chạy đến xã Cam Tân, tôi chùng cả người khi người dân cho biết nghĩa trang liệt sĩ đã giải tỏa mấy năm trước. Họ chỉ tôi đến Đài Liệt sĩ TP Cam Ranh tìm thử. Thực sự lúc đó tôi thất vọng kinh khủng. Nhưng tôi tự nhủ không được bỏ cuộc, còn một tia hy vọng cũng phải nắm lấy, phải tìm bằng được. Vì trời cũng đã sập tối mà phải chạy ngược lại thêm 50km nữa rất mệt mỏi nên tôi chạy về Nha Trang, sáng hôm sau chạy vào lại Cam Ranh. Tôi nghĩ đây là cơ hội cuối cùng, nếu không tìm thấy thì không thể tìm được ở đâu nữa. Đứng trước tấm bia khắc tên các liệt sĩ, tôi hồi hộp vô cùng, đến nỗi tim đập nhanh hơn và nhắm mắt lại cầu nguyện: Chỉ mong có tên chú ở đây, nếu không, cháu cũng không còn biết tìm chú ở đâu nữa. Không hiểu sao, tôi không đọc theo thứ tự mà nhìn sang bên phải, ở dòng thứ 3 thấy ngay tên liệt sĩ. Tôi phải nhìn lại lần nữa để chắc mình không nhìn nhầm. Lúc đó tôi mừng và xúc động muốn rơi nước mắt. Tôi đi từng hàng để tìm phần mộ liệt sĩ và chảy nước mắt, mỉm cười khi thấy phần mộ liệt sĩ Tống Văn Quang. Mộ liệt sĩ Quang nằm giữa khu vực bên trái Đài liệt sĩ. Trên tấm bia ghi rõ họ tên và đơn vị Vùng 4 Hải Quân! Sau mấy năm không nguôi ý nghĩ tìm cho được phần mộ người chiến sĩ đầu tiên hy sinh ở Trường Sa, trải qua nhiều lần hy vọng rồi lại thất vọng, cuối cùng tôi cũng đã tìm thấy nơi người lính ấy đang yên nghỉ”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến Lữ đoàn 146 đến thắp hương tại phần mộ của Liệt sĩ Tống Văn Quang trưa 29-4-2021.  

Để làm rõ hơn thông tin về liệt sĩ Tống Văn Quang, chúng tôi đã liên hệ với Trung tá Đỗ Văn Vạn, nguyên Trợ lý chính sách, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Chúng tôi từng phỏng vấn anh, nghe anh kể chuyện đã ở Trường Sa gần 30 năm, đã tự tay đưa hài cốt nhiều liệt sĩ về đất liền. Anh Vạn cho hay: “Tôi công tác ở Trường Sa từ năm 1983, đã đi hết các đảo nổi, chìm. Từ năm đó đến Song Tử Tây, đã thấy mộ anh Tống Văn Quang và cũng nghe mọi người nói nhiều về anh. Đến năm 1985, kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có một đợt quy tập, đưa hài cốt các liệt sĩ vào đất liền, trong đó có hài cốt anh Quang. Nhưng rất tiếc chuyến đó tôi không tham gia”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Lữ đoàn đã đưa hài cốt các liệt sĩ vào đất liền. Lúc đầu đưa về nghĩa trang liệt sĩ ở xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Sau đó địa phương giải phóng mặt bằng nên hài cốt các liệt sĩ, trong đó có anh Quang được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Cam Ranh. Đơn vị sẽ tạo mọi điều kiện, giúp đỡ gia đình nếu gia đình có nguyện vọng và cơ quan chức năng cho phép đưa hài cốt liệt sĩ về Thái Nguyên”.

Hoàn cảnh gia đình liệt sĩ Tống Văn Quang hiện nay cũng không mấy khá giả. Báo Quân đội nhân dân hy vọng qua bài báo này, có thêm những sự giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực từ các nhà hảo tâm và cơ quan chức năng để gia đình sớm đưa liệt sĩ trở về với quê hương.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Tìm về xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng vào buổi sớm cuối Tháng Tư, chúng tôi may mắn gặp được ông Ngô Văn Đại (con thứ 7 trong gia đình), em trai của liệt sĩ Ngô Văn Quyền, người bị thương nặng trong trận chiến trên đảo Song Tử Tây và hy sinh trên đường tàu về đất liền. Thông tin khi hy sinh, liệt sĩ Ngô Văn Quyền là hạ sĩ, thuộc Đại đội 1, Đoàn 126.

Theo ông Ngô Văn Đại, đã mất rất nhiều thời gian, qua nhiều kênh thông tin, gia đình mới vô tình tìm lại được người đồng đội cũ từng chiến đấu với liệt sĩ Ngô Văn Quyền và nghe được tường tận câu chuyện cảm động về liệt sĩ, đó là ông Đào Mạnh Hồng (hay còn gọi là Hống). Ông Ngô Văn Đại kể lại: “Khi gặp anh Đào Mạnh Hồng, gia đình tôi mới biết, hóa ra, anh Ngô Văn Quyền chính là người đã đỡ đạn giúp người đồng đội của mình, dẫn đến bị thương khi chiến đấu. Lúc đó, anh Quyền và anh Hồng trong mũi đặc công đang tập kích địch. Anh Hồng là chỉ huy nên đi trước, anh Quyền đi sau. Khi đi tới một khúc cua gấp nhìn thấy đằng trước là quân địch thì anh Hồng mới kêu lên, đằng trước có địch, nghe thấy vậy, anh Quyền mới nhảy lên trên, chắn trước mặt anh Hồng để đỡ đạn. Mục đích là để bảo vệ người chỉ huy”.

leftcenterrightdel
Ông Ngô Văn Quang là em trai Liệt sĩ Ngô Văn Quyền tại nhà riêng ở xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng 

Đối chiếu thông tin cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng chia sẻ với báo chí quả thực, liệt sĩ Ngô Văn Quyền đã không mảy may suy nghĩ đến bản thân, coi cái chết tựa lông hồng trong tình thế cấp bách, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ người chỉ huy trong chiến đấu. "Quyền trong tổ chiến đấu đầu tiên cùng tôi. Cậu ấy là người che đạn cho tôi. Lẽ ra viên đạn đó găm vào tôi... Tôi đang lao về phía trước, Quyền đi sau phát hiện một người lính trong giao thông hào giơ súng nhô ra nên lao lên đỡ đạn... ", cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng chia sẻ.

leftcenterrightdel
 

Nghĩ về hành động xả thân trong chiến đấu của người anh trai, ông Ngô Văn Quang (con thứ 5 trong gia đình), em trai của liệt sĩ Ngô Văn Quyền cho biết, ông không lấy làm lạ khi nghe cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng chia sẻ về nguyên nhân sự hy sinh của anh trai mình. Bởi lẽ, từ khi còn nhỏ, được sống cùng với anh trai, ông Quang đã thấy anh mình là một người phóng khoáng, rộng rãi, thương người, hay giúp đỡ người khác. “Kể cả đi bộ đội, các đơn vị cũng phải khen anh ấy là người nhanh nhẹn, hoạt bát, tình cảm, tiến bộ nhanh”, ông Ngô Văn Quang chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian ngắn ngủi có anh, có em, ông Ngô Văn Quang kể: “Tôi nhớ nhất kỷ niệm khi tôi còn bé. Lúc đó tôi ở nhà còn anh Quyền đi chăn trâu, nhà còn phần cơm anh ấy, còn tôi ăn trước. Khi về, thấy anh lục đục lấy cơm ăn, còn tôi ăn vẫn chưa đủ, vẫn đói. Lúc ấy bé vô tư không nghĩ gì nên chốc chốc lại gọi anh hỏi vu vơ, cốt để anh nhường thêm cơm cho ăn. Vậy mà anh nhường thật. Đến khi tôi học lớp 4, trong một lần anh ấy và anh bạn bên Đồ Sơn về chơi, đúng lúc tôi bị ốm nặng, anh Quyền phải cùng bạn khiêng võng tôi suốt đêm để tới bệnh xá khám bệnh. Trong trí nhớ của tôi, anh Quyền không chỉ có ngoại hình sáng sủa, trắng trẻo, đẹp trai nhất nhà, mà còn vô cùng thương bố mẹ, thương các em”. 

Trong trí nhớ của cựu chiến binh Nguyễn Đắc Lưu, người đồng đội đặc biệt của liệt sĩ Ngô Văn Quyền khi vừa là đồng hương, vừa cùng một đơn vị lại cùng đi chiến đấu giải phóng Trường Sa với nhau thì liệt sĩ Ngô Văn Quyền là một chàng trai trắng trẻo, thư sinh, và rất nghệ sĩ. “Nếu còn sống, chắc anh Quyền đã là một nghệ sĩ rồi”, cựu chiến binh Nguyễn Đắc Lưu bồi hồi xúc động. Khi bị thương nặng, trên đường tàu vận chuyển về đất liền, theo chia sẻ của nhiều cựu chiến binh đi cùng chuyến tàu với liệt sĩ Ngô Văn Quyền, khi biết mình rất yếu, không thể qua khỏi, anh Quyền mới gọi đồng đội tới gần, nói nguyện vọng được nghe đồng đội hát bài hát về quê hương anh, bài hát Thành phố hoa phượng đỏ. Có lẽ cái gen nghệ sĩ, tinh thần phóng khoáng vẫn còn mãi trong anh-người con đất Cảng.


leftcenterrightdel
 

Theo ông Nguyễn Đắc Lưu, có duyên gặp gỡ từ năm 1973, rồi thân thiết, gần như mọi thông tin về cuộc sống gia đình cũng như ước mơ của liệt sĩ Ngô Văn Quyền, ông Lưu đều biết rõ. Hồi tưởng lại kỷ niệm về người bạn thân, người đồng đội của mình, ông Lưu kể: “Chiến tranh dài, chúng tôi chỉ biết chiến đấu thôi. Nhưng các ước muốn của Quyền kể cho tôi đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình nghèo, gia đình đông con (tất thảy 8 người con) nên Quyền chỉ mong cho các em được học hành. Năm mười mấy tuổi, Quyền đã theo bố lên Lào Cai làm cưa, xẻ trong rừng”. Có lẽ, bản tính luôn nghĩ cho người khác, chọn phần việc không nhẹ nhàng về mình đã ngấm trong máu của liệt sĩ Ngô Văn Quyền, khiến anh, dù trong cuộc sống gia đình hay cho đến khi cầm súng vẫn luôn chọn việc khó về mình, luôn sẵn sàng hy sinh bản thân…

Lúc chưa đi bộ đội, Quyền, Lưu - hai chàng trai trẻ đã thân thiết, cùng trồng một cây chuối, hẹn ngày toàn thắng sẽ trở về cùng… thu hoạch. Khi trở về đất liền sau giải phóng, ông Lưu bàng hoàng được người thân kể lại. Hai cây chuối đều lên xanh tốt nhưng sau đó, cây ông Quyền trồng đã chết trước. Chẳng hiểu có sự trùng lặp gì không, nhưng đó là một chi tiết kỳ lạ cứ ám ảnh mãi trong ông Lưu.

Sự hi sinh của người liệt sĩ tuổi đôi mươi trong trận đánh giải phóng Trường Sa thật bi tráng. Lẽ ra, anh đã có thể trở về trong vòng tay người thân nếu con tàu không bị chết máy khi chỉ còn cách bờ vài hải lý. Ngày ấy, tàu đi giải phóng Trường Sa chính là những con chiến mã biển Đông đã ròng rã chục năm trong đội hình tàu không số ra Bắc vào Nam chi viện cho chiến trường. Số tàu cũ, nằm bờ ở Đoàn 125 phút chót nhận nhiệm vụ lịch sử chất lượng không còn được tốt. Con tàu chở anh Quyền về cũng là con tàu từng chết máy trong đêm vượt sóng ra Trường Sa. Giá nó không giở chứng, đưa anh về kịp đất liền tới bệnh viện thì có lẽ anh đã trở về. Âu cũng là định mệnh, là đoạn kết bi tráng trong khúc hùng ca lịch sử trên biển Đông, còn day dứt mãi trong lòng bao đồng đội...

leftcenterrightdel
 

Vì lời hẹn ước với người đồng đội trong một phút ngẫu hứng hai người trò chuyện, rằng nếu một trong hai hy sinh, thì người còn lại sẽ chịu trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ bên kia, bao năm nay, cựu chiến binh Nguyễn Đắc Lưu đã coi gia đình liệt sĩ Ngô Văn Quyền như gia đình thứ hai của mình, chăm sóc hai cụ thân sinh liệt sĩ Ngô Văn Quyền cho tới lúc các cụ qua đời, rồi đến giờ đây, mỗi dịp bên nhà liệt sĩ Ngô Văn Quyền có giỗ chạp gì cũng không thể thiếu ông Lưu. “Lời hứa lúc đó chỉ là câu chuyện bâng quơ của những người lính trẻ nhưng ngày anh Quyền mất, tôi đã có linh cảm chúng tôi như là người ruột thịt một nhà và tôi phải có trách nhiệm làm tròn lời hứa giản đơn ấy”, ông Lưu trải lòng.

leftcenterrightdel
 

Có một điều khá trùng hợp khiến chúng tôi trăn trở khi tìm hiểu về hai liệt sĩ đầu tiên hy sinh tại Trường Sa. Ấy là đến nay, mộ phần của cả hai liệt sĩ đều chưa được về với quê hương, với gia đình. Nếu như liệt sĩ Tống Văn Quang vẫn còn phần mộ với tên tuổi, đơn vị rõ ràng thì hiện nay, hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Quyền vẫn chưa thể xác định chính xác là ngôi mộ nào.

Ông Ngô Văn Đại, em trai liệt sĩ Ngô Văn Quyền chia sẻ: Những năm 80, 90, gia đình tôi cũng còn khó khăn nên chưa có điều kiện để đi tìm hài cốt liệt sĩ của anh Quyền. Đến gần đây, sau khi tìm hiểu, biết được hiện nay mộ phần của anh Ngô Văn Quyền đang được an táng tại một nghĩa trang của TP Đà Nẵng cùng một nhóm mộ nhưng không thể xác định được rõ là ngôi mộ nào.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Đắc Lưu, sau khi liệt sĩ Ngô Văn Quyền hy sinh, tàu cập cảng TP Đà Nẵng. Một lễ truy điệu rất trang trọng đã được tổ chức, với quân kỳ đỏ thắm. Bà con ở Đà Nẵng biết có một chiến sĩ hải quân hy sinh khi giải phóng Trường Sa thì khóc rất nhiều. Sau khi làm lễ truy điệu xong, hài cốt của liệt sĩ Ngô Văn Quyền được an táng tại nghĩa trang nhân dân, sau giao cho địa phương, bia mộ khắc tên làm bằng gỗ. Theo thời gian, tấm gỗ mục nát, rồi qua nhiều lần nghĩa trang di dời, hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Quyền bị lẫn trong nhiều hài cốt liệt sĩ vô danh khác. Cho đến nay, chỉ có thể xác định được nghĩa trang nơi có hài cốt liệt sĩ Ngô Văn Quyền là một nghĩa trang thuộc TP Đà Nẵng.

Ông Ngô Văn Đại cho biết: Gia đình ngoài việc tìm thông tin thông qua các cựu chiến binh cũng tìm qua con đường tâm linh thì đều được chỉ đến nghĩa trang thuộc TP Đà Nẵng nhưng cũng chỉ biết hài cốt của anh Quyền là một trong những ngôi mộ vô danh, chứ không thể nào xác định được chính xác. Giờ đây, khi thời gian ngày càng lùi xa, điều mong ước lớn lao nhất của gia đình là có thể tìm lại đúng mộ phần của liệt sĩ Ngô Văn Quyền để đưa anh về với quê hương cho gia đình, dòng tộc hương hỏa, để thế hệ con cháu còn nhớ, còn biết.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Đắc Lưu, là người trực tiếp tự tay chôn cất liệt sĩ Ngô Văn Quyền, ông mong muốn có thể dùng ADN của người thân trong gia đình liệt sĩ để đối chiếu với ADN ở nhóm mộ liệt sĩ vô danh xem có khớp không. Tuy nhiên người cựu chiến binh cũng trải lòng: “Tôi biết việc này là rất khó thực hiện và cũng nhạy cảm vì còn liên quan đến mộ nhiều liệt sĩ khác. Giờ chỉ có thể an ủi rằng, người mất rồi cũng trở về cát bụi, chỉ có tiếng thơm muôn đời là còn lưu giữ. Thế hệ hôm nay rồi mai sau sẽ còn nhớ mãi về người liệt sĩ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến giải phóng Trường Sa, bảo vệ biển, đảo quê hương Tổ quốc”.

leftcenterrightdel
 

Khi bài viết về hai liệt sĩ đầu tiên hy sinh tại Trường Sa do chúng tôi thực hiện được hoàn thành, cũng là lúc đồng hồ điểm 0 giờ ngày 29-4, ngày giải phóng Trường Sa. Dẫu vẫn còn nỗi niềm trăn trở về phần mộ của các liệt sĩ chưa được trở về đất mẹ, chúng tôi cũng có một niềm tin mãnh liệt như cựu chiến binh Nguyễn Đắc Lưu, rằng dù hai anh, hai người con ưu tú của đất Việt đã ngã xuống khi tuổi hai mươi vừa tròn có nằm ở đâu trên mảnh đất Việt Nam này thì quê hương cũng bao bọc, ôm lấy các anh. Thế hệ ngày hôm nay, mai sau, với việc tiếp cận thông tin dễ dàng qua công nghệ số, chỉ cần gõ từ khóa: Những liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa, sẽ lại thấy các anh, tưởng nhớ về công lao đặc biệt của các anh trong cuộc trường chinh giữ biển, giữ đảo quê hương. 

Trưa 29-4, nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính uỷ Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân - Đoàn Trường Sa) đã cùng phóng viên Báo Quân đội nhân dân đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Cam Ranh và thắp hương liệt sỹ Tống Văn Quang.

 Lãnh đạo Lữ đoàn 146 cho biết đã liên lạc với gia đình liệt sỹ, hướng dẫn các thủ tục để gia đình sớm đưa hài cốt liệt sỹ Tống Văn Quang về quê hương. Lặng đứng trước mộ anh, chúng tôi hứa với nhau nguyện nỗ lực hết sức giúp đỡ gia đình sớm đưa anh về đất mẹ.

 Trưa tháng Tư đầy nắng. Gió từ vịnh Cam Ranh thổi vào mát rượi trong tiếng biển rì rào. Tiếng sóng như tiếng lòng của những người trai một thời sục sôi đi chiến đấu và sự ngã xuống của các anh đã mang lại những buổi trưa yên bình như hôm nay. Bất giác tôi chợt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà báo Lê Bá Dương: “Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.

 

 

 

leftcenterrightdel
ảnh: Thượng tá Lương Xuân Giáp, Chính ủy Lữ đoàn 146 thắp hương viếng liệt sĩ Tống Văn Quang trưa 29-4-2021 

 

 

del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập Báo QĐND

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH - TRỊNH VĂN DŨNG

Nội dung: PHẠM THỊ THU THỦY – TRẦN YẾN – HOÀNG TRƯỜNG GIANG -NGUYÊN MINH

Ảnh: VĂN PHONG, TRỌNG HẢI, BÁO QĐND, TƯ LIỆU, BÁO HẢI QUÂN VIỆT NAM

Trình bày và kỹ thuật đồ họa: VĂN PHONG- TÔ NGỌC- THANH HƯƠNG - LAM ANH