leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

QĐND Online – Sự kiện giải phóng Trường Sa là chuỗi hoạt động tác chiến khẩn trương, bí mật, bất ngờ để phục vụ nhiệm vụ chiến lược của một chiến dịch lịch sử. Tuy chưa hội tụ đủ yếu tố của một chiến dịch nhưng đã có tới 6 lực lượng góp sức gồm hải quân, đặc công, bộ binh, pháo binh, tình báo, báo chí, trong thế trận chiến tranh nhân dân, có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ. Trong đó, báo chí, với sự góp mặt của hai nhà báo Quân đội nhân dân đầu tiên ra Trường Sa đã thực sự là “binh chủng” thứ sáu đưa hình ảnh và nhiệm vụ bảo vệ quần đảo tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

 

leftcenterrightdel
 

Hà Nội sáng 2-5-1975, tại trụ sở Báo Quân đội nhân dân số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội, Đại tá Nguyễn Đình Ước, Tổng Biên tập đi đi lại lại trong phòng như đang trăn trở một điều gì đó.

Mấy ngày hôm nay, gần như ông thức trắng, làm việc xuyên ngày xuyên đêm. Đâu chỉ lo bài vở, hằng ngày ông như con thoi đạp xe vào Văn phòng Tổng cục Chính trị và Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu nhiều lần để nắm tình hình chiến sự và kịp xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Đến tận hơn 1 giờ sáng 1-5 hôm trước, ông đã phải sửa đến 3 lần bài xã luận Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng dù lúc 23 giờ, báo đã định đưa đi in. Tốc độ phát triển quá nhanh của 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối khiến nhiều kế hoạch tuyên truyền cũng phải đảo lộn. Như hôm nay cũng vậy, thêm một nhiệm vụ bất ngờ: Cấp trên chỉ đạo Báo Quân đội nhân dân khẩn trương cử người đi đưa tin, chụp ảnh về sự kiện quần đảo Trường Sa vừa giải phóng.

leftcenterrightdel
 

Ông bấm ngón tay tính toán, nhẩm tìm người trong tòa soạn rồi quả quyết bấm điện thoại quân sự. Người được ông “chấm” là Trung úy Nguyễn Khắc Xuể, một phóng viên trẻ mới 26 tuổi, được đào tạo báo chí ở Trường Tuyên huấn Trung ương và giỏi chụp ảnh, giỏi cả tiếng Anh.

Ít phút sau, Trung úy Xuể có mặt, chào báo cáo nhận nhiệm vụ. Ông Ước nói nhanh: “Cậu phải bằng mọi cách lên đường ngay vào Sài Gòn, tham gia phái viên đoàn công tác Bộ Tổng tham mưu ra quần đảo Trường Sa vừa giải phóng làm nhiệm vụ!”.

Ông Xuể nhận nhiệm vụ mà vỡ òa vui sướng. Cả miền Nam đang hừng hực khí thế giải phóng, phải ở nhà “gác gôn” là cực chẳng đã. Nay được ra Trường Sa thì còn gì bằng!

Ngay trong sáng ấy, ông Xuể nhận giấy giới thiệu do Trung tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký và hai chiếc máy ảnh, một Praktica, một Kiev còn mới nguyên. 

Lúc này ông mới giật mình: Tổng Biên tập giao nhiệm vụ đi Sài Gòn, nhưng Sài Gòn ở đâu, mình đã đi bao giờ đâu? Mà đi bằng cách nào? Ông đã dặn “cậu phải bằng mọi cách rồi còn gì?”. Chợt nhớ ra mình có người quen làm ở sân bay quân sự Gia Lâm, ông Xuể vội vàng gói ghém đồ đạc, đạp xe sang Trung đoàn 918, xông thằng vào phòng chỉ huy trung đoàn, đưa giấy giới thiệu. Đồng chí Trung đoàn trưởng xem nhanh và gật đầu:

- Nhiệm vụ gấp, anh phải đi ngay. Mà máy bay sắp bay đến nơi rồi, phải nhanh mới kịp, thôi anh ở đó, để tôi gọi người đưa anh ra ngay.

Một sĩ quan chạy đến đưa ông Xuể ra nhanh đường băng, một chiếc máy bay quân sự đã đậu sẵn, sắp đến giờ cất cánh. Ông Xuể là hành khách sau cùng. Ông bước lên, tìm một chỗ ngồi. Xung quanh ông, các sĩ quan khác ai cũng hối hả, đăm chiêu. Mỗi người một nhiệm vụ, gần như không ai hỏi ai.

leftcenterrightdel
 

Trưa hôm ấy, ông Xuể xuống máy bay Tân Sơn Nhất rực nắng. Ông lơ ngơ như từ sao Hỏa đến, cứ ngó nghiêng những tấm biển quảng cáo kem đánh răng to đùng thì gặp một đoàn ngoại quốc do một người Việt Nam phiên dịch cũng vừa hạ cánh chuyến sau. Họ cho ông đi nhờ xe rồi chở về Cục Tâm lý chiến Ngụy trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi đang là đại bản doanh của nhiều phóng viên báo chí quân đội. Vừa vào đến nơi, chẳng kịp ăn uống, ông Xuể gặp ông Phạm Phú Bằng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đi chiến trường đã nhiều năm phóng chiếc Honda cà tàng đến. Ông Xuể vội vàng nhờ ông Bằng chở đến Ủy ban Quân quản ở Tòa đô chính Sài Gòn xin giúp đỡ đi Trường Sa. Người trực ban xem giấy, nói sẽ báo cáo cấp trên giúp đỡ, hẹn ông sáng hôm sau trở lại.

leftcenterrightdel
Quân Giải phóng chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu 

Sáng hôm sau, ông Xuể và ông Bằng đến từ sớm. Song câu trả lời của người trực ban như sét đánh ngang tai ông: “Xe thì có nhưng không còn người lái. Nhà báo thông cảm tự khắc phục!”.

Ông Xuể ngẩn người, cầu cứu ông Bằng. Ông Bằng là người đã vào Sài Gòn nhiều năm, thông thạo mọi việc, quen biết nhiều cơ quan nhưng cũng chịu vì thành phố vừa giải phóng, trăm công nghìn việc. Cuối cùng, ông tặc lưỡi:

- Thôi thế này. Tao chở mày ra sân bay Tân Sơn Nhất, nghe nói người ta di tản đông lắm, thế nào cũng có xe cộ bỏ lại, may ra kiếm được cái gì không?

Hai ông đến nơi, hỏi một chiến sĩ vệ binh chuyện có xe máy nào dân di tản bỏ lại không, anh ta cười: Trước thì có nhưng dân người ta cũng lấy hết rồi, giờ không còn đâu.

Niềm hi vọng cuối cùng tưởng như đã tắt, ông Xuể đành hỏi câu vớt vát cuối cùng:

- Gần đây có bụi cây nào không, may ra…

- Có, có bụi rậm nhưng ở cuối đường băng cơ! Người vệ binh chỉ tay nói rằng nó khá xa, để anh gọi người đến đạp xe đưa ông Xuể vào.

leftcenterrightdel
 

Ông Bằng lúc này có việc phải đi. Ông Xuể cùng người lính trẻ đến cuối đường băng, rẽ cỏ cây, chui vào bụi rậm. Vào sâu vài mét vạch ra thì một màu đỏ rực hiện ra trước mắt. Trời ơi! Một chiếc xe máy Kawasaki mới cáu cạnh. Hai người kéo chiếc xe ra ngoài, nó vẫn còn nguyên chìa khóa cắm trên xe. Anh chiến sĩ lắc lắc xe và kêu lên: “Nó còn xăng đấy!” rồi bỏ đi.

Ông Xuể mừng như bắt được vàng. Ông leo lên chiếc xe thì ngã vật xuống vì xe cao quá và ông cũng chưa biết đi xe máy bao giờ. Để điều khiển chiếc xe, ông đành phải liều. Nhớ lại trước đây, có lần ông  đi công tác lên Vĩnh Phúc cùng phóng viên Triệu Hùng, chiếc xe ba bánh cũng gặp sự cố. Xuể cố căng đầu nhớ những thao tác của anh Hùng. Vặn chìa, gạt nút, đạp cần khởi động. Xoay xoay, vặn vặn, chả biết đâu là côn, đâu là số, phải đến gần tiếng đồng hồ ông Xuể mới loạng choạng lái được chiếc xe ra khỏi sân bay.

leftcenterrightdel
 

Ông mừng lắm cứ thế lao đi, mặc kệ đèn xanh đèn đỏ cũng đi hết vì sợ chết máy. Nhưng rồi đến đường Lê Lợi thì chiếc xe khực khực rồi khựng lại. Ông loay hoay mãi mới về được “mo” để dắt nó đi. Hỏi người xích lô chỉ cho tiệm sửa xe gần đó, ông gặp một thanh niên chừng 16,17 tuổi, tóc vàng hoe. Cậu ta kiểm tra ngay rồi bảo: “Ủa, hết xăng rồi chú! Thôi để con đi kiếm xăng”. Cậu ta lắc lắc, khởi động chiếc xe rồi phóng vụt đi. 5,10, 15, 20, rồi 25 phút, ông Xuể chờ hoài không thấy xe về trong sự lo lắng, cứ tưởng sẽ mất xe. Phải đến hơn 30 phút, cậu bé mới phóng xe về, luôn miệng xuýt xoa: “Xe ngon quá trời quá đất chú ơi!”. Cậu hỏi xe ở đâu, ông Xuể “chém gió” xe từ miền Bắc mang vô. Đến đoạn phải trả tiền xăng, ông Xuể mới giật mình, mải mê lo lên đường, ông cũng chẳng kịp đổi tiền miền Nam. Ông đành phải trình bày với cậu bé, xin được hôm sau ra gửi lại. Cậu bé sau hồi băn khoăn, con đổ những 6 lít đó chú, cậu cũng “ok” trước sự thẳng thắn của người lính trẻ: “Thôi chú cứ về hôm nào có mang đưa con cũng được”.

leftcenterrightdel
 

Ông Xuể xúc động vô cùng. Ông đành nợ cậu bé mà không thể giải thích nhiệm vụ đặc biệt của mình. Sau này ông có quay trở lại trả tiền, thì cậu bé đã chuyển nơi khác làm việc.

Trời đã nhá nhem tối, xe chạy được thì ông Xuể lại lạc đường. May mắn lúc này, ông gặp được người bạn học cùng trường ngoại ngữ quân sự năm xưa. Ông chỉ kịp nói: “Tôi đói không thể đi được nữa rồi. Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì. Ông có gì cho tôi ăn với”.

Người bạn ái ngại: Giờ gần 7 giờ rồi, chắc bếp chỉ còn ít cơm cháy và đậu hũ, ít thịt kho còn lại thôi. Anh ta mang ra. Chẳng nề hà, ông Xuể ngồi ăn một mạch. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn cảm nhận đó là một trong những bữa cơm ngon nhất trong cuộc đời. Ăn xong, ông vội chia tay bạn về cơ quan ngay cho kịp chuyến đi ngày mai.

leftcenterrightdel
 Phóng viên báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại chiến trường.  Trong ảnh: Nhà báo Nguyễn Thắng, người cùng PV Khắc Xuể ra Trường Sa đứng cạnh máy bay trực thăng. Ảnh tư liệu.

Về đơn vị, ông Phú Bằng đón sẵn với đầy lo âu. Thêm một người nữa mới từ chiến trường Tây Nguyên xuống là Thượng úy Nguyễn Thắng xuất hiện, cho biết cũng nhận lệnh đi Trường Sa cùng ông Xuể. Ông Phú Bằng hỏi dồn dập: “Cậu đi đâu giờ mới về? Cậu lấy xe ở đâu? Cậu làm gì từ sáng đến giờ?”. Nghe kể sự tình, mọi người vui sướng, cùng nhau chuẩn bị cho chuyến đi với hai can xăng đầy, buộc chắc hai bên xe.

Sáng hôm sau, đổ xăng đầy bình, ông Xuể chở ông Thắng hùng dũng lao khỏi Sài Gòn. Ông Thắng phải ngồi dạng rộng hai chân vì vướng hai bình xăng. Dọc đường, gặp nhiều xe đò đi cùng chiều, họ lạ lẫm nhìn hai anh giải phóng quân đi xe kiểu gật gù, lúc lạng bên này, khi tạt bên kia. Nhiều tài xế ngó đầu ra chửi đổng:

- Đi kiểu gì vậy, khùng à? Mới tập xe sao đi ngu thế cha nội?

Mặc kệ, họ cứ đi. Trưa 5-5-1975, họ đến Quân cảng Cam Ranh. Gửi xe tại quân cảng, sáng sớm hôm sau, họ lên tàu ra Nha Trang, đến Trường sĩ quan Hải quân Nha Trang của ngụy, nơi Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cùng đoàn công tác đã tập trung ở đó. Ông Thái giao nhiệm vụ riêng cho hai phóng viên, bởi các đoàn khác trong đoàn phái viên của Bộ Tổng Tham mưu ông đã giao nhiệm vụ từ hôm trước. Nhiệm vụ hai người rất rõ ràng: Ông Thắng sẽ tham gia mọi cuộc họp của đoàn với chỉ huy các đảo và ghi chép. Còn ông Xuể, chỉ có một nhiệm vụ là chụp ảnh, không được dự các cuộc họp và phải thực hiện “5 không” gồm: Không được chụp quân cảng, không được chụp đoàn tàu đang hành quân, không được chụp toàn cảnh đảo và những vũ khí khí tài lớn, không được chụp chân dung cán bộ chỉ huy và chiến sĩ, không được chụp cảnh ông Thái ngồi làm việc với Ban chỉ huy các đảo.

Ông Thái nhấn mạnh những bức ảnh chụp để phục vụ công tác tham mưu, chứ không phải chỉ để viết báo, tuyên truyền thuần túy nên phải thực hiện đúng quy định, phải làm sao  nêu bật được việc ta đã làm chủ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, trong đó có nhiều điểm nhấn như cột mốc, cờ Tổ quốc, bộ đội ta làm chủ biển đảo.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Hình ảnh những con tàu thẳng tiến ra giải phóng Trường Sa.

Đêm mùa hè biển lặng, 3 con tàu trong bộ dạng tàu cá rời Nha Trang thẳng tiến Trường Sa. 

Quá nửa đêm thì một cơn giông lớn nổi lên. Sóng, gió càng ngày càng dữ dội. Cả 3 con tàu đã mất liên lạc với nhau. Chiếc tàu ông Xuể đi cũng chết máy, chỉ còn thả trôi trên biển. Giữa lúc hoang mang đó, từ xa xa, bóng một chiếc tàu lớn đen ngòm đi tới. Tàu “ta” hay “địch”? Nửa mừng, nửa lo. Phải đợi đến khi nó áp sát, nhìn rõ chữ Vladimir Vostok, anh em trên tàu mới reo lên: “Tàu Liên Xô rồi!”. Nhận thấy “tàu cá” Việt Nam đang gặp nạn, tàu bạn cho phép buộc dây để cứu hộ. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, lẽ ra chỉ buộc một dây, anh em lại buộc cả hai. Tàu chạy, dây kéo xoay ngang. “Rầm”, con tàu nhỏ xô boong vào chiếc tàu buôn. Ca-bin móp ngay một khoảng lớn. “Chặt dây!” - có tiếng ai đó hét to khi con tàu sắp lao vào một lần thứ hai.

“Bộ đội hầu như say sóng cả, chỉ còn vài anh chạy lên. Tôi không bị say nên cũng lao ra,  tìm được một cái rìu chuyên chặt đá lạnh, chặt cái dây đằng lái chỉ để dây đằng mũi bám đi theo cái tàu. Dây đứt. Con tàu ngoan ngoãn đi theo tàu bạn”, ông Xuể vẫn chưa hết thảng thốt khi nhớ lại khoảnh khắc sinh tử ấy.

leftcenterrightdel
 Trang hồi ký chiến trường của nhà báo Khắc Xuể khi tác nghiệp ở Trường Sa.

Thoát chết. Nhưng câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao để ra tín hiệu nhờ họ cứu hộ? Không thể đi về Trường Sa. Càng không thể nói mình là tàu quân đội! Mà muốn nói để họ kéo tàu về đâu phải có bản đồ, nhưng không thể là bản đồ quân sự. May mắn sao, anh em cũng kiếm được một chiếc bản đồ dân sự, rồi lấy mực đỏ khoanh vòng tròn vào cảng Nha Trang, vẽ thêm hình mũi neo rồi dùng sào đưa sang phía tàu bạn. Tàu bạn cứ thế kéo tàu ta.

“Lúc đó thật ra vẫn chưa hết hoang mang, không biết có phải tàu Liên Xô thật không? Nhỡ “nó” kéo mình sang Phi-líp-pin thì sao?”, ông Xuể cho hay. Dọc đường, ông Thái đã lệnh nạp đạn vào khẩu ĐKZ ở mũi tàu, sẵn sàng nổ súng nếu có biến. Lúc này, ông Xuể mới bàng hoàng nhận ra con tàu không phải là “tàu cá” mà chở đầy súng đạn bổ sung cho Trường Sa. Ơn trời, cú đâm móp ca-bin mạnh thế nếu một quả đạn phát nổ thì không chỉ tàu ta mà cả chiếc tàu buôn cũng tan tành trăm nghìn mảnh!

Chạng vạng sáng hôm sau, thấy biển yên bình và từ xa thấy dáng núi, anh em mới chạy ùa lên boong, biết mình đã thoát chết, đã vào tới Nha Trang. Ngó tìm tàu bạn thì tàu bạn đã cắt dây, tiếp tục hành trình tự lúc nào. “Đúng là tàu Liên Xô đã cứu mình. Chúng tôi còn nợ bạn một tiếng còi chào”, ông Xuể rưng rưng nhớ lại.

Ai cũng nghĩ hai con tàu còn lại đã bị làm mồi cho cơn giông biển. Về tới Nha Trang, ông Thái lập tức xin trực thăng đi tìm suốt cả buổi sáng vẫn không thấy đâu. Không khí buồn bã bao trùm lên cả đoàn công tác. Bất ngờ, đến cuối buổi chiều, từ đường chân trời bỗng hiện ra hai bóng đen nho nhỏ, rồi to dần, to dần.

- Tàu về! Tàu về! Tiếng ai đó hét lên.

Mọi người đổ xô ra bờ biển. Đúng là hai chiếc tàu đã “lò dò” dắt nhau trở về sau khi cũng bị chết máy đã sửa được máy và thoát qua giông bão.

Đêm hôm ấy, họ ngủ ngon và mờ sáng hôm sau, lại tiếp tục lên đường. Tiếp tục nhiều đêm cưỡi sóng dữ, tàu đã tới quần đảo Trường Sa.

leftcenterrightdel
 Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể thời trẻ. Ảnh tư liệu.
leftcenterrightdel
 

Là phóng viên ảnh, dù chưa kinh qua trận mạc nhiều nhưng ông Xuể luôn hiểu mình phải làm gì.

“Năm ấy tôi mới 26 tuổi nhưng ý thức chính trị rất cao. Tôi chấp hành nghiêm quy định không chụp cảnh toàn, không chụp ảnh các đồng chí chỉ huy vì tôi hiểu đó còn để an toàn cho những người giữ đảo”, ông Xuể nhớ lại. Trong những bức ảnh, ông luôn đề cao tinh thần tập thể, chiến công tập thể, mỗi bức ảnh phải thể hiện được sự đoàn kết, nhất trí, sức mạnh quân đội và đặc biệt ảnh chụp phải thể hiện được rõ là ở đảo nào, không được trùng lặp nhau. Vì thế, sau 46 năm, không cần chú thích, nhìn vào mỗi bức ảnh, ông biết ngay đó là đảo nào.

Ông Xuể cho biết: Thật ra khi giải phóng Trường Sa, điều kiện không cho phép chụp ảnh, cũng không có nhà báo đi cùng như các chiến dịch khác nên không có ảnh. Lúc ông và nhà báo Nguyễn Thắng ra Trường Sa, thực hiện nhiệm vụ với tư cách phái viên Bộ Tổng tham mưu, lại dưới sự chỉ đạo của một người chỉ huy quân sự nên cũng không ai giao nhiệm vụ chụp để đăng báo, chụp để tuyên truyền hay “phục dựng” lại cảnh đánh chiếm đảo.

“Tôi chụp hoàn toàn chân thực những bức ảnh về hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo và sinh hoạt của bộ đội. Cũng không hề có sự đạo diễn hay dàn dựng nào ở mỗi bức ảnh vì bộ đội Trung đoàn 38 là những anh em được huấn luyện bài bản, kỹ năng kỹ chiến thuật rất tốt nên trước khi chụp tôi chỉ cần nói ý định là anh em thực hiện rất nhanh, không cần phải “diễn”, ông Xuể khẳng định.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Hữu Thái - Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân trong chuyến đi kiểm tra đảo Trường Sa (quần đảo Trường Sa) sau ngày giải phóng, tháng 5-1975. Ảnh tư liệu.

Nói vậy, nhưng cũng có đôi chỗ ông Xuể đã “đạo diễn” ông Hoàng Hữu Thái. Chẳng hạn như chuyện chụp bức ảnh cột cờ trên đảo Song Tử Tây. Trên cột mốc chủ quyền lúc này đã cắm cờ do chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên hôm 14-4 nhưng lá cờ quá nhỏ và đã bợt màu nên ông  Xuể đã báo cáo ông Thái:

- Thưa thủ trưởng! Tôi đề nghị thêm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc lớn hơn để từ xa các tàu biết rõ chủ quyền Việt Nam và những tàu lảng vảng với ý đồ xấu cũng không dám gây sự. Có như vậy mới nói lên sức mạnh, sự thống nhất thu non sông về một mối, là chiến công của cả hai miền Nam-Bắc.

leftcenterrightdel
 Những bức ảnh do nhà báo Khắc Xuể chụp tại Trường Sa.

Ông Thái nghe nói có lý thì đồng ý ngay. Nhưng cờ đỏ sao vàng đoàn lại chưa kịp mang theo. Song chẳng hề chi, anh em trên đảo cắt luôn một miếng tôn, dùng sơn vẽ cờ đỏ sao vàng rồi treo lên. Vì thế, nếu ai tinh ý nhìn trong bức ảnh, lá cờ Tổ quốc nhìn trong ảnh rất cứng, nó “đứng thẳng” trong gió khác hẳn lá cờ nửa đỏ nửa xanh.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Trong thiên ký sự “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” viết năm 1976, nhà báo Nguyễn Thắng kể, thiếu rau, thiếu gạo, thiếu thịt bộ đội Trường Sa không sợ. Chỉ sợ nhất Trường Sa thiếu bóng cờ. Một chiến sĩ kể: Những ngày đầu, cờ treo cứ 5 ngày đã bạc màu, 7 ngày lá rách. Có khi gió lốc lớn, cờ treo 2 ngày đã rách. Anh em nghĩ cách làm cờ bằng vải bạt quét sơn đỏ nhưng cũng chỉ non một tháng là rách. Cuối cùng, đảo có sáng kiến dùng tôn quét sơn đỏ vẽ sao vàng!

leftcenterrightdel
 Những bài báo về giải phóng Trường Sa đăng trên Báo Quân đội nhân dân.

Thật ra ý tưởng đó đã có từ hôm ông Xuể đề nghị treo cờ đỏ sao vàng để chụp ảnh. Với 14 cuộn phim được phát, ông Xuể đã chắt chiu “đốt” hết để thu về những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và xúc động ở Trường Sa. Ông kể: Ngoài khắc họa hình ảnh người lính can trường nơi đầu sóng ngọn gió, những bức ảnh đã toát lên hình ảnh Trường Sa giàu và đẹp, hoang sơ, kỳ vĩ. Mỗi đảo có một nét văn hóa. Đảo nào cũng có chim nhưng chim nhiều nhất ở Trường Sa Lớn và mỗi đảo dường như lại có một loài chim, loài vật riêng như An Bang là lãnh địa của ó biển. Nhìn nó hiền lành, ông Xuể giơ tay định…chào thì nó mổ cho một cái, máu tuôn xối xả. Còn trên đảo Sơn Ca, vích bò lổm ngổm mặc kệ bộ đội huấn luyện. Khi ông Thái đang quán triệt nhiệm vụ, một con vích còn bò đến “gây rối”. Ông phải dẫm chân lên lưng để “cu cậu” nằm yên cho ông làm nhiệm vụ.

Do kỷ luật rất khắt khe, quy định không cho chụp làm lộ vũ khí nên ông Xuể phải xin ý kiến ông Thái đảo này thì chụp cảnh bộ đội dùng cối 60, đảo kia huấn luyện ĐKZ… Hôm lên đảo Trường Sa nhiều chim quá, ông cao hứng xin ông Thái cho anh em thủy thủ dưới tàu lên chụp một bức ảnh kỷ niệm, may sao ông Thái cũng đồng ý vì theo quy định, bộ phận dưới tàu cũng không được lên đảo.

“Tôi cũng định rửa ảnh ngay trên đảo nhưng nhìn anh em chắt chiu từng giọt nước ngọt, nghĩ mình mà rửa ảnh phải tốn hàng mấy chậu nước nên không đành, tôi mang về Nha Trang mới rửa”, ông Xuể kể.

Chuyến công tác kéo dài hơn 20 ngày, cũng là dịp để đoàn công tác khảo sát, hoạch định những vấn đề phòng thủ, giữ vững quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Về Nha Trang, sau khi rửa ảnh, ông Xuể ngỡ ngàng vì bộ ảnh quá đẹp song theo quy định, phải nộp hết cho ông Thái. Chợt nghĩ mình phóng viên mà chả lẽ trắng tay, ông nộp 10 cuộn phim, giữ lại 4 cuốn với lý do “ảnh không quan trọng lắm” và được ông Thái đồng ý.

Bộ ảnh “không quan trọng” của ông sau này rửa và nộp cho tòa soạn đã trở thành những bức ảnh quý giá, mang tính biểu tượng của giải phóng Trường Sa. Còn tiếc là 10 cuốn phim nộp cho ông Thái mang về Bộ Tổng tham mưu, nó phục vụ cho nghiên cứu quân sự, đến nay cũng không công bố. Ông Xuể vẫn tiếc và hi vọng một ngày được tìm lại bộ ảnh ấy.

leftcenterrightdel
 Những bức ảnh do nhà báo Nguyễn Khắc Xuể chụp tại Trường Sa.

Sau này, còn một số đợt phóng viên ra Trường Sa những năm đầu sau giải phóng nên xuất hiện thêm nhiều hình ảnh chụp bộ đội Trường Sa “thuở ban đầu”. Nhưng theo ông Xuể, có thể phân biệt đâu là những ảnh do ông chụp vào tháng 5-1975 bởi theo ông, có tới “ba lớp ảnh” bộ đội Trường Sa ngày đầu giải phóng.

Lớp ảnh thứ nhất là hình ảnh bộ đội mặc quần áo bộ binh, đội mũ cối do Khắc Xuể chụp tháng 5-1975. Lúc này, đơn vị giữ đảo là Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38 thuộc sư đoàn 2, Quân khu 5 đang bảo vệ đảo. Phải đến tháng 7 năm 1975, đơn vị này mới được điều về Quân chủng Hải quân, anh em mới thay quân phục hải quân.

Lớp ảnh thứ hai có ảnh hình ảnh bộ đội mặc áo trắng hải quân chủ yếu do ông Bằng Lâm và một số phóng viên, cán bộ ra Trường Sa vào cuối 1975 đến sau 1976 chụp.

Lớp ảnh thứ ba do ông Vũ Đạt, cũng là phóng viên Báo Quân đội nhân dân ra Trường Sa vào khoảng những năm 1978-1980 chụp lại với dụng ý không quên chiến công của bộ đội đặc công nên có nhiều hình ảnh anh em đội mũ sắt.

Sau khi về tòa soạn, do yêu cầu nhiệm vụ, ông Xuể còn phải giữ bí mật, không được công bố tiết lộ là người chụp ảnh Trường Sa. Bài báo đầu tiên viết về Trường Sa của ông được đăng vào tận cuối 1975, kể ngắn gọn về trận đánh đảo Sơn Ca. Về sau, nhiều bức ảnh chụp bộ đội Trường Sa do Nguyễn Khắc Xuể chụp đã được in trên Báo Quân đội nhân dân và nhiều báo khác. Trong đó, bức ảnh đảo Song Tử Tây với hình ảnh bộ đội cơ động tác chiến, phía sau là cột mốc chủ quyền có hai lá cờ giải phóng đã trở thành một bức ảnh mang tính biểu tượng giải phóng Trường Sa, được lưu giữ trong Bảo tàng Hải quân và nhiều sách báo viết về giải phóng Trường Sa.

leftcenterrightdel
Báo Quân đội nhân dân đưa tin giải phóng Trường Sa. 

Trong bộ ảnh của Khắc Xuể, điều ông tâm đắc nhất là những bức ảnh về bia chủ quyền. Ông cho rằng, những bức ảnh đó cũng chính là những chứng cứ khẳng định chủ quyền liên tục của Việt Nam ở Trường Sa. Sau này, PGS, TS Nguyễn Hồng Thao, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia từng là một người lính hải quân Lữ đoàn Vận tải 125, nhiều lần đến Trường Sa và là chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền biển đảo. Trong cuốn “Việt Nam và các tranh chấp biển trong Biển Đông” được giải thưởng quốc tế, ông cho biết, năm 1956, Bộ Kinh tế của Việt Nam Cộng hòa đã cấp phép khai thác phân chim trên đảo Quang Ảnh, Hữu Nhật và Phú Lâm cho Lê Văn Cang. Năm 1959, giấy phép cũng được cấp cho Công ty Phốt phát Việt Nam đảm nhiệm việc khai thác phân chim cho đến tận năm 1963. Như vậy những đảo nhiều chim mà ông Xuể đến từng được khai thác phân chim.

Theo nghiên cứu của ông Thao, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã đến Trường Sa và dựng bia thể hiện chủ quyền từ năm 1956. Các đơn vị hải quân đến đảo Trường Sa, An Bang, Loai Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Nam Yết năm 1962, 1963 và 1964 để dựng các cột chủ quyền và điều này được nêu trong sách trắng năm 1975 về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa.

Ông Xuể cho biết, ông đã cùng đoàn kiểm tra đi hầu hết các đảo có bia chủ quyền như TS Nguyễn Hồng Thao đề cập và chụp ảnh đầy đủ.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh bia chủ quyền trên đảo Trường Sa.

Tổng Biên tập Nguyễn Đình Ước lúc bấy giờ là một nhà báo giỏi và rất nhạy cảm với những vấn đề tuyên truyền chính trị. Sớm nhận ra ý nghĩa chiến lược của giải phóng Trường Sa, sau một vài tin bài ngắn gọn, ông yêu cầu phải viết thành phóng sự dài kỳ để đồng bào và chiến sĩ cả nước hiểu về ý nghĩa lịch sử của giải phóng Trường Sa, chung sức chung lòng vì quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Khi ông Nguyễn Thắng đề xuất viết 4-5 bài phóng sự, ông đã yêu cầu phải làm loạt ký sự chân trang dài kỳ. Vì thế, loạt ký sự 16 kỳ mang tên “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” do hai phóng viên Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn viết chung đã ra đời. Danh từ “Đảo Bão Tố” đã được nhà báo Nguyễn Thắng đặt cho Trường Sa ngay từ ngày ấy. Trong loạt ký sự, các số cuối viết sâu về Trường Sa từ cảnh vật tới con người, từ chuyện đảo chim, đảo vích tới chuyện trồng rau, treo cờ, ý chí khắc phục khó khăn và niềm lạc quan của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đáng chú ý, các nhà báo đã khắc họa sinh động chuyện chở đất phù sa, gửi hạt giống rau và những hòm cờ Tổ quốc ra đảo. Chuyện về chim, về ốc, bào ngư, nhím biển… thật ly kỳ nhưng ngay từ ngày đó, các đảo đã ra nghị quyết bảo tồn các loài chim lâu dài.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao Báo Quân đội nhân dân xúc động nhớ lại: “Thiên phóng sự dài kỳ về Trường Sa của các anh trở thành một sự kiện báo chí 1975-1976, làm háo hức bạn đọc”.

Lại nói về chiếc xe máy. Lúc trở lại Cam Ranh, nghĩ đường về Sài Gòn sau trận đi biển mệt nhoài, cả ông Xuể và ông Thắng đều không dám liều thêm một lần nữa. Họ đành tính chuyện mang xe đi gửi và đi ô tô về. Ông Xuể mang xe máy ra Bến xe Nha Trang. Thấy con xe kềnh càng, các chủ xe, tài xế đều lắc đầu quầy quậy. Bí quá, ông Xuể đành thật thà vào ban quản lý bến xe, rút giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và trình bày. “Hiệu nghiệm” ngay, người quản lý xem giấy và reo lên:

- Trời đất ơi! Giấy giới thiệu có chữ ký, con dấu tướng cộng sản nè! Tướng cộng sản ký nè! Ủa, vậy phải giúp mấy ổng chứ.

Nói rồi anh ta đưa ông Xuể ra tận một chiếc xe sắp lăn bánh, yêu cầu phải chở chiếc xe và nhà báo về ngay. Thế là “chú ngựa xích thố Kawasaki” được khiêng lên nóc xe, đường hoàng trở lại Sài Gòn. Nó trở thành “xe công” của tổ phóng viên thường trú. Những năm chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, nó lại trở thành “tuấn mã” đưa nhiều lớp phóng viên ra trận. Hiện nay, chiếc xe được Đại tá, nhà báo Sử Trường Sơn lưu giữ. Thi thoảng nó vẫn tham gia hoạt động cùng Câu lạc bộ mô tô phân khối lớn ở Hà Nội.

 
leftcenterrightdel
 

Hai nhà báo Quân đội nhân dân ra Trường Sa nay chỉ còn lại ông Nguyễn Khắc Xuể. Ông Nguyễn Thắng đã mất cách đây vài năm. Nhân chứng quan trọng, người chỉ huy của nhiều chuyến công tác kiểm tra sau giải phóng là Thiếu tướng Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng đã đi xa. Điều ông Nguyễn Khắc Xuể trăn trở và mong muốn nhất là sớm có những cuộc gặp gỡ, hội thảo, quy tụ được tất cả những lực lượng đã tham gia giải phóng Trường Sa cùng trở về trong một ngày vui sum họp. Theo ông điều đó rất cần làm vì cùng với thời gian, những người tham gia giải phóng Trường Sa ngày một tuổi cao, sức yếu, nhiều người đã đi xa. Họ lại ở nhiều đơn vị, thuộc nhiều lực lượng khác nhau, lúc chiến tranh sự kiện diễn ra quá nhanh, gấp gáp; thời bình rất cần những không gian để “Người Trường Sa 1975” ôn lại những kỷ niệm.

Ông Xuể cũng muốn tìm hiểu sâu hơn câu chuyện về những người lính, ở cả hai bên chiến tuyến. Ông nói:  “Hơn 150 người đi giải phóng Trường Sa nay ở đâu, làm gì? Rồi cả những lính ngụy bị bắt làm tù binh ở Trường Sa, giờ họ ở đâu, ra sao? Nếu có một sự kết nối, cùng nhìn lại lịch sử để phân tích sâu hơn về sự kiện giải phóng Trường Sa theo tôi sẽ rất ý nghĩa, tiếp tục khẳng định chiến công to lớn và có ý nghĩa lịch sử này; để từ đó tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

leftcenterrightdel
 
 
del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập Báo QĐND

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH - TRỊNH VĂN DŨNG

Nội dung: NGUYỄN VĂN MINH

Ảnh: BÁO QĐND, BÁO HẢI QUÂN VIỆT NAM, TƯ LIỆU

Kỹ thuật, đồ họa: LAM ANH - VIỆT HƯNG - THANH HƯƠNG - VĂN PHONG