leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

QĐND Online - Chia tay những bản làng xa xôi với ngút ngàn rẫy cà phê, tiêu, bơ, điều dọc hai bên đường, trở lại thành phố Pleiku trong một sáng chủ nhật đẹp trời, tôi không khỏi bất ngờ bởi những đổi thay ngày càng tích cực. Đường phố như sầm uất hơn, nhiều con đường như lớn hơn, xe cộ đi lại cũng nhộn nhịp hơn. Mới 6 giờ sáng, cửa nhà thờ thuộc chi hội Tin lành ở làng Plei Mơ Nú xã Chư Á, thành phố Pleiku đã rộng mở, chuẩn bị đón các tín đồ tới làm lễ.

leftcenterrightdel
 

Mặt trời chỉ vừa nhú trên mép rặng cây xa xa mà ánh nắng chan hòa, tôn lên vẻ rực rỡ, tươi mới của những luống hoa đủ sắc màu, rung rinh trong gió sớm trước sân nhà thờ. Gió nhè nhẹ thổi xuyên kẽ lá hàng thông bao quanh nhà thờ, đưa mùi hương hăng hăng thoang thoảng quyện cùng hương của mấy luống hoa, làm cho không khí như mát lành, thanh tao hơn trong một ngày quan trọng với giáo dân ở đây. Đứng từ cổng nhà thờ, phóng tầm mắt tận cuối con đường thẳng tắp, đã thấy thấp thoáng những sắc áo đủ màu đang tiến về nhà thờ. Lần đầu tiên chứng kiến buổi lễ của các giáo dân tại một nhà thờ ở vùng đất đỏ bazan, tôi không khỏi có những bỡ ngỡ, lạ lẫm.

Khác hẳn những lúc tôi gặp họ ngày thường. Những bộ quần áo nhuốm màu đất đỏ khi đi làm vườn, đã được thay bằng trang phục truyền thống, những bộ váy đẹp nhất của các thiếu nữ hay complet thẳng thớm của những người đàn ông. Gặp chị Alai, người phụ nữ hơn 30 tuổi, tay cầm túi gạo, tay dắt con đi vào nhà thờ, chị tươi cười nói lơ lớ: “Hằng tuần tôi đều đến đây. Tôi được mục sư và những người có chức trách trong nhà thờ giảng dạy để yêu thương chính mình, yêu cuộc sống, yêu thương mọi người, biết hy sinh lợi ích bản thân để giúp đỡ mọi người. Tuần này tôi gom được chút gạo, giờ tôi sẽ để vào chiếc thùng đựng ở đằng kia. Tôi không dư dả gì nhiều, nhưng mỗi bữa tôi bớt đi một chút, cuối tuần tôi cũng có thể tiết kiệm được 1-2 lon gạo để giúp đỡ những người khó khăn hơn”.

Tôi biết ở đây các mục sư sẽ giảng bằng tiếng dân tộc, nên không biết nội dung lời giảng, vì thế tôi đã hỏi Alai là nội dung lời giảng là gì? Alai cho biết: Ngoài những lời răn trong kinh thánh, chúng tôi còn được nghe các cha khuyên răn phải tuân thủ nghiêm luật pháp, các chính sách của Nhà nước, quy định của địa phương; luôn yêu nước, kính chúa, sống tốt đời đẹp đạo. Tôi hỏi chị về cảm giác khi mỗi lần chị tới nhà thờ: Alai nói rằng, không chỉ chị, hầu hết bà con ở làng khi có chuyện gì buồn hoặc là gì khó khăn, khi tới đây thấy trong lòng mình thoải mái và nhẹ nhõm hơn.

leftcenterrightdel
 Đời sống văn hóa, kinh tế của người dân được nâng lên qua các mô hình thiết thực.

Trò chuyện lâu hơn với Alai được biết, trước kia cũng từng có một vài kẻ xấu móc nối, truyền đạo trái phép, kêu gọi đi theo tà đạo Hà Mòn và đi theo TLĐG, nhưng toàn bộ người dân trong thôn không ai nghe chúng tuyên truyền, có người nhanh trí còn báo cán bộ trong thôn tới lập biên bản. "Mình phải có niềm tin và niềm tin phải đặt đúng chỗ. Tôi theo đạo vì giáo lý dạy chúng tôi những điều tốt đẹp. Đó là phải lao động chân chính, không tà dâm, không uống rượu say sưa, chung thủy một vợ một chồng. Làm tốt thì gia đình sẽ hạnh phúc", Alai nói xong vui vẻ cầm túi gạo nhỏ thong thả bước vào nhà thờ, bỏ vào trong thùng gạo tình thương của nhà thờ rồi tìm chỗ ngồi chuẩn bị tới giờ làm lễ.

Còn một lúc nữa mới tới giờ hành lễ, tôi tranh thủ hỏi Mục sư Puih Blik, Ủy viên Ban đại diện Tin lành tỉnh Gia Lai, Quản nhiệm chi hội Tin lành ở làng Plei Mơ Nú, ông cho biết: "Chính quyền các cấp ở xã, phường đều tạo điều kiện hết sức thoải mái và tự do để các tín đồ sinh hoạt. Những ngày lễ chính đại diện các cấp chính quyền cũng đến thăm hỏi, quan tâm cả về vật chất, tinh thần, giáo dân ở đây rất vui và cảm nhận rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Ngày chủ nhật sinh hoạt từ 6 giờ rưỡi đến 8 giờ rưỡi; thứ 4 cầu nguyện buổi sáng; còn thứ sáu cầu nguyện với các ban. Nhà thờ này mới được xây năm 2015 trên mảnh đất do Nhà nước cấp lại, có thể chứa được khoảng 600 người. Ngoài các bài giảng đạo, giáo lý chung, chúng tôi tuyên truyền cho giáo dân ý thức sống phải thật tốt, vừa có trách nhiệm với địa phương, đất nước cũng chính là làm tốt bổn phận của giáo dân trước chúa. Với các tà đạo như Hà Mòn hay TLĐG... mình cũng phân tích sự sai trái, lừa bịp, lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động; làm cho bà con hiểu rõ sự sai trái ấy mà đấu tranh, tránh xa và khuyên bảo con cháu, người trong gia đình, dòng họ không nghe theo, tin theo và không tham gia. Chúa dạy yêu chúa, yêu người thánh thiện, không làm loạn, không nghe lời kẻ xấu, sống bằng tình yêu thương, tình người". Mục sư Puih Blik chia sẻ rồi xin phép chuẩn bị cho buổi lễ.

leftcenterrightdel
 Các giáo dân làm lễ tại nhà thờ thuộc chi hội Tin lành ở làng Plei Mơ Nú xã Chư Á, thành phố Pleiku.

Đúng 6 giờ 30 phút, mọi ghế trống đã được lấp đầy. Không khí trang nghiêm bao trùm suốt cả buổi lễ. Mọi lời giảng đều được truyền đạt bằng tiếng dân tộc thiểu số. Khoảng thời gian vui vẻ nhất chính là các bài thánh ca xen giữa các bài giảng được các dàn đồng ca là các giáo dân trong làng thể hiện. Trong tiếng nhạc du dương, giọng hát của cả già, cả trẻ hòa vào nhau, vang lên du dương, ánh mắt ngời sáng, tràn đầy đức tin và hy vọng cho một cuộc sống mới hạnh phúc, tươi đẹp.

Hai giờ trôi qua thật nhanh, kết thúc buổi lễ, mọi người ra về khi ánh mặt trời đã chiếu thẳng cửa nhà thờ, cái nắng của Tây Nguyên đã bắt đầu ran rát da. Dưới bóng hàng thông, tôi tranh thủ hỏi chuyện Chấp sự Y Suân, người đàn ông dân tộc Jrai, gần 70 tuổi, ông chia sẻ rằng, ông nói rất vui khi được làm công việc yêu thích của mình. Ông cho biết: Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân theo đạo sinh hoạt. Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước, và các cấp chính quyền địa phương khi cách đây mấy năm còn tạo điều kiện cho chúng tôi xây dựng nhà thờ mới khang trang, thoáng mát hơn để tiện cho việc sinh hoạt. Ông kể, là những người làm công việc của nhà thờ, trước kia cũng có nhiều đối tượng xấu, có cả phản động, tà đạo đến vận động để ông móc nối, lôi kéo bà con trong làng đi theo các đối tượng phản động, nhưng ông đã kiên quyết đuổi họ đi. Bọn chúng biết ông chính trực, không thể lôi kéo nên cũng không còn tên nào tới vận động, móc nối nữa.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

Chia sẻ thêm về thùng gạo tình thương đặt ở nhà thờ, Chấp sự Y Suân cho biết, cách đây ít năm, hội thánh tin lành ở đây có phát động phong trào chia sẻ tình thương với những người có hoàn cảnh khó khăn, ai có gì thì góp đó. Nhờ phong trào này, rất nhiều người trong thôn đã được chia sẻ vào những lúc họ khó khăn nhất. Cách làm là mình vận động nhóm phụ nữ. Họ là những người nấu cơm, mỗi bữa bớt ra một nắm nhỏ, bỏ vào hũ riêng, tới cuối tuần, ai gom được bao nhiêu thì mang tới chia sẻ trong thùng gạo tình thương đặt ở nhà thờ. Còn một số người thì tiết kiệm một chút tiền đi chợ, khi họ có họ góp 5 nghìn, 10 nghìn... Số gạo và tiền đều được công khai chuyển cho những ai được nhận, nhận vì lý do gì. Cách làm này đã giúp giáo dân trong làng thêm gắn kết, thương yêu nhau. Ông Y Suân chia sẻ thêm rằng, trong làng giờ cũng có nhiều người vừa làm kinh tế giỏi, vừa làm công tác xã hội giỏi, lại rất hảo tâm, đó là gia đình ông H'Nem, cũng làm trong Ban chấp sự.

leftcenterrightdel
 

Theo hướng dẫn của Mục sư Puih Blik, tôi tìm tới nhà ông H'Nem, Chấp sự chi hội Tin lành làng Plei Mơ Nú. Đúng như lời giới thiệu, nhà ông khang trang, rộng rãi, thoáng và rất đẹp. Hàng hoa trước nhà với đủ sắc hồng, cẩm tú và một vài loại hoa đặc trưng ở địa phương. Một khoảng sân chung lớn ở giữa hai căn nhà mái bằng, như lời giới thiệu của ông H'Nem, đó là nhà của con gái ông và nhà của vợ chồng ông.

Trong nhà của người đàn ông sinh năm 1956 này treo rất nhiều bằng khen, giấy khen của xã, của huyện, tỉnh về thành tích sản xuất giỏi, công tác xã hội giỏi, bằng Gia đình văn hóa... Tiện nghi trong nhà cũng khá "xịn" với nhiều vật dụng điện tử đời mới, xe máy, máy cày... Ông hồ hởi kể rằng, năm rồi cũng trúng vụ, cà phê, bơ, tiêu, lúa, cho nên kinh tế cũng tốt. Ông cho biết, nhà cũng có hơn 1 héc ta lúa; 1 héc ta cà phê, đất trồng bơ và một số cây công nghiệp khác. Thu nhập cơ bản cũng ổn, đủ nuôi dạy 6 đứa con ăn học đàng hoàng. Giờ các con ông đều đã tự lập.

leftcenterrightdel
 Mô hình “bạn giúp bạn”, do lực lượng công an tỉnh Gia Lai đỡ đầu và duy trì mang lại nhiều hiệu quả.

Ông kể rằng, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tất cả phải do mình chịu khó, tích lũy kinh nghiệm, vốn từ năm này qua năm khác. Giờ thì mình thấy nhiều gia đình trẻ hơn chưa có kinh nghiệm hay vốn làm ăn, mình tới giúp họ, ai không có vốn mình cho vay. Nhiều người có tiền thì trả đúng hẹn, ai không có tiền thì cũng thôi luôn. Hầu hết những người đi vay đều là những người rất nghèo, trong đó có không ít người là đối tượng cũng từng lầm đường lạc lối đi theo FULRO hay TLĐG. Họ vay số tiền cũng khá lớn, tới vài chục triệu đồng, nhưng tôi cũng chẳng bao giờ đòi. "Tôi cũng chẳng nhớ là cho bao nhiêu người vay nữa. Ai có thì trả, không có thì thôi. Ai cần hỏi gì về kinh nghiệm nuôi, trồng, tôi đều chỉ bảo tận tình. Giờ những người tôi giúp đều đã thoát nghèo rồi, biết làm ăn, có nhà thậm chí còn khá giả đấy. Nói chung, ngoài các khoản chi tiêu, mỗi năm gia đình cũng tiết kiệm được một vài trăm triệu đồng nên giúp được ai chút ít tôi cũng rất vui", ông H'Nem nói.

Nếu như cách cho đi như của ông H’Nem là muốn nhận lại niềm vui từ sự thành công của người khác, trong đó có cả những người lầm đường lạc lối thì ở Gia Lai, mô hình “bạn giúp bạn”, do lực lượng công an tỉnh Gia Lai đỡ đầu và duy trì là sự chia sẻ giữa những người cùng cảnh ngộ đã từng đi theo TLĐG, đi theo FULRO.

leftcenterrightdel
 

Từ thành phố Pleiku, chiếc xe của công an Gia Lai đưa tôi tới làng O Đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, nơi đang áp dụng thành công mô hình “bạn giúp bạn”. Tới nhà Rơ Chơm Brông, sinh năm 1977, ở làng O Đất, xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, một người cũng từng tham gia FULRO. Gặp anh sau khi lội bộ gần một cây số đường bùn do trời mưa ô tô không vào nhà anh được, đón chúng tôi, anh rất vui cho biết: Gần một năm qua, nhờ mô hình “bạn giúp bạn”, anh được Đại úy Lê Thế Nông, Phó trưởng công an xã Ia Băng bảo lãnh để được vay vốn sản xuất. Nhờ có nguồn vốn nay, gia đình anh từ chỗ là một hộ nghèo, nay đã đủ ăn. Brông kể: Khi mới ở trại về, mọi thứ còn bỡ ngỡ, ở trong căn nhà dột nát, anh đã được cán bộ công an xã giúp đỡ tận tình để xây dựng nó hoàn chỉnh, vững chắc như hiện tại. “Mình làm cái gì, mình thiếu cái gì, mình cần cái gì. Ví dụ vợ con bị bệnh tật các anh công an cũng giúp. Giờ đã có hiểu biết về cách nuôi, trồng, chỉ mong sao có vốn để đầu tư nuôi vật nuôi, con giống để sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình”.

Trao đổi với anh ngay tại vườn cà phê sau nhà, anh cho biết, trước đây đã vi phạm pháp luật do tham gia FULRO, sau khi đi cải tạo về, gia đình rất nghèo do không có vốn sản xuất, chưa biết cách làm ăn. Từ khi được các đồng chí công an giúp đỡ, bảo lãnh để ngân hàng cho vay vốn, được sinh hoạt trong câu lạc bộ “bạn giúp bạn”, anh đã có nhiều kinh nghiệm sản xuất từ sự chia sẻ của mọi người trong câu lạc bộ. Tuy bây giờ chỉ mới đủ ăn, nhưng Brông cho biết anh rất hạnh phúc bên vợ và các con, giờ chỉ muốn ở nhà làm ăn, chăm sóc cho vợ con, không bao giờ bỏ vợ con để đi theo phản động, đi theo FULRO nữa.

leftcenterrightdel
Cuộc sống và thiên nhiên thanh bình tại Gia Lai. 

Chia sẻ thêm về tình hình tại địa bàn, Đại úy Lê Thế Nông cho biết, xã la Băng là vùng có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số, với tỷ lệ hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế cao; trong khi đó nhận thức, trình độ văn hóa của người ở đây còn hạn chế. Trên địa bàn làng O Đất có khá nhiều trường hợp trước đây vì cuộc sống khó khăn đã nghe lời xúi giục của thế lực thù địch, thành phần xấu, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp nên nhiều người đi theo lời xúi giục đó, bỏ địa phương, bỏ nhà bỏ vợ bỏ con rồi để đổi vận, nhưng sau đó hầu hết trở về trong cảnh rách nát hơn xưa. Trường hợp như anh Brông là ví dụ. Khi tái hòa nhập lại cộng đồng, gia cảnh rất khó khăn, chính quyền, công an xã, huyện quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để công dân này sớm hòa nhập vào cộng đồng, không mặc cảm với xã hội và cũng hướng họ theo đạo Tin lành.

Sau vài năm, giờ Brông đã chú tâm làm ăn, tư tưởng cũng rất là tốt. Bây giờ chỉ chăm lo đời sống gia đình, vợ con. Từ khi anh này về cũng đã giúp ích rất nhiều cho chính quyền địa phương, công an xã về trật tự an ninh trên địa bàn. Trở thành một thành viên tích cực khi trao đổi thông tin với lực lượng công an, giúp lực lượng công an nắm bắt địa bàn.

leftcenterrightdel
Các hoạt động sinh hoạt tôn giáo được tổ chức đều đặn, đáp ứng nhu cầu của giáo dân. Bên cạnh đó, nhiều giáo dân còn mang gạo tới nhà thờ chia sẻ với những giáo dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn. 

Câu lạc bộ “bạn giúp bạn” của xã Ia Băng được thành lập mong muốn để các thành viên đã từng có thời gian lầm lỡ xích lại gần với nhau, để họ có sân chơi, giúp nhau có công ăn việc làm; trao đổi kinh nghiệm làm ăn, người này giúp người kia để không có mặc cảm về những công việc sai trái trước kia.

Ngoài ra, các thành viên còn giúp lực lượng công an đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ngược lại, lực lượng công an cũng thông qua đó mà nhìn nhận sự tiến bộ của từng người mà phối hợp với các ban ngành đoàn thể kết nối với các doanh nghiệp sản xuất tạo công ăn việc làm hay giúp bảo lãnh để vay vốn ngân hàng đầu tư vào sản xuất, trồng trọt.

Cơn mưa đang tạnh dần, tôi chào Brông để ra về, người đàn ông có nước da đen cháy nắm chặt tay Đại úy Lê Thế Nông như thầm cảm ơn sự chia sẻ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương đã cho anh môt mái nhà, một mảnh vườn đang vươn lên mơn mởn, hứa hẹn một mùa bội thu sắp đến. Ánh mắt lưu luyến của Brông như đang muốn nói với chúng tôi rằng Brông giờ đã biết hối cải, có chết cũng không đi theo phản động như trước đây nữa.

Mưa ngoài kia đã tạnh, những hạt nước đọng trên lá, trên hoa cây cà phê vẫy vẫy nhẹ trong gió... báo hiệu một mùa bội thu sắp về. Lòng tôi bâng khuâng chợt nhớ tới những lời dặn dò của Bác trong bức thư được tạc lên bia đá ở Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai), tại nơi đặt tượng Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên: “Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt".

leftcenterrightdel
Con đường hàng thông “trăm tuổi” , xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA - NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: NGUYỄN XUÂN HÒA

Ảnh: NGUYỄN HÒA - BÌNH ĐỊNH - DUY HIỂN - LÊ LÂM - HUY BẮC 

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ