QĐND Online – Sau khi Trường Sa hoàn toàn giải phóng, những người lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) được giao trọng trách là nòng cốt ở lại tiếp quản và giữ đảo những ngày đầu. Hòa bình, không còn bom rơi đạn nổ, nhưng giữ đảo tiền tiêu giữa trùng khơi bộn bề thiếu thốn là biết bao gian nan, thử thách…
Tôi từng nghe đến tên Trung đoàn 38, khi mà chiến công đánh trận Đầu Mầu của đơn vị này từng vang danh quốc tế. Năm 1972, bức ảnh “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu của nhà báo Đoàn Công Tính, phóng viên chiến trường Báo Quân đội nhân dân từng đoạt Huy chương Vàng Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ).
Nhưng khi đặt bút viết loạt ký sự về sự kiện giải phóng Trường Sa, tôi vẫn băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao lịch sử đã gọi tên Trung đoàn 38 trong nhiệm vụ đặc biệt này? Có thể nói như vậy bởi khi lật giở suốt hơn 400 trang lịch sử Trung đoàn, hầu hết chỉ thấy những trận đánh và chiến công nối tiếp trên cạn. Chỉ duy nhất một lần họ đã đến Trường Sa. Trung đoàn 38, sư đoàn 2, Quân khu 5, tiền thân là trung đoàn 84 là một trong 9 trung đoàn tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Năm 1966, trung đoàn là một trong những trung đoàn đầu tiên trở lại chiến trường miền Nam, chiến đấu và lập nhiều chiến công ở đường 9 Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Đà, Quảng Nam, lập nên những chiến công vang dội như ở Đầu Mầu, Gio An, Đức Dục, Cấm Dơi, Quế Sơn, Đà Nẵng…
Để lý giải câu hỏi ấy, tôi đã tìm gặp Đại tá Trần Dược, nguyên Chính ủy và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 năm xưa. 7 năm trước tôi được ông cho biết là nhà báo đầu tiên đến hỏi ông chuyện giải phóng Trường Sa. Nay tuổi đã cao, sức yếu, phải khá khó khăn chúng tôi mới chắp nối được các thông tin qua lời kể của ông.
Ngày đó, ông Dược là Thiếu tá, Phó chính ủy Trung đoàn. Trong thế chẻ tre chiến thắng, Trung đoàn 38 như cơn lốc từ Quảng Nam tiến về giải phóng Đà Nẵng.
Thật là một Trung đoàn kỳ lạ, sau nhiều năm đóng “đô” ở Quảng Nam, trước ngày về Đà Nẵng, Trung đoàn này có tới hơn 40 đứa con nuôi. Năm 1972, sau những trận đánh thắng như chẻ tre của bộ đội Trung đoàn 38, thung lũng Quế Sơn không còn bóng giặc, hơn một vạn dân được giải phóng bỏ ấp chiến lược về quê cũ làm ăn. Riêng 42 em bé mất cha mẹ vì bom đạn và địch càn thì không biết đi đầu về đâu, sống bơ vơ trên những túp lều hoang. Trung đoàn 38 đã đưa các em về nuôi nấng. Tận gần đến ngày cơ động về giải phóng Đà Nẵng, Trung đoàn đành trả các cháu về địa phương, hỗ trợ mọi mặt và chở về bàn giao Mặt trận huyện Quế Sơn.
Ngày 29-3-1975, họ đã có mặt ở khu vực Non Nước, làm chủ sân bay Nước Mặn và kiểm soát bán đảo Sơn Trà. Đà Nẵng giải phóng, cán bộ Trung đoàn còn tham gia ban quân quản, cứ ngỡ ngày hòa bình, xa cây súng đã đến rất gần thì ông Dược cùng ban lãnh đạo nhận lệnh, tổ chức một lực lượng tham gia cùng các đơn vị khác của Quân khu và Hải quân ra giải phóng Trường Sa. Đại tá Nguyễn Chơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 đã giao cho nhiệm vụ Trung tá Nguyễn Thanh Thí, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 và ông trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4 và một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368, phối hợp cùng các lực lượng khác giải phóng Trường Sa.
Đại tá Nguyễn Đình Ngật, năm 1975 là Thiếu tá, Phó phòng Tổ chức, Cục Chính trị Quân khu 5 đã chứng kiến rất rõ sự kiện này, nhớ lại: "Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo sát sao. Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân cũng trực tiếp xuống tận các đơn vị giao nhiệm vụ. Ngoài giao nhiệm vụ từng lực lượng Sư đoàn 2, Chính ủy và Tư lệnh Quân khu còn chỉ đạo trực tiếp cán bộ, chiến sĩ ra Trường Sa ý thức nhiệm vụ thiêng liêng, phương pháp địch vận, quy hàng địch. Thiếu tướng Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu dặn dò rất kỹ, cần phải tìm mọi cách quy hàng đối phương, kêu gọi giao nộp vũ khí, nếu chống cự mới nổ súng, cương quyết giành lại chủ quyền”.
Đại tá Đồng Phú Quế, nguyên Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 cho biết thêm: “Hôm ấy là chiều 11-4-1975, chúng tôi tập hợp chỉnh tề tại cảng Tiên Sa. Thiếu tướng Đoàn Khuê còn căn dặn thêm một câu: "Giải phóng xong Trường Sa, các đồng chí tiếp tục nêu cao tinh thần chiến đấu, bảo vệ đảo trong mọi tình huống".
Khi đó ông Quế và đồng đội hoàn toàn không biết rằng, ẩn chứa trong câu nói của Thiếu tướng như đã nhắc đến một nhiệm vụ sau chiến đấu giải phóng đảo của Trung đoàn 38: Ở lại giữ đảo.
Diễn biến các trận chiến đấu giải phóng Trường Sa bạn đọc đã được tường thuật khá kỹ càng ở các kỳ trước với cách đánh, kỹ năng chiến thuật siêu việt của những chiến sĩ đặc công hải quân, đặc công Quân khu 5. Còn với các chiến sĩ bộ binh Trung đoàn 38, họ cũng vượt sóng, xuất kích và chiến đấu mưu trí, dũng cảm cùng đồng đội ở các đơn vị khác, góp phần làm nên chiến công thần tốc. Như ở trận Song Tử Tây, lực lượng đặc công và khoảng một trung đội bộ binh thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38 đã chia làm ba mũi, vừa áp sát mục tiêu, vừa trinh sát vừa chiến đấu.
Theo cuốn Lịch sử Trung đoàn bộ binh 38 – Đoàn Gio An (NXB Quân đội nhân dân 2014) thì sau khi đảo Song Tư Tây được giải phóng, lực lượng thuộc đại đội 1 của Tiểu đoàn 4 cùng một bộ phận hỏa lực ĐKZ, 12,7 ly và cao xạ 23 ly, dưới sự chỉ huy của đồng chí Đại đội trưởng Tống Văn Ghi và Chính trị viên phó Nguyễn Văn Huân giữ đảo, còn toàn bộ lực lượng xuống tàu tiếp tục cơ động tấn công các đảo khác.
Ngày 25 tháng 4, ta tấn công và giải phóng đảo Sơn Ca. Lực lượng còn lại của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 4), dưới sự chỉ huy của Đại đội phó Vũ Duy Hòa được giao nhiệm vụ ở lại giữ đảo.
Ngày 26 tháng 4, ta tiếp tục tấn công, giải phóng đảo Nam Yết - trung tâm chỉ huy của cả quần đảo. Lực lượng thuộc đại đội 2 cùng lực lượng hỏa lực tăng cường do Tiểu đoàn trưởng Phạm Xuân Trường, Chính trị viên Tạ Duy Trinh, Tiểu đoàn phó Lô Bá Nhân và Chính trị viên phó Ngô Văn Hoằng chỉ huy, được giao nhiệm vụ tiếp quản đảo.
Ngày 27 tháng 4, ta tấn công, giải phóng đảo Sinh Tồn. Lực lượng của Đại đội 3 cùng một bộ phận hỏa lực của Đại đội 4 (Tiểu đoàn 4) do đồng chí Đại đội trưởng Lê Văn An, Đại đội phó Lê Văn Nhung chỉ huy tiếp quản đảo.
Ngày 28-29 tháng 4, ta đánh chiếm đảo Trường Sa Lớn. Lực lượng còn lại của đại đội 3 và đại đội hỏa lực (Tiểu đoàn 4), do Đại đội trưởng Hà Đức Thái chỉ huy được giao nhiệm vụ tiếp quản đảo.
Như vậy, sau giải phóng Trường Sa, có thể thấy toàn bộ lực lượng thuộc Trung đoàn 38 đã được giao nhiệm vụ ở lại tiếp quản, bảo vệ các hòn đảo vừa giải phóng.
Từ 1975 đến nay, những người giữ đảo ấy ở đâu?
Năm 2019, tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương diễn ra một cuộc gặp mặt độc đáo. Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã gặp gỡ, tặng kỷ niệm chương chiến sĩ Trường Sa cho những cựu chiến binh quê ở Gia Lộc, từng là quân số Tiểu đoàn 4 giải phóng và ở lại bảo vệ Trường Sa. Trung tá Trần Khị, nguyên Trưởng ban Quân lực Trung đoàn 38, quê ở Ninh Giang, Hải Dương kể lại: Sau khi giải phóng Trường Sa, chúng tôi được giao nhiệm vụ ở lại giữ đảo sau được biên chế chính thức cho quân chủng Hải quân với phiên hiệu Tiểu đoàn 5 thuộc Lữ đoàn 126 Hải quân.
    |
 |
Trao huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho các cựu chiến binh tham gia giải phóng Trường Sa quê ở Hải Dương |
Hơn 2 tháng sau ngày Trường Sa giải phóng, cuối tháng 7-1975, Bộ Quốc phòng quyết định điều toàn bộ lực lượng Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 38 về Bộ tư lệnh Hải quân.
Những người giữ đảo ở lại Trường Sa hơn một năm, đến tháng 6-1976 mới có lực lượng ra thay và được trở về căn cứ Cam Ranh.
Về đất liền, một số người được phân công về các đơn vị hải quân, một số đồng chí được cử đi đào tạo. Một số đồng chí được biên chế về Lữ đoàn 146 tiếp tục làm nhiệm vụ giữ Trường Sa, số còn lại trở về quê hương. Nhiều đồng chí tham gia chiến đấu giúp bạn Campuchia trong đội hình Lữ đoàn 126 Hải quân. Nhiều người, bị thương, có người đã anh dũng hy sinh, có đồng chí bị thương…
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38 giải phóng Trường Sa năm ấy, ai cũng biết cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy, quê ở vùng ven biển huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Vừa tròn 18 tuổi, anh lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn 4. Khi ra Trường Sa, anh mới 19 tuổi, là chiến sĩ thông tin 2W.
Khó có thể hình dung tâm trạng người lính trẻ tuổi 19 sau hòa bình vẫn chưa được về quê hương, phải ở lại hòn đảo xa xôi đầy gian khó. Ông Nguyễn Xuân Thùy tâm sự: “Chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt giữ đảo Nam Yết. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã chiến thắng, làm chủ đảo nhưng lo là không biết bao giờ được vào đất liền, về thăm gia đình. Chỉ huy đơn vị yêu cầu chúng tôi khẩn trương kiểm tra, củng cố trận địa, sẵn sàng chiến đấu đề phòng có lực lượng khác đến tái chiếm đảo. Nam Yết cũng là nơi duy nhất bắt được sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Được tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả đảo ôm nhau khóc trong vui sướng”.
    |
 |
Một buổi thực hành, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 hôm nay. |
Những ngày đầu giữ đảo, ông Thùy và đồng đội chứng kiến một sự việc lạ lùng. Buổi sáng nọ, có khoảng 10 ngư dân nói tiếng nước ngoài lên đảo nói rằng đi đánh cá thì tàu bị hỏng, xin được giúp đỡ. Đơn vị tạo điều kiện cho họ ăn nghỉ, giúp đỡ tận tình. Nhưng sau đó, chỉ huy đơn vị cũng rất tỉnh táo, đề nghị phải tăng cường cảnh giác, đề phòng nước ngoài trà trộn đưa lực lượng chiếm đảo. Trước sự cảnh giác, duy trì nghiêm nền nếp kỷ luật canh gác, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, không có điều gì phức tạp xảy ra. Qua máy thông tin 2W, đã có sự hiệp đồng, thống nhất giữa 3 đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, khi có tín hiệu bắn pháo sáng phải kịp thời đến ứng cứu, hỗ trợ…
    |
 |
Các cựu chiến binh ra giải phóng và ở lại giữ quần đảo Trường Sa gặp mặt tại Nha Trang 2015. ảnh: CÔNG THI |
Đồng đội cùng giữ đảo cũng đều trẻ măng tuổi 18, đôi mươi như Nguyễn Xuân Thùy. Sống trên đảo xa, xa quê hương, gia đình, họ gắn bó với nhau như ruột thịt, cọng rau chia đôi, sẻ nửa, chia nhau từng ca nước ngọt. Đảo xa thiếu thốn trăm bề, thiếu nhất vẫn là rau xanh. Mỗi khi có tàu ra đảo, được tiếp tế thêm rau xanh, dù rau theo tàu đã úa vàng hoặc chỉ là ít củ quả nhưng với bộ đội Trường Sa vẫn là cao lương mỹ vị. Sau vài bữa được ăn “tẹt ga”, anh nuôi phải muối rau bằng thùng phuy cho bộ đội ăn dần.
Món ăn tinh thần vô giá của bộ đội ngày ấy là thư và báo, dù theo tàu ra thường phải mất mấy tháng trời. Năm ấy, mọi người nhận được thư đều vui sướng, đọc chung. Riêng ông Thùy mỗi lần tàu ra, lại lủi thủi vào giường nằm…vì ông chẳng bao giờ có thư cả.
Hóa ra ngày đó, do điều kiện khó khăn, thư ông gửi về gia đình đều thất lạc, ở nhà bố mẹ, họ hàng buồn lắm, ai cũng nghĩ ông đã hy sinh. Chỉ duy nhất lá thư ông viết hỏi thăm chị gái không bị thất lạc nên gia đình mới biết ông còn sống và viết thư ra.
“Suốt mấy tháng trời, tôi gửi rất nhiều thư về nhà mà lạ sao chẳng hề nhận được một bức hồi âm từ gia đình. Tôi buồn chán, dần quên đi niềm hi vọng nhận thư. Cuối năm 1975, tôi chuyển sang đảo Sinh Tồn. Hôm đó là một ngày gần Tết năm 1976, tôi bất ngờ nhận được điện từ đảo Nam Yết nói rằng tôi có thư. Ban đầu, tôi không tin đó là sự thật, cứ nghĩ ai đó đùa cợt mình. Tôi bảo: “Nếu thư thật thì đọc nghe coi qua điện thoại”. Anh em từ Nam Yết đọc luôn. Hóa ra là thư thật. Thấy tôi chăm chú, nước mắt chảy dài trên má, anh em đồng đội chạy lại, xúm vào ghé tai cùng nghe qua ống nghe. Lá thư của bố mẹ hỏi thăm bình thường nhưng khiến tôi khóc nức nở vì vui mừng. Nhiều anh em khác cũng khóc theo” – ông Thùy bồi hồi kể lại.
Mùa xuân đầu tiên năm 1976, mùa xuân của hòa bình, hạnh phúc đã đến với muôn nhà nhưng với những người lính Trường Sa, đó có lẽ là cái Tết nhiều cảm xúc nhất, một cái Tết rất buồn với những chàng lính trẻ tuổi đôi mươi nơi đảo tiền tiêu mịt mùng sóng gió. Thiếu thốn đủ bề, tàu tiếp tế ra đảo chở hàng Tết lại đi lạc. Họ đã trải qua một cái Tết nhiều cái không…Họ phải dùng bao xác rắn để gói bánh chưng. Phút giao thừa ai cũng khóc vì nhớ nhà rồi chỉ biết mang xoong nồi ra gõ...như xua đi nỗi nhớ.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 tại Trường Sa năm 1975, ảnh: Khắc Xuể và tư liệu... |
Mùa hè năm 1976, ông Thùy được về thăm gia đình, rồi được cử đi học sĩ quan Hải quân, sau trở thành giảng viên Học viện Hải quân tại Nha Trang. Năm 1988, ông nghỉ chế độ mất sức do giảm sút sức khỏe bởi chất độc da cam. Không cam chịu cái nghèo, ông đã mở Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Quốc tế tại Nha Trang với nhiều hoạt động nhà hàng, khách sạn và hơn 200 đầu xe taxi, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, trong đó có nhiều đồng đội, con em cựu chiến binh. Hiện ông là Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Cựu chiến binh Khánh Hòa…
Ông thường xuyên tham gia đóng góp cho các chương trình nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Lịch sử đã hun đúc nên 10 chữ vàng truyền thống của Trung đoàn 38 là “Cơ động, tiến công dũng mãnh, chốt giữ kiên cường”. Những tố chất ấy dường như cũng có gì đó rất gắn bó với nhiệm vụ cao cả tham gia giải phóng và bảo vệ Trường Sa. Theo Thiếu tá Nguyễn Nhật Vũ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 hiện nay: “Đứng chân trên đất Tây Nguyên giai đoạn hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm thường xuyên, đơn vị còn được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ huấn luyện tác chiến biển đảo. Những năm qua, Trung đoàn đã đầu tư củng cố và làm mới được 5 thao trường huấn luyện tác chiến biển đảo, giúp bộ đội làm quen với các bài bắn trên bờ, dưới nước, ban ngày, ban đêm, tấn công, phòng ngự… góp phần nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng tác chiến của toàn đơn vị. Tham gia diễn tập tác chiến biển đảo năm 2016, tại Vùng 4 Hải quân, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày nay, Trung đoàn vẫn là đơn vị đảm nhiệm vụ tác chiến biển đảo quan trọng của Quân khu 5, góp phần quan trọng bảo vệ Trường Sa nói riêng, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói chung".
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 5 hết sức trân trọng và hoan nghênh Báo Quân đội nhân dân thực hiện loạt ký sự Giải phóng Trường Sa – “cánh quân thứ sáu” trong mùa xuân toàn thắng. Loạt bài đã khắc họa sâu sắc chiến công, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ tham gia giải phóng và bảo vệ quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đơn vị trên địa bàn Quân khu 5. Loạt bài viết đã đề cập nhiều câu chuyện, nhiều nhân vật, đơn vị lâu nay công tác tuyên truyền ít nhắc đến, thậm chí bị lãng quên. Trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 sẽ quan tâm hơn nữa công tác giáo dục truyền thống, làm sáng rõ hơn câu chuyện về những con người đã góp phần làm nên lịch sử và chỉ đạo các đơn vị làm tốt việc tri ân các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng và bảo vệ Trường Sa.
Tham gia giải phóng Trường Sa, ngoài các đơn vị mà loạt ký sự này đề cập, hiện nay theo sách lịch sử truyền thống của Trung đoàn 95, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) và một số cựu chiến binh, còn có thêm sự tham gia của một số cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 95, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Theo tài liệu truyền thống của Trung đoàn 95: Giữa tháng 3-1975, sau khi tiến công giải phóng Tây Nguyên, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2) được lệnh truy kích địch dọc theo đường 19, qua Bình Định, Phú Yên tới Nha Trang, Khánh Hòa. Đại úy Ma Thanh Toàn - Trung đoàn phó (sau này là Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 2, đã nghỉ hưu) ra lệnh cho Tiểu đoàn 2: “Lập ra một Đại đội tinh nhuệ gồm 30 chiến sĩ do Trung úy Nguyễn Văn Tựu - Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy, phối hợp với các đơn vị bạn đi giải phóng đảo Song Tử Tây”. Trung sĩ Đinh Quốc Lập, khi đó là Trung đội phó của Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 đã xung phong tham gia nhiệm vụ đặc biệt này. Có tài liệu còn ghi, Tiểu đoàn đặc công 407 (Tỉnh đội Khánh Hòa) cũng tham gia giải phóng Trường Sa.
Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 2 cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử: Trung đoàn 95 lúc đó là trung đoàn độc lập của Quân khu 5, đã cử Tiểu đoàn 2 đi cùng hải quân để giải phóng Trường Sa nhưng do thiếu tàu nên chỉ cử một đại đội. Đồng chí Chóe, chính trị viên tiểu đoàn chỉ huy lực lượng tham gia chiến đấu, đồng chí Chóe hiện cư trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc...
Đây là những thông tin mới, Báo Quân đội nhân dân rất mong tiếp tục nhận được thông tin về các cựu chiến binh thuộc các đơn vị Quân khu 5 tham gia giải phóng Trường Sa và rất mong các đơn vị liên quan nghiên cứu, làm sáng tỏ hơn nữa trong thời gian tới. Thông tin xin liên hệ: Báo QĐND Điện tử, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, email: dientubqd@gmail.com, số điện thoại: 069.551.452 hoặc 0243.747.1748; 0973896868.
    |
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 38 luyện tập tác chiến bảo vệ biển đảo. |
|
Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập Báo QĐND
Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH - TRỊNH VĂN DŨNG
Nội dung: NGUYỄN VĂN MINH - NGUYỄN VIỆT HÙNG - PHAN TIẾN DŨNG - TRẦN CÔNG THI
Ảnh: BÁO QĐND, BÁO HẢI QUÂN VIỆT NAM, TƯ LIỆU
Trình bày, kỹ thuật đồ họa: VĂN PHONG - TÔ MINH NGỌC
|