leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nhấn mạnh việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”. 

Từ quan điểm này của Thủ tướng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với GS,TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT để thấy được một số gợi mở những hướng đi, giải pháp cho giáo dục, hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước.

leftcenterrightdel
 
 

Phóng viên (PV): Thủ tướng đã nhấn mạnh giáo dục cần hướng tới việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”, vậy mấu chốt của bài toán này là gì, thưa ông?

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ: Thủ tướng đặt vấn đề này là hoàn toàn đúng đắn và vô cùng hạnh phúc cho dân tộc. Câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay, nhưng thực tế cho thấy chưa có sự thay đổi nào quá rõ rệt. Giải bài toán này không phải chuyện dễ. Trước hết, để làm được điều này, ngành giáo dục phải chống bệnh thành tích ở mọi cấp, từ cao đến thấp. Câu nói của Thủ tướng như một hồi chuông, buộc mọi người phải có trách nhiệm suy nghĩ và vào cuộc cả về mặt luật pháp. Cái gì giả dối phải bị nghiêm trị.

leftcenterrightdel
 

PV: Là người có cả sự nghiệp gắn bó với ngành giáo dục, theo ông bài toán này còn có “điểm nghẽn” nào khác không?

TS Lê Viết Khuyến: Ngoài bệnh thành tích, chúng ta còn đang vướng vào căn bệnh chưa hình thành được văn hóa chất lượng. Từ người dạy, người học đến phụ huynh, ai cũng phải hình thành nên thói quen nếu không làm việc theo chất lượng thì bức xúc, không chịu được. Điều này hiện chỉ một số nước mới thấy, ở Việt Nam thì còn xa. Thực tế, có ít địa phương, nhà trường, gia đình và người học dám chấp nhận chất lượng học thực tế của đơn vị, con em mình, qua đó mà thúc đẩy người ta phải cố gắng vươn lên; nhưng cũng có không ít người muốn có được văn bằng này, danh hiệu nọ bằng những cách này, cách khác. Đối với điều kiện giáo dục hiện nay, khi chưa hình thành được văn hóa chất lượng, việc để mọi người tự giác hoàn toàn thì đấy là điều không thực tế.

leftcenterrightdel
Trẻ em vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.  
leftcenterrightdel
 

PV: Học thật, học để làm việc, làm người, đang là nhu cầu lớn của xã hội. Việc này phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

TS Lê Viết Khuyến: Muốn có nguồn nhân lực thực sự đồng bộ, lành nghề để đưa đất nước đi theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) thì phải đầu tư cho giáo dục. Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) được xác định là giải pháp nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới đồng bộ cơ cấu nguồn nhân lực.

Mỗi cá nhân đều có thể thành công hoặc phát huy lợi thế của mình nếu được học tập và làm việc trong môi trường phù hợp với tính cách và giá trị của mình. Học sinh cần được trao cơ hội nhận dạng tính cách, sở thích, kỹ năng và giá trị của mình. Ngay từ cấp THCS, các em cần trả lời được những câu hỏi mình thích làm công việc liên quan đến lĩnh vực nào, mình có giỏi về kỹ năng đó không? Khi đó, việc học thật là nhu cầu tự thân.

leftcenterrightdel
 

Xét về nguồn nhân lực, theo thống kê năm 2019, 77,2% lao động có thể có trình độ tốt nghiệp THPT nhưng không qua đào tạo nghề. Tỷ lệ này với trình độ sơ cấp là hơn 3%, trung cấp hơn 4%, cao đẳng hơn 3%, còn đại học hơn 10%. Với nguồn nhân lực như vậy làm sao nói đến nền CNH, HĐH. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về GD&ĐT và giáo dục nghề nghiệp.

Công tác phân luồng học sinh sau THCS hiện nay rất kém. Trên thế giới, các nước phân luồng theo hướng sau THCS khoảng 60-70% học sinh vào trung học nghề, 30% vào THPT, còn Việt Nam thì 80-90% vào THPT. Học hết THPT, những em không vào được đại học, ra trường đi làm nghề nhưng không có trình độ nghề. Khối lượng lao động này vì thế chỉ có thể tham gia vào thị trường lao động giản đơn. Việc phân luồng học sinh không chỉ là vấn đề riêng của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cả cộng đồng...

 

leftcenterrightdel
 

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Phân luồng và phân hóa ở bậc phổ thông, nhất là cuối cấp THPT phải mang ý nghĩa giáo dục định hướng giá trị, lựa chọn giá trị để học sinh vào các trường nghề, học nghề thợ (công nhân) ra làm thợ rồi tiếp tục học lên trong suốt cuộc đời, để thực hiện “giáo dục liên tục”, “giáo dục suốt đời” trong một xã hội học tập như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không xem đại học là cánh cửa duy nhất vào đời. Phải thay đổi căn bản nhận thức xã hội, trước hết là tư duy lãnh đạo, quản lý để vượt qua tâm lý coi thường, xem nhẹ học nghề, trường nghề ở bậc trung học, trung cấp, cao đẳng nghề.

 

leftcenterrightdel
 

 

PV: Vậy đâu là lý do chính dẫn đến tình trạng này, thưa các chuyên gia?

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Một xã hội lành mạnh, một nền giáo dục lành mạnh phải tạo ra cơ cấu “nhiều thợ ít thầy” chứ không như hiện nay. Sự lệch lạc về cơ cấu này, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý hư danh, trọng bằng cấp một cách hình thức, tạo ra rào cản đối với sự phát triển hệ thống các trường đào tạo công nhân, thợ lành nghề, trong khi đây là lực lượng hết sức quan trọng, trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nâng cao tính triển vọng của nghề thợ, đội ngũ thợ bậc cao, những người có “bàn tay vàng” không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu nhân lực lao động có trình độ thực hành kỹ thuật-công nghệ cao, mà còn thay đổi nhận thức và lối sống của mọi người; đồng thời phát triển hợp lý quy mô đại học, xây dựng chuẩn đại học, không phổ thông hóa, hình thức hóa đại học như hiện nay.

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ: Học thật, thi thật, nhân tài thật là nói về phía người học, còn về người quản lý, ta hãy học thế giới, học theo những điều họ đã làm tốt. Nói rộng ra, Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định đường lối rất đúng đắn nhưng trong quá trình vận hành, bị bệnh thành tích làm sai lệch đi. Chẳng hạn như trong nghị quyết nêu những gì thuộc một mối phải về một mối, còn quản lý giáo dục hiện nay lại xé lẻ ra, một phần cho Bộ GD&ĐT, một phần cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) quản lý nên có những chỉ đạo theo đường hướng khác nhau. 

 

leftcenterrightdel
Xã hội cần nguồn nhân lực có trình độ, kỹ thuật - công nghệ cao. 

 

TS Lê Viết Khuyến: Lý do không phân luồng được bởi bắt nguồn từ chính sách, quy định tách ra trung cấp nghề và THPT. Nếu như ở các nước, người học trung học nghề hoàn toàn bình đẳng với THPT, vẫn có quyền học lên đến thạc sĩ, tiến sĩ thì ở Việt Nam lại không có sự bình đẳng đó. Bằng Luật Giáo dục Nghề nghiệp chúng ta đã bỏ trung học nghề, với thời gian đào tạo 3 năm như ở các nước và thay bằng trung cấp nghề, với thời gian đào tạo 1-2 năm, để tạo ra một luồng đi khép kín cho riêng mình, thì làm sao người học có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học. Như vậy, người học chỉ có thể lựa chọn một trong hai con đường riêng biệt mà không có cửa liên thông khi họ có nhu cầu.

Mặt khác, cao đẳng là một trình độ của giáo dục đại học, phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện vào học. Nhưng hiện nay, cao đẳng bị hạ chuẩn, bị rút thời gian đào tạo, bị tách ra khỏi giáo dục đại học để “nhét” vào “bậc học” giáo dục nghề nghiệp (gồm sơ cấp, trung cấp và cao đẳng). Cao đẳng vốn có hai loại, đào tạo kỹ thuật viên và đào tạo thợ, thì nay lại sáp nhập vào với nhau. Theo mô hình nhân lực hình tháp, mạch đào tạo nhân lực, xếp theo vị trí chức danh: Thợ, kỹ thuật viên, chuyên gia hay kỹ sư. Với cách đào tạo này, thợ “nhảy” luôn vào vị trí của kỹ thuật viên-kỹ sư thực hành, trong khi thực tế vẫn chỉ là thợ. Điều đó làm méo mó dây chuyền sản xuất, quá trình thực thi.

leftcenterrightdel
 Học để biết, học để làm, học cách sống cùng nhau và học để làm người.

Đây là lỗi về cơ cấu hệ thống. Chủ trương đúng, đường lối đúng, nghị quyết đúng nhưng chính sách cụ thể thì làm sai lệch đi, tạo ra cơ chế kiểu “ngăn sông cấm chợ”, “thập nhị sứ quân” mạnh ai nấy chạy. Do đó, cần xem xét lại khâu thực hiện, rà soát lại theo hướng triển khai thực hiện sai đâu, sửa đó. Nếu không, thực sự nhãn tiền là chúng ta đã không đạt được mục tiêu CNH, HĐH đất nước vào năm 2020 vừa qua.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

PV: Theo các chuyên gia, chúng ta nên làm gì để có nền giáo dục thực học, thực tài, thực sự làm thay đổi giáo dục Việt Nam, tiến tới hội nhập quốc tế?

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ: UNESCO đã xác định 4 trụ cột giáo dục, gồm: Học để biết, học để làm, học cách sống cùng nhau và học để làm người. Đây được coi là triết lý giáo dục tương đối cô đọng, phù hợp với nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Học để biết tức là học cho chính mình thì không thể giả dối. Biết rồi sẽ hành động, làm ra của cải cho xã hội, giúp xã hội tiến lên, trong đó có mình. Học để chung sống là học làm người, biết sống, ứng xử trong các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội.

GS, TS Hoàng Chí Bảo: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các cháu học sinh thực chất rất sâu xa, là thông điệp về sự phát triển. Bác rất chú trọng các môn học về tinh thần, đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa. Các bức thư của Người gửi cho ngành giáo dục đều cho thấy luận điểm, tư tưởng, tinh thần lấy việc hoàn thiện con người, đạo đức, nhân cách làm cơ sở của triết lý giáo dục. Do đó, cần phải lấy việc đào tạo con người, lấy phát triển hoàn thiện nhân cách làm bản chất của nền giáo dục mới.

Chúng ta cần chính xác hóa trở lại, cần chân thực hóa những điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng. Năm điều của Bác là 5 điều khuyên chứ không phải dạy. Dạy mà không dân chủ sẽ dễ trở thành áp đặt. Đã đến lúc chúng ta phải dạy 5 điều khuyên đích thực của Bác cho tất cả các cháu. Phải dạy 5 điều này trên nền tảng của đạo đức chứ đừng chính trị hóa giáo dục.

PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

leftcenterrightdel
 Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu.

 

del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA

Nội dung: NGUYỄN HOÀI - THU HÀ - MINH NHÃ

Ảnh: NGUYỄN HOÀI - THU HÀ - MINH NHà

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ