leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

 

QĐND - Giải quyết những bất cập còn tồn tại để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nên bắt đầu từ đâu? Giải quyết như thế nào? Việc nào cần làm ngay? Vấn đề nào cần độ trễ thời gian?... là những câu hỏi cần sớm có lời giải bởi trong thế giới phát triển thần tốc, chúng ta không thể cứ mãi đi sau.

 

Nói về vấn đề này, GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử; PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đều có chung quan điểm, cách làm giáo dục theo kiểu "nói một đằng, làm một nẻo" cần sửa ngay.

leftcenterrightdel
 

Phóng viên (PV): Ông có nói đến việc sau Nghị quyết số 29-NQ/TW, đáng lẽ ra chúng ta phải có những chuyển động mạnh mẽ. Nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được đường đi tối ưu nên vẫn còn những luẩn quẩn. Theo ông, chúng ta cần làm gì để cải thiện chất lượng giáo dục Việt Nam?

GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang: Tôi cho rằng Nghị quyết số 29-NQ/TW đã rất toàn diện. Việc đầu tiên là chúng ta phải xem thiết kế đường đi thế nào thật đơn giản để thực hiện cho được nghị quyết này. Xây dựng các phương án trong đó cung cấp cho giáo dục thật nhiều tiền chưa hẳn đã tốt mà phải sử dụng tiền một cách hợp lý. Hơn nữa, trong từng lĩnh vực, nhân lực là quyết định, nhân lực chủ chốt càng quyết định. Vì thế, những người điều hành trong các lĩnh vực cần phải chọn đúng người có năng lực, hiểu biết lĩnh vực chuyên môn và có tâm huyết. Giờ Việt Nam mới đang tìm chọn người, vì thế thiết kế mô hình, đường đi cho giáo dục gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel
 

Thêm vào đó, giáo dục khác hẳn lĩnh vực khác. Các vấn đề trong giáo dục khó đồng thuận với gần 100 triệu người, vì lĩnh vực này ai cũng có thể thảo luận. Bản thân họ, rồi con cháu họ đi học nên vấn đề gì họ cũng quan tâm. Vậy làm sao tạo ra nhận thức chung? Chúng ta cần làm cho mọi người thấy rõ phải làm như thế nào một cách rõ ràng.

PV: Vậy theo ông, trước mắt Việt Nam phải làm gì?

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang: Chúng ta cần bình tĩnh đánh giá lại việc thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong ngành GD&ĐT, đặc biệt từ khi Nghị quyết số 29-NQ/TW được ban hành đến nay đã đạt được những gì. Phải có đánh giá khách quan để biết được thực chất chúng ta đã làm được gì rồi mới nói được là phải làm gì. Bây giờ người nói được, người nói chưa thì rất định tính.

Thứ hai, chúng ta phải hoàn trả lại sự tự tin cho những người làm công tác quản lý, những người làm giáo dục. Không tự tin làm họ mất phương hướng. Khi trả lời những câu hỏi mà người Việt Nam đặt ra, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nói rằng: Đấy là vấn đề các bạn phải tự giải quyết, không thể cái gì cũng đem việc của mình đi hỏi người khác. Nói nhẹ thì đây là tâm lý thiếu tự tin. Tôi cho rằng cần lấy lại sự tự tin thì mới có sáng kiến, nghĩ ra được những giải pháp có tính sáng tạo. Điều này tuy nghe rất mơ hồ nhưng thực tế lại rất đúng.

Thứ ba, để giáo dục phát triển cần sự góp sức, đồng tâm của toàn dân. Đây không phải là câu khẩu hiệu nói suông. Hiện nhân dân mới hiểu được nguyện vọng mà chưa có sự xắn tay vào cùng thực hiện. Dư luận theo hai hướng. Thứ nhất là chê trách, mắng mỏ, thậm chí sỉ vả. Rồi họ bỏ đi và cho con đi học nước ngoài. Thực ra kể cả sang Mỹ học thì nhiều trường đại học kém hơn Việt Nam. Đây không phải là lạc quan tếu mà vì ở Mỹ thành lập trường rất dễ, chất lượng một số trường vì thế thấp. Nhân dân cần chung tay với nhà nước để gánh vác. Ở đây không phải là xã hội hóa mà cần có ý thức góp sức xây dựng. Thứ hai, không phải cứ khen ngợi là tốt mà nên có những ý kiến xây dựng khoa học, khách quan.

leftcenterrightdel
 Sinh viên với các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng là trong giáo dục, đối tượng quan trọng nhất là người học, học từ mẫu giáo, phổ thông, đại học, sau đại học... Vậy làm sao quy chế tạo ra luật chơi, đồng thời điều tiết hành vi của người tham gia hoạt động giáo dục? Hiện nay, giáo dục của ta mới theo chiều từ trên xuống, còn từ dưới lên chúng ta chưa có. Người học phải ý thức sâu sắc việc mình tham gia vào hệ thống, đừng lệ thuộc vào người khác hoàn toàn, thụ động chạy theo hay bị chi phối mà cần chủ động, có những tiếng nói phản biện.

leftcenterrightdel
 
 

PV: Thưa PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, theo ông, với những vấn đề nhức nhối hiện nay của GD&ĐT, cần thay đổi bắt đầu từ đâu?

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ: Nói giáo dục của ta "nói một đằng, làm một nẻo" cũng không phải là nặng. Ở đây không nói tất cả, nhưng ở mức độ nào đó, một bộ phận nào đó trong giáo dục của Việt Nam đang là như vậy. Nên bắt đầu từ đâu? Hãy sửa những gì đang cản trở sự phát triển thì những thứ đang làm mới có thể tiến hành. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải nghiên cứu và chỉ ra cái gì phải nghe người khác nói, cái gì thấy là trở ngại. Mỗi cấp học, mỗi vấn đề phải rà soát lại để sửa.

leftcenterrightdel
 

PV: Liên quan đến triết lý giáo dục, ông có cho rằng để tìm ra giải pháp cho giáo dục Việt Nam, trước tiên chúng ta cần đưa ra được triết lý giáo dục?

GS, TS Phạm Tất Dong: Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mãi về triết lý giáo dục nhưng đến nay vẫn không mang lại kết luận. Tôi cho rằng muốn giải quyết những vấn đề giáo dục hiện nay phải đi theo con đường khác. Đó là bây giờ trong giáo dục, trước hết, những nhà lãnh đạo giáo dục cần xác định nguyên lý và hướng mọi hoạt động giáo dục theo nguyên lý đấy. Nếu những nguyên lý trước đây đúng thì phải theo. Nếu không phù hợp phải tìm ra nguyên lý mới. Ta cần vận dụng trí tuệ của các nhà khoa học, lãnh đạo mà đưa ra những nguyên lý ngắn gọn, phù hợp để đi theo. Thứ hai, phải nói rõ tính chất giáo dục mà toàn bộ chương trình, phương pháp, nội dung, SGK đều phải theo một tính chất của giáo dục...

leftcenterrightdel
 

Thêm vào đó, đồng thời với việc khẳng định các nguyên lý, tính chất của giáo dục thì phải nghiêm túc thực hiện những khẩu hiệu, ý chỉ đạo của Trung ương. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa qua có nói đến vấn đề học thật, thi thật. Theo tôi, chính là phải làm thật. Học thật tôi hiểu là học để có được hệ thống kiến thức vững chắc, phát huy năng lực cần thiết, còn học để mình không lớn lên được về mặt tri thức thì chưa phải là học. Cuối cùng, tôi cho rằng giáo dục hiện nay phải nhìn lại mình một cách kỹ lưỡng, phải lột xác, cách mạng. Hiện nay giáo dục cứ chắp vá, mà thảo luận mãi không ra. Những nhà giáo dục, lãnh đạo phải đưa ra mục tiêu chiến lược và thực hiện bằng được mục tiêu này. Chỉ cần thực hiện được mục tiêu chiến lược thì các mục tiêu khác cũng sẽ thực hiện được. Nếu cứ chạy theo mục tiêu vụn vặt mà quên mất mục tiêu chiến lược thì không được.

leftcenterrightdel
 

Ví dụ hiện nay, mục tiêu cơ bản của chúng ta là phát triển mạnh phổ thông hay đại học? Nhiều người cho rằng phổ thông là cái gốc nhưng tôi nghĩ không phải. Hiện nay, chúng ta có đến mấy trăm trường đại học rồi chứ không phải là con số 0. Cho nên mục tiêu cơ bản nhất để có được năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế thì phải từ đại học chứ không phải phổ thông. Đại học phải giúp quốc gia có đủ năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đại học phải dẫn dắt trường phổ thông theo nó. Chứ bây giờ ta đang làm ngược lại.

Sẽ đến một lúc người ta không coi trọng đầu vào trường đại học như thế nào mà coi trọng chất lượng người học và chất lượng đầu ra như thế nào. Đại học sẽ mở đến mức độ ai cũng vào học được, miễn là có bằng tốt nghiệp THPT, miễn là tích lũy đủ năng lực thì được ra trường. Đào tạo đại học để tạo ra nguồn lực cơ bản nhất của xã hội cho tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Cho nên nó phải có chức năng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về mặt chiến lược phát triển. Từ đó, giáo dục phổ thông phải đi theo chứ nay ta đang buộc đại học phải đi theo phổ thông là ngược. Vì thế, mục tiêu cơ bản nhất hiện nay là phải phát triển hệ thống giáo dục đại học cho ra giáo dục đại học thì chúng ta mới thực hiện được mục tiêu giáo dục nguồn nhân lực. Giáo dục đại học đi đôi với giáo dục thường xuyên, để mỗi người dân đều với tay tới học vấn đại học. 

PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

leftcenterrightdel
 Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, một trong những ngôi trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: Kim Chi 
 
del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA

Nội dung: NGUYỄN HOÀI - THU HÀ - MINH NHÃ

Ảnh: NGUYỄN HOÀI - THU HÀ - MINH NHà

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ