leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
 

 

QĐND - Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đặt ra mục tiêu tổng quát: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Sau nhiều năm thực hiện nghị quyết, bên cạnh những thành tựu, ngành giáo dục vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Vậy tại sao khi bàn đến cải cách, đổi mới luôn gặp những vướng mắc khó giải quyết? Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia về giáo dục cho rằng, trước tiên, chúng ta phải thấy được những thiếu sót, sai lầm.

 

Các chuyên gia: GS, TSKH, NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế.

leftcenterrightdel
 
 

Phóng viên (PV): Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và ngày càng hội nhập sâu vào thế giới. Nhìn lại những thành tựu đã đạt được của ngành GD&ĐT, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình đổi mới, ngành còn bộc lộ một số khiếm khuyết, khuyết điểm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Đổi mới, cải cách là công việc có tính chất quyết định thành bại của các nền giáo dục. Việt Nam cũng vậy. Vì chúng ta xuất phát điểm sau các nước, khi bước vào thời kỳ đổi mới, Việt Nam xếp hạng giáo dục ở khoảng 170 trên tổng số 190 nước. Vậy thì chúng ta vượt lên bằng cách nào? Tất nhiên, không thể bằng cơ bắp, mà phải bằng trí tuệ của người Việt Nam. Mà trí tuệ của người Việt Nam thì rõ ràng lịch sử đã chứng minh chúng ta là dân tộc luôn tìm ra con đường đi của mình để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Khả năng trọng học, hiếu học cần được chúng ta xem là tài nguyên. Chúng ta thấy cần, đồng thời thấy có thể để đầu tư vào giáo dục và bứt phá vươn lên. Do đó phải đổi mới.

leftcenterrightdel
 

Sau Nghị quyết số 29-NQ/TW có rất nhiều điều phải làm, nhưng quan trọng nhất là chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực. Đáng lẽ ra, sau khi Nghị quyết 29 được thông qua, chúng ta phải có những chuyển động mạnh mẽ. Nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được đường đi tối ưu nên vẫn còn những luẩn quẩn, trong đó có những hạn chế. Đó là có sự ngập ngừng, chưa dứt khoát là phải làm thế nào. Điều này do nhận thức của chúng ta chưa đồng đều. Mỗi người hiểu vấn đề theo một cách.

PV: Ông hãy phân tích cụ thể hơn những tồn tại, hạn chế của giáo dục Việt Nam hiện nay?

GS, TSKH Vũ Minh Giang: Nếu nhìn lại sẽ nhận thấy chúng ta đã ở một thời gian quá lâu trong tiếp cận giáo dục nội dung, xoay quanh kiến thức (cụ thể). Tức là thiếu gì dạy nấy. Vì thế, hệ quả là ba lô đi học của trẻ to đùng... Mà ngày nay khoa học bùng nổ hằng ngày, cứ nhồi nhét kiến thức thì trẻ làm sao chịu nổi. Hiện tượng ứ kiến thức là hệ quả của việc chúng ta dừng quá lâu ở việc tiếp cận nội dung. Các thế hệ ta học theo cách này là “tầm chương trích cú”, không thể vận dụng vào thực tiễn. Trong khi thực tiễn là trên nền tảng kiến thức cơ bản phải dạy trẻ cách ứng xử với cuộc sống. Tức là phải khơi dậy năng lực.

leftcenterrightdel
Nghị quyết số 29-NQ/TW chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực. 

Điều này dẫn đến hệ lụy là học sao thi nấy. Tồi tệ hơn là sinh ra những người chỉ biết học thuộc như vẹt; những người cầu may, chỉ học tủ, hệ quả sinh ra không ít những người lười và những người gian manh. Nhưng nhìn ở góc độ khác, rất có thể, những loại người này khi "trúng tủ" rất có thể trở thành những người chiếm lĩnh “bảng vàng” của các kỳ thi, đợt thi. Nếu như vậy thì chúng ta không tìm ra được người giỏi. Hệ lụy nữa của việc tiếp cận nội dung là không sử dụng được công nghệ vì chương trình học nhồi nhét học sinh nhớ nhiều kiến thức trên sách vở nên không khai thác được những kiến thức mới từ công nghệ và làm lười người thầy. Người thầy cho rằng những điều mình dạy là hoàn hảo rồi, học trò có cái mới cũng không được phép. Như vậy, ngành giáo dục đi lạc khỏi sự phát triển của khoa học công nghệ; khó tìm ra tài năng thực sự.

leftcenterrightdel
 
 

PV: Nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung như hiện hành, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thể hiện quan điểm trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp và dân chủ trên bình diện mục tiêu hình thành, phát triển năng lực thực tiễn cho người học. Bên cạnh kết quả bước đầu, chúng ta có thể thấy những khó khăn, bất cập nhất định sau một năm chương trình mới được triển khai từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

GS, TS Phạm Tất Dong: Có thể nói, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng một cách bài bản, tiệm cận chuẩn thế giới. Song, việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học là công việc khó khăn và thách thức. Tôi cho rằng rắc rối nhất của chương trình mới hiện nay là vấn đề sách giáo khoa. Trong khi chúng ta đòi hỏi người học phải học thật thì sách giáo khoa lại dạy người học nội dung không hay, thậm chí chưa đúng. Vậy người học sẽ học thật như thế nào? Tôi rất mong tới đây, Quốc hội sẽ đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này. Nếu không tháo gỡ thì tôi e rằng, năm học 2021-2022 tới đây, khi chương trình mới áp dụng với lớp 2 và lớp 6 sẽ lại vướng phải những nhùng nhằng.

leftcenterrightdel
 

Bên cạnh đó, thực trạng của giáo dục hiện nay còn chưa bắt kịp nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề quan trọng là các trường đại học và các doanh nghiệp đang bắt đầu đào tạo công dân toàn cầu. Đất nước đang trong giai đoạn thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, hướng tới người dân là trung tâm của chuyển đổi số thì chúng ta chưa bàn tới công dân toàn cầu là gì, mục tiêu của giáo dục trong chuyển đổi số ra sao? Về vấn đề này, tôi cho rằng ngành giáo dục chưa nhạy bén. Vừa rồi, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2020. Theo đó, Bộ GD&ĐT có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất trong số 17 bộ, cơ quan ngang bộ; giảm 6 bậc so với một năm trước. Điều này cho thấy, công tác quản lý của ngành còn yếu, chậm cải tiến, đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải có những bước tiến để nền giáo dục đất nước hoạt động hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
Tự chủ cũng là vấn đề bức thiết đặt ra đối với tất cả các bậc học từ mầm non. 

PV: Như phân tích ở trên thì cơ chế quản lý chưa hợp lý có phải là một trong số nguyên nhân dẫn tới những tiêu cực của ngành giáo dục kéo dài trong nhiều năm qua, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi đồng tình với quan điểm của hai giáo sư. Vấn đề cốt lõi của giáo dục là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Phải đặt vai trò của giáo dục đúng tầm và thực hiện bằng hành động quyết liệt thì mới có thể thành công, còn vẫn loay hoay và đổi mới nửa vời thì không thể có một nền giáo dục khởi sắc. Để giáo dục phát triển theo đúng yêu cầu cất cánh cùng đất nước, trước hết phải tháo gỡ bằng đầu tư, bằng cơ chế quản lý. Trong đó, tự chủ là động lực để thúc đẩy sự phát triển vươn lên của mỗi cơ sở giáo dục, tự chủ không phải chỉ với mỗi giáo dục đại học mà là vấn đề bức thiết đặt ra đối với tất cả các bậc học từ mầm non, tiểu học đến trung học.

leftcenterrightdel
 

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hạn chế của giáo dục Việt Nam trong những năm qua là để những mặt tiêu cực của ngành kéo dài hết năm này sang năm khác không khắc phục được, làm giảm niềm tin của xã hội với giáo dục. Giáo dục của chúng ta không được phát triển trên quy luật tích cực của nền kinh tế thị trường là luôn tạo ra những giá trị, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua. Trái lại chúng ta lại bị mặt trái của nền kinh tế thị trường chi phối, dẫn dắt. Chúng ta luôn nói giáo dục toàn diện nhưng thực chất chỉ dạy chữ, chạy theo thành tích, bằng cấp; không tập trung vào dạy người nêu cao giá trị nhân văn của thầy và trò. Ngành giáo dục luôn phải chống trả với nạn lạm thu, nạn thiếu trung thực trong thi cử, nạn bạo lực học đường...

leftcenterrightdel
Đặt vai trò của giáo dục đúng tầm và hành động quyết liệt mới có thể thành công.
leftcenterrightdel
 

Triết lý giáo dục Việt Nam hiện nay không chỉ quán triệt được đường lối, quan điểm giáo dục đúng đắn mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định, nó vừa kế thừa truyền thống dân tộc, vừa hội nhập quốc tế và đặc biệt phải thể hiện được cơ chế quản lý đặc thù cho giáo dục có điều kiện tự phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội và huy động được nhiều nguồn lực cho xã hội. Trước mắt, nếu giáo dục Việt Nam không được thay đổi cơ chế quản lý, không xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tâm huyết, sáng tạo thì chắc chắn giáo dục vẫn còn tụt hậu, khó đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho công cuộc cách mạng 4.0 của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

leftcenterrightdel
 Chăm lo cho giáo dục vùng sâu, vùng xa.

 

del
Thông tin tác giả

Chỉ đạo thực hiện: Đại tá NGÔ ANH THU, Phó tổng biên tập

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN XUÂN HÒA

Nội dung: NGUYỄN HOÀI - THU HÀ - MINH NHà

Ảnh: NGUYỄN HOÀI - THU HÀ - MINH NHà

Kỹ thuật, đồ họa: KHÁNH HÀ