Chuẩn bị chu đáo, tâm lý vững vàng

Sáng 22-2, lãnh đạo, chỉ huy các bệnh viện, các cơ sở y tế, các nhà khoa học và hàng trăm nhà báo trong và ngoài quân đội đến tham dự buổi gặp mặt báo chí về ca ghép phổi thành công từ người cho sống đầu tiên ở Việt Nam tại HVQY. Những người có mặt tại buổi gặp mặt đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các thầy thuốc quân đội trước sự thành công, bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng khi HVQY tiếp tục là đơn vị tiên phong trong kỹ thuật ghép phổi. Thế nhưng, khi nói về thành tích ấy, Thiếu tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc HVQY lại rất khiêm tốn. Anh Quyết cho rằng, thành công này không chỉ của HVQY mà còn là sự quan tâm, tạo điều kiện rất lớn của các cấp, các ngành, sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

leftcenterrightdel
Các thầy thuốc của Học viện Quân y và Trường Đại học Okayama (Nhật Bản) thực hiện ca ghép phổi cho bệnh nhân Ly Chương Bình. Ảnh: ĐÌNH TÙNG 

Theo Thiếu tướng Đỗ Quyết, để chuẩn bị cho ca ghép phổi, từ tháng 6 đến tháng 10-2016, HVQY đã tích cực, chủ động xây dựng đề cương nghiên cứu, cử cán bộ đi khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về ghép phổi tại Bệnh viện Đại học Okayama (Nhật Bản) đồng thời mời các đoàn chuyên gia của bạn sang trao đổi kinh nghiệm, tư vấn về ghép phổi cho các y sĩ, bác sĩ thuộc HVQY. Tiếp theo đó, tháng 11-2016, HVQY đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não”, thuộc Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Sau khi nhận nhiệm vụ, HVQY đã chủ động, tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, các loại trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất, đồng thời cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người tại Bệnh viện Đại học Okayama của Nhật Bản. Ở trong nước, HVQY đã liên hệ, phối hợp với các bệnh viện để lựa chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, đồng thời tuyên truyền cho gia đình, thân nhân người bệnh.

Với quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, sự vào cuộc đồng bộ, khoa học của các thầy thuốc quân đội, ngày 21-2, kíp bác sĩ, kỹ thuật viên của HVQY cùng sự phối hợp, giúp đỡ của các chuyên gia Trường Đại học Okayama (Nhật Bản), HVQY đã tiến hành ca ghép phổi cho bệnh nhân là cháu Ly Chương Bình, 7 tuổi, người dân tộc Dao, ở thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Bệnh nhân Ly Chương Bình bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi, biến chứng suy hô hấp, tâm phế mạn, suy dinh dưỡng độ III, được chỉ định ghép phổi. Hai người cho phổi là bố đẻ và bác ruột của cháu Bình, đó là anh Ly Cù G. và Ly Cù T. Ca ghép được tiến hành từ 7 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút, ngày 21-2, đã thành công tốt đẹp. Sau ghép, sức khỏe bố và bác ruột của cháu Ly Chương Bình đều tốt. Cháu Ly Chương Bình đang được điều trị tích cực. Hiện tại, các chỉ số sinh tồn đều ổn định. “Thành công của ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam là món quà ý nghĩa nhất chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam của cán bộ, y sĩ, bác sĩ HVQY”-Thiếu tướng Đỗ Quyết nói với chúng tôi.

Mở ra chương mới về ghép tạng

Tại buổi gặp mặt báo chí, cùng chia vui với cán bộ, y sĩ, bác sĩ HVQY, Trung tướng, GS, TS Phạm Gia Khánh, nguyên Giám đốc HVQY, hiện là Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”, cho biết: "Ghép tạng là kỹ thuật cao nhất, phức tạp nhất trong y học. Ghép tạng không chỉ đơn giản là việc lấy tạng người này ghép cho người khác, mà còn đòi hỏi rất nhiều trình độ, kỹ thuật về nội khoa và ngoại khoa, về gây mê hồi sức… Vì thế, việc ghép tạng thành công là một dấu mốc quan trọng khẳng định sự tiến bộ, trình độ y khoa tổng thể, trình độ của con người trong cơ sở y tế đó. Đến nay, tại Việt Nam, chúng ta đã ghép được 5/6 tạng (ngoài ruột) và HVQY luôn là đơn vị tiên phong thực hiện nhiệm vụ nặng nề, nhưng rất vẻ vang này...".

Chúng tôi được biết, so với các nền y học tiên tiến trên thế giới, trong lĩnh vực ghép tạng, chúng ta đi sau họ ít nhất cũng vài chục năm. Do đó, thành công của ca ghép phổi đầu tiên, nối tiếp những thành công trong kỹ thuật ghép tạng trước đây là sự nỗ lực phi thường của các thầy thuốc quân đội. Đây sẽ là nền tảng quan trọng, là bước đi vững chắc để HVQY nói riêng, nền y học nước nhà nói chung sánh vai cùng các nước có nền y học tiên tiến trong lĩnh vực ghép tạng.

Đánh giá cao trình độ của các cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên của HVQY, Giáo sư Oto Takahiro thuộc Trường Đại học Okayama khẳng định: Qua thời gian phối hợp, công tác với đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ của HVQY, nhất là quá trình phối hợp thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các bác sĩ, kỹ thuật viên của HVQY có trình độ tay nghề cao, làm việc chuyên nghiệp và khoa học. Chắc chắn trong thời gian không xa, HVQY hoàn toàn có thể làm chủ kỹ thuật ghép phổi. Trường Đại học Okayama và Trung tâm ghép phổi của Trường Đại học Okayama sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với HVQY trong đào tạo y sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên trong lĩnh vực ghép tạng và trong đào tạo cán bộ y-dược.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Theo Thiếu tướng Đỗ Quyết, từ thành công của ca ghép phổi đã mở ra hướng đi mới cho các cơ sở y tế để tiến hành kỹ thuật ghép phổi cho các bệnh nhân có chỉ định ghép phổi. Song khó khăn lớn nhất của nhiều khó khăn trong lĩnh vực ghép tạng nói chung, ghép phổi nói riêng vẫn là nguồn tạng khan hiếm của người cho. Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Đỗ Quyết mong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động về việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người... để ngành y có đủ nguồn tạng cứu chữa bệnh nhân và có điều kiện nghiên cứu nâng cao trình độ y khoa, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chứng kiến những nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên HVQY nói riêng, ngành y tế nước nhà nói chung, chúng tôi cho rằng, với sự thành công trong ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam tại HVQY hôm nay, nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự quan tâm của toàn xã hội một cách thiết thực, chắc chắn trong tương lai không xa, chúng ta sẽ tiến thêm những bước dài trong lĩnh vực ghép tạng, thu hẹp dần khoảng cách với nền y học thế giới.

TIẾN ĐẠT