Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, mới đây Trung tâm Chống độc đã cấp cứu bệnh nhân N.T.N (61 tuổi, ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội) bị một bầy ong khoái tấn công. Bệnh nhân bị ong đốt gần 300 nốt trên toàn cơ thể và đã được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng nhiễm độc đang xảy ra ồ ạt: Hồng cầu bị vỡ, cơ bị tổn thương ồ ạt và máu bị rối loạn rất sớm. Tuy nhiên, do được đưa đến viện sớm và điều trị tích cực: Thay huyết tương, xả dịch truyền và bào niệu tích cực, lọc máu liên tục, dùng thuốc... nên sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục, xuất viện.

Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Mẫu ong đốt bệnh nhân N.T.N đã được các chuyên gia sinh học xác định là ong khoái hay ong mật khổng lồ Đông Nam Á, tên khoa học là Apis Dorsata. Tuy là loài ong mật nhưng cũng độc không thua kém ong vò vẽ, ong bắp cày. Ở Việt Nam, đặc biệt ở phía Bắc, số lượng bệnh nhân bị ong đốt phải nhập viện tăng mạnh vào mùa thu với nhiều loại ong có chứa độc tố mạnh như ong vò vẽ, ong khoái, ong bắp cày... Đáng chú ý là người dân khi lao động hay tiếp xúc trong môi trường tự nhiên thì không để ý khiến bị ong đốt với số lượng lớn, rất dễ bị nhiễm độc. Nọc độc của ong gây hại đến tất cả cơ quan trong cơ thể, cần điều trị sớm, tích cực ngay tại y tế cơ sở. Các trường hợp diễn biến nặng cần được chuyển lên tuyến trên để can thiệp kịp thời. Biện pháp điều trị rất đơn giản ngay tại cộng đồng là sau khi bị ong đốt nên nhanh chóng uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước có chất khoáng, chất muối, nước canh, orezol và khẩn trương tới y tế cơ sở. Biện pháp điều trị quan trọng tại cơ sở là cần nhanh chóng bù đủ dịch, đủ nước và dùng thuốc lợi tiểu cho bệnh nhân. Những trường hợp nặng hơn cần đánh giá, kiểm tra, theo dõi kỹ, thay huyết tương sớm với các trường hợp hàng trăm nốt đốt nếu cần. Do đó, việc bù muối, bù nước cho nạn nhân ngay sau khi bị ong đốt rất quan trọng. Điều trị tích cực nhanh chóng ngay tại tuyến trước bằng cách truyền đủ dịch và cho bài niệu tích cực là yếu tố sống còn để cứu sống bệnh nhân, hạn chế khỏi các tổn thương nguy hiểm đến tính mạng và mau hồi phục.

Lưu ý, nếu người bị ong đốt có những biểu hiện như: Bị ong đốt nhiều nốt (thường trên 10 nốt đốt), hoặc đốt ở các vị trí “yết hầu”của đường hô hấp như vùng đầu, mặt, cổ, hoặc sau đốt kể cả một nốt nhưng có biểu hiện mẩn ngứa hoặc đỏ da, khó thở, chóng mặt, hoa mắt, cần đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Các thắc mắc về sức khỏe xin gửi về Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng Biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.