Về vấn đề này, bác sĩ Vũ Thị Thanh Bình, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Đa khoa Quốc tế Việt - Nga (Tập đoàn Y tế Việt - Nga) cho biết, ráy tai là lớp chất bẩn tự nhiên được hình thành trong ống tai để bảo vệ màng nhĩ khỏi bụi bẩn, côn trùng và vi khuẩn. Tuy nhiên, việc lấy ráy tai cho trẻ không đúng cách có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Bố mẹ không nhất thiết phải lấy ráy tai cho trẻ bởi ống tai cũng như da, có tiết nhầy, tiết mồ hôi và ráy tai là lớp chất bẩn tự nhiên được hình thành trong ống tai để bảo vệ màng nhĩ khỏi bụi bẩn, côn trùng và vi khuẩn.

Do đó, việc nhiều cha mẹ thường xuyên vệ sinh tai cho trẻ là điều không cần thiết. Động tác vệ sinh tai cho trẻ nên hết sức thận trọng, tránh tổn thương tai cho bé. Thậm chí, việc lấy ráy tai sai cách còn vô tình làm đẩy sâu các chất bẩn đó vào bên trong.

leftcenterrightdel

Bác sĩ tư vấn cho phụ huynh phương pháp lấy ráy tai cho trẻ. Ảnh: VIỆT NGA 

Các bậc phụ huynh thường mắc một số sai lầm khi vệ sinh tai cho trẻ cần thay đổi. Đó là sử dụng tăm bông - đây là sai lầm phổ biến nhất, bởi tăm bông có thể đẩy ráy tai sâu hơn vào trong ống tai, thậm chí làm trầy xước hoặc thủng màng nhĩ. Hoặc dùng các vật sắc nhọn như kẹp tóc, tăm nhọn, móc tai... để lấy ráy tai cho trẻ, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho ống tai và màng nhĩ.

Ngoài ra, việc vệ sinh tai quá thường xuyên có thể làm mất đi lớp ráy tai bảo vệ, khiến tai dễ bị khô và ngứa. Chỉ nên lấy ráy tai cho trẻ trong trường hợp ráy tai nhiều quá làm bít tai, làm viêm ống tai hoặc khó nghe. Lúc này, thính lực của trẻ có thể bị giảm, trẻ có thể mất khả năng nghe tạm thời.

Với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn học nói, nút ráy tai để quá lâu có thể khiến bé chậm nói.

Cha mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để lấy ráy tai để không gây tổn thương bên trong tai cho bé, tuyệt đối không nên lấy ráy tai ở những nơi không có chuyên môn như tiệm làm tóc. Thực tế, nhiều trường hợp đã phải tìm tới trung tâm y tế để xử lý sau khi lấy ráy tai ở quán cắt tóc, spa bị trầy xước và tổn thương ống tai gây ra các bệnh như nhọt ống tai, viêm ống tai. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu như đau tai, chảy dịch tai, ù tai, sưng đỏ tai, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức, không tự ý sử dụng thuốc nhỏ tai hoặc các phương pháp điều trị khác mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Vào thời điểm giao mùa như hiện nay, khi thời tiết thay đổi thất thường, trẻ cần đặc biệt chú ý tới các vấn đề liên quan đến tai mũi họng như cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho khan, ho có đờm, viêm phế quản cấp... Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm hơn.

Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn, kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735.