Đại tá, PGS, TS PHẠM ĐÌNH ĐÀI, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y): Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

 Những năm qua, Bệnh viện Quân y 103 đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực nhằm cải thiện chất lượng phục vụ người bệnh. Bệnh viện tập trung đổi mới về quản trị thông qua việc thiết lập hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khoa, phòng, ban, trung tâm, viện trực thuộc Bệnh viện; xây dựng chất lượng dịch vụ đa dạng, lấy người bệnh làm trung tâm để chăm sóc và điều trị; cải cách quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính. Bệnh viện chú trọng phát triển đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi kiến thức, nâng cao chuyên môn. Những hoạt động này nhằm hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa khả năng phối hợp, đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị chuẩn xác. Bên cạnh việc phát triển đội ngũ y tế, quy trình tổ chức đón tiếp và khám, chữa bệnh (KCB) cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, mang lại cảm giác thoải mái, yên tâm cho bệnh nhân.

Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 chuyên cấp cứu, điều trị, can thiệp mạch thần kinh, dự phòng đột quỵ, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não và nguy cơ mắc đột quỵ não, với số lượng 2.200-2.500 lượt bệnh nhân/năm. Các bác sĩ phải luôn tiếp cận những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ của thế giới, thậm chí quyết định áp dụng kỹ thuật mới trong thời gian nhanh nhất có thể để cứu sống người bệnh. Điển hình như ứng dụng điều trị tiêu huyết khối, can thiệp mạch máu não hoặc đặt stent động mạch, giúp nong rộng vị trí mạch máu bị hẹp do xơ vữa, can thiệp nút phình mạch bằng coil...

Trong nhiều trường hợp khẩn cấp cần khẩn trương can thiệp mạch để cứu lấy tính mạng người bệnh nhưng gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi quyết định phải cứu người trước, vì đây là trách nhiệm lớn nhất của ngành y. Cứ mỗi ngày trôi qua, có thêm một bệnh nhân đột quỵ trở lại cuộc sống bình thường, chúng tôi càng tin vào lựa chọn của mình. Hiện nay, tất cả các kỹ thuật cao trên thế giới về điều trị đột quỵ đều được bác sĩ của Khoa triển khai và thực hiện thành công. Năm 2019, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 trở thành trung tâm đột qụy đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng Bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới. Tiếp đó, năm 2020, Khoa tiếp tục vinh dự giành được giải thưởng danh giá này.

leftcenterrightdel
 Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân xã Xín Chải (Vị Xuyên, Hà Giang). Ảnh: TIẾN THẮNG

Bác sĩ chuyên khoa 2 TRỊNH ĐĂNG ANH, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk: Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk là bệnh viện chuyên khoa hạng 2, được thành lập năm 1982, có nhiệm vụ KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Trong những năm qua, Bệnh viện luôn quan tâm mở rộng quy mô, từng bước nâng cao chất lượng KCB để phục vụ người dân. Với tập thể đoàn kết một lòng, cán bộ, viên chức Bệnh viện luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ngoài công tác KCB, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk còn thường xuyên giao lưu, hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong ngành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, vì sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó, Bệnh viện thường xuyên quan tâm, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc trên địa bàn. Với tinh thần "tương thân tương ái", cán bộ, viên chức Bệnh viện hỗ trợ các Quỹ đoàn kết tương trợ công đoàn, Quỹ bảo trợ xã hội, Quỹ vì người nghèo, ủng hộ thiên tai...

Thời gian tới, Bệnh viện tập trung vào công tác phát triển chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ trong thăm khám, điều trị cũng như bào chế thuốc; thực hiện kết nối thông tin giữa bệnh nhân và thầy thuốc để tư vấn, điều trị tốt hơn khi chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Hiện tại, Bệnh viện đã tự chủ về tài chính và tới đây sẽ tiếp tục cải cách công tác tài chính để nâng cao thu nhập và đời sống của cán bộ, nhân viên. Tích cực tham gia công tác cộng đồng, thăm khám và tư vấn miễn phí cho bà con vùng xa xôi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mọi người đều được chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

-----------------------

Đồng chí NGUYỄN MẠNH HÙNG, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng: Chăm lo vật chất và tinh thần đối với đội ngũ y, bác sĩ

  Bảo Lạc là huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là dân tộc thiểu số, dân trí thấp, còn nhiều tập tục lạc hậu nên ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe và KCB cho đồng bào. Bên cạnh đó, huyện thiếu đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Ở tuyến y tế cơ sở, vật chất còn hạn chế và thiếu thốn, từ thiết bị, phương tiện, thuốc men cho đến phòng ốc; số người đến khám và chữa bệnh ở đây khá thưa, chủ yếu là các bệnh thông thường hoặc các trường hợp sơ cứu.

Thực tế đó ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở: Thiếu trải nghiệm, thiếu động lực phấn đấu, thiếu nguồn thu để cải thiện thu nhập, thiếu sức thu hút nhân sự y tế có chuyên môn cao về công tác tại trạm... Đội ngũ y, bác sĩ ở đây chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn và áp lực bởi tính chất công việc đặc thù của ngành nghề. Một số người vì điều kiện riêng không tiếp tục mặc áo blouse trắng hoặc không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở các cơ sở y tế công lập, ở các trạm y tế. Đồng thời, cũng sẽ có những người không thể toàn tâm toàn ý, không thể tận tụy, hy sinh cho công tác KCB, thậm chí có thể có những “méo mó” nhất định... Do đó, chúng ta cần tiếp tục có những giải pháp chăm lo cho đội ngũ y tế cơ sở với sự đột phá, quyết liệt hơn nữa. Cần có biện pháp song hành hợp lý và hiệu quả giữa chăm lo vật chất và tinh thần, giữa tạo môi trường hoạt động thuận lợi với xây dựng cơ hội thăng tiến về mặt nghề nghiệp.

-------------------------

Thiếu tá QNCN PHAN ANH TUẤN, cán bộ quân y phụ trách Trạm xá Quân dân y kết hợp, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình): Bác sĩ quân y phải là "điểm tựa” của đồng bào vùng biên giới

 Trạm xá quân dân y kết hợp có nhiệm vụ phối hợp với y tế địa phương chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Trước đây, bà con ở đây đau ốm thường tìm đến những phương thức chữa trị phản khoa học như cúng bái, uống lá rừng không rõ tác dụng, không những không chữa được bệnh mà còn khiến sức khỏe của người bệnh xấu đi. Từ khi có trạm xá, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, hầu hết người dân mỗi khi có bệnh là tới đây thăm khám. Trung bình mỗi tháng, Trạm xá Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo khám, cấp thuốc miễn phí cho khoảng 150 người dân trong vùng.

Chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với trạm y tế các xã biên giới để tuyên truyền, vận động người dân hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân khi ốm đau, bệnh tật, kết hợp vận động khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nhất là ở các thôn, làng xa xôi, chúng tôi cũng thường xuyên đến tận nhà để thăm khám những bệnh thông thường và cấp phát thuốc miễn phí, còn đối với những bệnh nặng sẽ hướng dẫn chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Bản thân tôi thấy, nếu mình tận tụy, chu đáo, gần gũi, gắn bó mật thiết với đồng bào thì sẽ được đồng bào vùng biên giới yêu thương, coi như người con ruột thịt của thôn, làng mình vậy, để từ đó góp phần gắn kết thêm tình quân, dân nơi biên giới.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.