Các bài viết của ông phác họa sinh động chân dung, đời sống tinh thần và giá trị tác phẩm văn chương của các nhà văn nên gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực phê bình văn học. Bởi, có được điều này là do khi viết về các nhà văn tiêu biểu (trong đó có các nhà văn quân đội), bên cạnh việc miêu tả tinh thần hy sinh, phấn đấu, tấm lòng cao cả vì nghĩa lớn, thẩm mỹ trong sáng tạo văn chương, người viết còn cho độc giả biết những giá trị sáng tạo của các nhà văn đã đóng góp như thế nào vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Do vậy, ngoài kiến văn nhất định đòi hỏi người cầm bút cần có vốn sống được tích lũy qua sự từng trải trên nhiều địa bàn của đất nước. Ở Nguyên An đã hội tụ được cả hai yếu tố đó.

Cuốn sách “Sương lại càng long lanh” của nhà phê bình Nguyên An (sách trong chương trình đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng, năm 2020) là tập tiểu luận và chân dung văn học dày 448 trang, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành quý IV-2020; tập hợp 30 bài viết về chân dung 29 nhà văn thuộc lực lượng vũ trang mà tác phẩm của họ gắn liền với chủ đề văn học về người lính và đã trở nên quen thuộc, gần gũi với công chúng trong suốt mấy chục năm qua. Những trang văn đầy ắp tư liệu sống động, những câu chuyện đời, chuyện nghề chân tình, xúc động được nhà phê bình Nguyên An gửi tới độc giả bằng một giọng văn tâm tình, tha thiết.

Bình yên tuổi thơ là những cánh đồng ngát hương lúa. Nguồn: qdnd.vn 

Những trang văn cho thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn về những cống hiến, sáng tạo, những hy sinh thầm lặng mà lớn lao của các thế hệ cầm bút từng gắn bó máu thịt với nhân dân qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc. Đó là những cây bút mà sau này thành những tác giả, những tài năng được thời gian khẳng định, như: Thôi Hữu, Chính Hữu, Quang Dũng, Trần Hữu Thung, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu... Đó còn là những nhà văn cầm súng thời chống Mỹ, cứu nước, như: Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Đỗ Chu, Vương Trọng, Khuất Quang Thụy... Mỗi người một vẻ, tài năng và thành tựu tuy có mức độ khác nhau nhưng họ tập hợp thành một lực lượng đông đảo, góp phần tạo nên diện mạo của lớp nhà văn mặc áo lính với các tác phẩm văn học còn mãi với thời gian.

Xin được dùng những câu thơ của nhà thơ chân quê xứ Nghệ Trần Hữu Thung thay cho cảm thụ cá nhân sau khi đọc cuốn sách “Sương lại càng long lanh”, cùng viết về một thế hệ đã bước đi và long lanh, tỏa sáng trên những chặng đường đồng hành với Tổ quốc và nhân dân: “Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh” (trích bài thơ "Thăm lúa", năm 1950). Vì là sách không bán nên độc giả yêu sách có thể tìm đọc qua hệ thống thư viện trong và ngoài quân đội trên phạm vi cả nước.

LÊ AN KHÁNH