Là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó dự đoán. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam đã hứng chịu hơn 20 thiên tai trong năm 2016 nói riêng, bao gồm hạn nặng, lũ lụt và xâm nhập mặn.
Trong khi đó, gần 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và hơn 40% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động mà thiên tai để lại về mặt lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho cuộc sống, sức khỏe, tâm lý của người dân, trong đó có trẻ em. Những khó khăn về kinh tế của gia đình khiến trẻ có nguy cơ phải nghỉ học, tham gia các hoạt động kinh tế giúp đỡ gia đình. Theo báo cáo khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê thực hiện: Có 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em ở nước ta…
Việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em trong thảm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong phòng ngừa thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chiến lược về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ trẻ em và gia đình trong tình trạng khẩn cấp do thiên tai… Đặc biệt, việc bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội. Năm 2016, Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, trong đó có quy định cụ thể về việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Cũng trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020…
Giám đốc ILO tại Việt Nam Chang-Hee Lee cũng kêu gọi sự vào cuộc của xã hội, hợp tác trên nhiều lĩnh vực chính sách ở các cấp khác nhau, bao gồm hỗ trợ tài chính, tập huấn chuẩn bị ứng phó, thành lập các nhóm hỗ trợ cộng đồng và các cơ chế kiểm tra điều kiện, an toàn lao động trong các chương trình phục hồi kinh tế để bảo vệ trẻ em.
Theo ông Chang-Hee Lee, các giải pháp nên tập trung vào xác định các vấn đề cụ thể và các trường hợp lao động trẻ em để cải thiện sự phối hợp, giám sát và thu thập dữ liệu về bảo vệ trẻ em và lao động trẻ em.
Tin, ảnh: BĂNG CHÂU