Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND  tỉnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân và đại diện những người con quê hương huyện Khoái Châu, là các tướng lĩnh đang công tác tại các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị kết nghĩa, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đông đảo nhân dân địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND  tỉnh Hưng Yên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen của Thủ tướng tặng cán bộ, nhân dân huyện Khoái Châu.

Huyện Khoái Châu được hình thành vào thời kỳ trước Hùng Vương, có vị trí địa lý quan trọng, thuộc Trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ và nhân dân huyện Khoái Châu đã phát huy truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa đầy nhân văn. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Khoái Châu luôn giàu lòng yêu nước, anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Sự ra đời của chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên năm 1929 tại Cây đa Sài Thị (xã Thuần Hưng) đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng huyện Khoái Châu, là sự khởi đầu cho phong trào Cách mạng của cả tỉnh Hưng Yên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Khoái Châu, của các cơ sở Việt minh, các tầng lớp nhân dân khắp các thôn, xã trong huyện đã đứng lên tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 20–8–1945, chính quyền cách mạng lâm thời huyện Khoái Châu được thành lập. Ngày 26–3–1946, Đảng bộ huyện Khoái Châu được thành lập. Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã nhất tề hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức lực lượng tự vệ, chiến đấu kiên cường để giải phóng quê hương. 

Quang cảnh buổi lễ.

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng.

Trong các cuộc kháng chiến và giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đã có 25.000 người con ưu tú của Khoái Châu lên đường nhập ngũ; hơn 2.359 thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài chiến trường; 3.714 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh; có 7 xã được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đảng bộ và các lực lượng vũ trang nhân dân huyện Khoái Châu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước ghi nhận và phong tặng Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần làm rạng rỡ truyền thống Bãi Sậy kiên cường.

Hòa bình lập lại, cùng với cả nước, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức lao động, sản xuất phát triển kinh tế, xã hội.

Từ ngày 1-9-1999, huyện Khoái Châu được tái lập theo Nghị định số 60/1999/NĐ-CP ngày 24-7-1999 của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính và chia tách các huyện Châu Giang và Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên để tái lập các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Mỹ Hào, Văn Lâm, Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Những ngày đầu mới tái lập, huyện Khoái Châu gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém, không đồng bộ, sản xuất lạc hậu, manh mún… Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của MTTQ và các đoàn thể chính trị, sự nỗ lực vươn lên của các tầng lớp nhân dân trong huyện. Sau 20 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Khoái Châu đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND thay mặt các tướng lĩnh và những người con quê hương Khoái Châu đang công tác tại các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tặng hoa chúc mừng.

Sau 20 năm tái lập, kinh tế của huyện Khoái Châu luôn có bước phát triển, từ một huyện xuất phát điểm kinh tế thấp, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm là 11%. So với khi mới tái lập huyện, mức thu nhập bình quân đầu người tăng 17,95 lần (năm 2000 là 3,9 triệu đồng/năm, đến năm 2019 ước đạt 70 triệu đồng/năm). Năm 2000, huyện Khoái Châu vẫn là huyện thuần nông chưa phát triển công nghiệp (CN), đến nay giá trị sản xuất CN – tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đã đạt 1.560 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019. Thu ngân sách tăng hơn 111,67 lần (năm 2000 là 6,1 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 đã thu được 82,39% kế hoạch năm, dự kiến hết năm 2019 sẽ vượt dự toán được giao 681,226 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, TTCN, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, năm 2000 cơ cấu kinh tế nông nghiệp 57,6%, TTCN 14,6%, thương mại dịch vụ, xây dựng 27,8 %; đến năm 2019 chuyển dịch tương ứng nông nghiệp 17,03%, CN, TTCN, XD 45,04%, TM DV 37,9%.

Ngành nông nghiệp được định hướng và phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng hàng hóa, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm hiệu quả, bền vững và nâng cao đời sống của nhân dân. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực, giảm dần diện tích lúa, tăng diện tích các loại cây trồng thay thế như: Chuối, nhãn muộn, cây có múi, cây màu và cây dược liệu... Diện tích cây đặc sản, thế mạnh của huyện tăng nhanh với 3.545ha. Huyện đã hoàn thành xây dựng nhãn hiệu nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, gà Đông Tảo, nghệ Chí Tân. Các mô hình kinh tế trang trại phát huy hiệu quả; chăn nuôi thực sự trở thành ngành chính, xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2018 đạt 2.058 tỷ đồng. So với khi mới tái lập huyện, mức thu bình quân trên 1ha đất canh tác tăng 6,48 lần; nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao từ 500 đến hơn 1 tỷ đồng/ha.

Đến nay đã có 22/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 91,6%; huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới.

Cùng với phát triển nông nghiệp, công nghiệp – TTCN – thương mại dịch vụ có bước tiến đáng kể. Từ một huyện thuần nông, năm 1999 chưa có dự án đầu tư vào địa bàn huyện. Đến nay đã thu hút được 102 dự án đầu tư; có 67 dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Trên địa bàn huyện đã hình thành cụm công nghiệp Tân Dân, cụm công nghiệp Đông Khoái Châu. Tổng giá trị sản xuất TTCN năm 2000 đạt 42 tỷ 240 triệu đồng, đến năm 2018 đạt 2.668 tỷ đồng, tăng hơn 63 lần. Thương mại dịch vụ có bước phát triển theo hướng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân. Tỷ trọng giá trị sản xuất thương mại dịch vụ từ 26,54% năm 1999 tăng lên 37,9% năm 2018 (đạt 4.600 tỷ đồng).

Kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp nhanh, khá đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế từng vùng, từng ngành.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào chiều sâu. Giáo dục - đào tạo có nhiều đổi mới, đạt kết quả tích cực trong thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa và xã hội hóa giáo dục. Đã xây dựng được 37/75 trường đạt chuẩn quốc gia (năm 2000 có 1 trường). Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, y tế được tăng cường về số lượng và chất lượng, bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng dân số được nâng cao. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,98%.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự, quốc phòng - quân sự địa phương được thực hiện toàn diện. Hệ thống chính trị của huyện 20 năm qua luôn được giữ vững và ngày càng lớn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND  tỉnh Hưng Yên phát biểu.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Phóng thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và thành tích mà huyện Khoái Châu đã đạt được 20 năm qua. Đồng chí đề nghị huyện ủy, cán bộ và nhân dân Khoái Châu tiếp tục cố gắng, nỗ lực, phát huy truyền thống, tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng huyện Khoái Châu ngày một phát triển, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu­­­­­ đọc diễn văn tại buổi lễ.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: Trong chặng đường mới, Đảng bộ, quân và dân Khoái Châu quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV với mục tiêu: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đưa huyện Khoái Châu sớm trở thành huyện công nghiệp.

Tin, ảnh: MY TUẤN DŨNG