Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) và công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 21-7-2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 với mục đích phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả cộng đồng góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel

Cuộc sống người dân thay đổi tích cực nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế). Ảnh minh họa: cand.com.vn 

Để hỗ trợ đồng bào vươn lên trong cuộc sống, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, chính sách để triển khai thực hiện. Căn cứ những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các huyện, thị xã và thành phố đề ra nhiều nội dung, giải pháp, phương án thoát nghèo của địa phương; cùng với đó, triển khai nhiều biện pháp mang lại kết quả trong công tác giảm nghèo như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, tiền điện cho hộ nghèo...

Qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đã mang lại kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Như năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 4,93% thì đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,56% và đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27% (7.540 hộ). Trong đó, số hộ nghèo không có khả năng lao động giảm còn 2.869 hộ và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng là 288 hộ.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện đầy đủ và kịp thời, có gần 60.000 người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hơn 20.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về trợ cấp xã hội, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định...

Từ tháng 9-2022 đến tháng 8-2023, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã vận động được hơn 15,6 tỷ đồng, nâng tổng số tiền Quỹ “Vì người nghèo” lên hơn 29,5 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo trong việc xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất, khám, chữa bệnh, hỗ trợ học tập...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” ở Thừa Thiên Huế cũng còn khó khăn, hạn chế như: Công tác triển khai phong trào tại một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự được quan tâm đúng mức. Một số nội dung hoạt động chương trình giảm nghèo phát huy hiệu quả chưa cao, cơ chế, chính sách triển khai chậm. Chưa có nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được nhân rộng...

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo đạt hiệu quả cao, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với Chương trình 1719, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, coi phong trào thi đua là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, ngành, địa phương.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn, hạn chế tình trạng tái nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Qua đó phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,0-2,2%; các xã có tỷ lệ nghèo cao hơn 25% giảm bình quân từ 3,5 đến 4%/năm...

HUYỀN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.