Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, đến cuối năm 2022, số hộ nghèo còn 14.872 hộ (chiếm 2,81%), trong đó, hộ nghèo là đồng bào DTTS có 3.161 hộ (chiếm 11,70% tổng số hộ DTTS). Thực hiện công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh An Giang xác định hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS không chỉ dừng lại ở hỗ trợ “cần câu” bằng các loại máy móc, thiết bị mà ngành chuyên môn còn hướng dẫn người dân “cách câu cá”, thông qua việc tổ chức các lớp dạy nghề. Hiệu quả từ những mô hình mang lại giúp không ít người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

leftcenterrightdel

Người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) tranh thủ con nước mới tràn đồng, đặt vó đánh bắt cá trên kênh Tha La. Ảnh: TTXVN 

Tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, nơi có 97% đồng bào là người dân tộc Khmer sinh sống, những năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ đã làm thay đổi hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện cho người dân làm ăn để thoát nghèo. Đến thăm mô hình nuôi bò của anh Chau Nưng ở ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, chúng tôi bất ngờ vì cách chăn nuôi bài bản, sạch sẽ với đàn bò phát triển rất tốt. Cách đây vài năm, được vay 28 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và từ chương trình hỗ trợ hộ nghèo, anh Nưng đầu tư nuôi bò sinh sản. Đây không chỉ là tài sản có giá trị mà còn cho gia đình anh nguồn phân bón để cải tạo 3 công đất trồng các loại rau màu, qua đó giúp gia đình anh có thu nhập mỗi năm hơn 30 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nhiều hộ Khmer nghèo còn được hỗ trợ về nhà ở. Thời gian qua, những ngôi nhà đại đoàn kết được xây dựng kịp thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng trong việc giúp đồng bào Khmer nói riêng, hộ khó khăn về nhà ở nói chung có được mái ấm kiên cố để vươn lên trong cuộc sống. Chia sẻ về niềm vui hiện giờ gia đình đã an tâm hơn khi có nơi ở kiên cố, khang trang sau bao năm phải sống trong căn nhà dột nát, chị Neàng Sóc Phà La ở ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên cho biết: “Gia đình tôi không có ruộng đất, sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán nhỏ, thu nhập cũng bấp bênh nên khi được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, vợ chồng tôi mừng lắm”.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội tại huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2) với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 131,3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 118,8 tỷ đồng (vốn sự nghiệp), ngân sách địa phương là 11,9 tỷ đồng (vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác. Ông Lê Văn Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ những chính sách giảm nghèo, các dự án liên quan đến người nghèo, hộ nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo vốn sản xuất, nhà ở, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; triển khai thực hiện những mô hình giảm nghèo bền vững...”.

Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương, hạ tầng cơ sở và đời sống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang đã thay đổi đáng kể. Đây là động lực, là niềm tin để đồng bào Khmer ở An Giang đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

HỮU LỢI