Đó là tổ hợp tác sản xuất mây tre đan thôn Lau, nơi những bàn tay khéo léo của chị em dân tộc Mường không chỉ giúp họ kiếm thêm thu nhập mà còn góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong cộng đồng. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2021, với những khát vọng của ba người phụ nữ dũng cảm: Chị Phạm Thị Chiến, Hà Thị Kiều và Hà Thị Xuân.
 |
Chị Phạm Thị Chiến (bên trái) và chị Hà Thị Kiều (bên phải) là những thành viên thành lập ra tổ hợp tác.
|
Khởi nguồn từ khó khăn
Ngồi dưới tán tre xanh mát của thôn Lau, chị Phạm Thị Chiến, người đứng đầu tổ hợp tác, nhớ lại những ngày đầu tiên khi tổ hợp tác còn đang chỉ là một ý tưởng trong đầu.
Chị kể: "Lý do khiến chúng tôi thành lập tổ hợp tác này xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương. Xã Điền Thượng của chúng tôi có hơn 80% lao động sống bằng nghề nông. Cây luồng, tre, nứa ở đây rất nhiều, nhưng chủ yếu bà con bán thô cho thương lái và thường bị ép giá. Tỷ lệ lao động nông nhàn rất cao, đặc biệt là các chị em phụ nữ thuộc hộ nghèo, chưa có việc làm ổn định”.
Khó khăn là vậy, nhưng chính từ những gian truân đó, ý tưởng về tổ hợp tác sản xuất mây tre đan ra đời. Chị Chiến cùng các chị em trong thôn đã quyết định tranh thủ những khoảng thời gian rảnh rỗi để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu địa phương.
"Chúng tôi muốn giúp các chị em vừa có thêm thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc con cái mà không cần phải đi làm xa", chị Chiến nói.
Nhưng khởi đầu không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi mới thành lập, tổ hợp tác gặp rất nhiều khó khăn từ thiếu vốn, thiếu kiến thức quản lý, chưa có kỹ năng sáng tạo mẫu mã mới. Có lúc, tổ hợp tác đã nghĩ đến việc phải dừng lại. Nhưng nhờ sự đồng lòng và quyết tâm của các thành viên trong tổ, tất cả đã vượt qua những khó khăn ban đầu, biến tổ hợp tác thành một điểm sáng của vùng đất này.
Để tổ hợp tác có thể tồn tại và phát triển, không chỉ có quyết tâm là đủ. Chị Hà Thị Kiều, một thành viên trụ cột khác của tổ đã tìm cách liên kết với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm của tổ hợp tác ra thị trường lớn.
“Trong quá trình thực hiện dự án này, chúng tôi có hợp tác với Công ty Cổ phần Ngọc Sơn – một trong những công ty hàng đầu trong nước về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mây tre. Nhờ sự hỗ trợ của họ, chị em chúng tôi thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề”, chị Kiều cho hay.
 |
Tổ hợp tác giới thiệu sản phẩm tại Quảng Ngãi với mong muốn quảng bá rộng rãi các vật dụng thân thiện môi trường làm từ mây tre đan. |
Nhưng không chỉ có doanh nghiệp mới là nguồn lực quan trọng, chính quyền địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tổ hợp tác. Chị cho biết, UBND xã Điền Thượng đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước mở nhiều lớp đào tạo nghề cho chị em. Nhờ đó, tổ hợp tác có thể cải thiện kỹ năng, đảm bảo các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là cho IKEA (là một doanh nghiệp quốc tế chuyên bán lẻ đồ nội thất, lắp ráp, thiết bị và phụ kiện trong nhà lớn nhất thế giới - PV).
Những nỗ lực đó không chỉ giúp tổ hợp tác tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ. Số lượng thành viên trong tổ ngày càng tăng lên, chất lượng tay nghề của chị em cũng ngày càng được nâng cao. Thành công đến từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên, từ doanh nghiệp, chính quyền đến chính các thành viên trong tổ. Năm 2023, tổ hợp tác đã giành được nhiều giải thưởng trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp và chuyển đổi xanh, đánh dấu một bước tiến lớn trong hành trình khởi nghiệp của họ.
Chị Hà Thị Xuân, một trong những người điều hành tổ hợp tác đã có những kế hoạch dài hơi cho tương lai. Chị chia sẻ: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất và mở rộng mô hình ra các địa phương lân cận để nhiều chị em khác cũng có cơ hội làm việc”.
Với chị, tổ hợp tác không chỉ là nơi giúp phụ nữ kiếm thêm thu nhập mà còn là một ngôi nhà thứ hai, nơi họ được học hỏi, chia sẻ và cùng nhau phát triển. Điều đặc biệt là không chỉ có việc làm, các chị em trong tổ hợp tác còn được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
"Trong các buổi sinh hoạt, chúng tôi luôn nhấn mạnh về việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Chúng tôi cũng khuyến khích các chị em trong tổ và gia đình sử dụng các sản phẩm mây tre đan thay thế cho túi ni lông và nhựa", chị Xuân cho biết thêm.
Thành quả từ những nỗ lực
Đối với nhiều phụ nữ trong thôn Lau, tham gia tổ hợp tác đã thay đổi cuộc sống của họ một cách rõ rệt. Chị Hà Thị Hoan, một thành viên thuộc hộ nghèo của thôn tâm sự: "Gia đình tôi trước đây chỉ sống dựa vào vài sào ruộng. Thu nhập rất bấp bênh, nếu muốn có việc làm ổn định thì phải đi xa, đến các khu công nghiệp cách hàng trăm km. Điều đó làm tôi không có thời gian chăm sóc gia đình”.
Nhưng khi tổ hợp tác được thành lập, chị Hoan đã thấy cơ hội và quyết định tham gia. Ban đầu, chị Hoan cũng gặp không ít khó khăn. Kỹ thuật tay nghề còn yếu, vì trước đây, chị em nơi đây chỉ làm nghề đan lát để bán trong nước, không đòi hỏi cao. Nhưng với sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là thị trường IKEA, yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe. Tuy nhiên, nhờ sự động viên và hỗ trợ của Ban quản lý tổ, chị đã vượt qua khó khăn và dần làm quen với yêu cầu của công việc.
 |
Chị em trong tổ cùng nhau vận chuyển lô hàng thành phẩm đưa đi tiêu thụ, xuất khẩu. |
Bây giờ, chị Hoan không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tự tin hơn về kỹ năng của mình. "Tôi không chỉ học được cách làm nghề mà còn có thêm nhiều kỹ năng sống, nhờ sự chia sẻ và hỗ trợ từ các chị em trong tổ hợp tác. Tôi cảm thấy mình không chỉ kiếm được tiền mà còn trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn trong cuộc sống”, chị Hoan tự hào nói.
Từ khi tổ hợp tác sản xuất mây tre đan được thành lập, cuộc sống của hàng chục phụ nữ tại thôn Lau đã thay đổi đáng kể. Không chỉ có thêm thu nhập, họ còn có cơ hội học hỏi, nâng cao tay nghề và trở thành những người đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.
Tổ hợp tác không chỉ là một mô hình khởi nghiệp kinh tế mà còn là biểu tượng của sự vươn lên, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong phát triển cộng đồng. Những người phụ nữ như Phạm Thị Chiến, Hà Thị Kiều, Hà Thị Xuân và Hà Thị Hoan đã chứng minh rằng, dù ở nơi khó khăn nhất, với ý chí kiên cường và sự đoàn kết, phụ nữ vẫn có thể làm chủ cuộc sống và mở ra những cơ hội mới cho tương lai.
KHÁNH NGÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.