Nền công nghiệp Việt Nam vẫn đang trên quá trình phát triển, các khu công nghiệp và các đô thị vẫn chưa thể so sánh được với các nước tiên tiến, thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương đã đến mức báo động. Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm, chất lượng cuộc sống giảm sút do môi trường nước, đất và không khí bị ô nhiễm. Hằng ngày, hằng giờ, cuộc sống đang bị hủy hoại…
Bệnh tật gia tăng do ô nhiễm không khí
Từ bao năm nay, người dân Hà Nội mỗi khi ra đường thường không quên mang theo khẩu trang và các đồ dùng tránh khói, bụi khác. Bởi thực tế, có không ít con đường, tuyến phố trên địa bàn Thủ đô đang bị màn sương khói bụi tấn công làm cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu… Theo đánh giá của Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì hiện nay, mức độ ô nhiễm không khí ở nước ta đang ở mức báo động cùng với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số khu đô thị cạnh các khu công nghiệp…chất lượng không khí đang ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, môi trường sống của người dân Việt Nam.
Trung tâm kỹ thuật, quan trắc môi trường (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) thu được những số liệu đo được từ hệ thống máy quan trắc tự động rất hiện đại có thể phát tín hiệu SOS. Hai khu vực vốn được đánh giá là trong sạch nhất của thành phố Hà Nội như quận Ba Đình, quận Tây Hồ thì mức độ ô nhiễm bụi và khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 2 lần. Còn những khu vực đang có công trình xây dựng hoặc đầu mối giao thông thì ít nhất từ 5 đến 7 lần. Còn Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho biết, mỗi năm bầu không khí thành phố Hà Nội tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí CO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Dự báo, đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại nói trên tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7-9 lần. Riêng chất hữu cơ bay hơi sẽ vượt ngưỡng 33 lần. Nồng độ bụi trong không khí tại các trạm đo được ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,4 đến 3,3 lần.
 |
Công nhân cứu hộ thu hồi dầu loang, khắc phục sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường tại cảng Lotus (TP Hồ Chí Minh) (ảnh TTXVN) |
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do quá trình phát triển, đô thị hoá, xây dựng công trình, công nghiệp hoá không được kiểm soát, do nạn phá rừng và đặc biệt là sự gia tăng các phương tiện giao thông như: ô tô, mô tô, xe gắn máy… dẫn đến sự gia tăng các chất khí, khói xăng thải ra trực tiếp vào môi trường. Ngoài ra, còn do tác động bởi quá trình đun nấu bằng bếp than tổ ong, một số nơi đốt nhiên liệu để sản xuất…
Ô nhiễm không khí đã trở thành mối đe doạ đến sức khỏe con người. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn nước ta đang có xu hướng tăng nhanh như hen phế quản, dị ứng; các bệnh phổi, lao, ngoài da, mắt và các dị ứng khác. Có khoảng 37,7% trường hợp viêm đường hô hấp dưới, 22% các bệnh phổi mãn tính có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí trong nhà và có khoảng 5% số người mắc bệnh viêm phế quản, ung thư phổi do ô nhiễm không khí ngoài trời. Hàm lượng khói, bụi cao trong khí quyển cũng làm tăng khả năng tử vong sớm đối với một số loại bệnh hô hấp và thần kinh…
Hiểm họa từ các dòng nước đen
Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) cho biết: Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 14.000 người chết vì các bệnh do thiếu nước sạch và nhà vệ sinh. Con số này hẳn sẽ làm nhiều người giật mình khi liên tưởng tới tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng ở không ít địa phương nước ta. Hiện nay, ở nhiều con sông, kênh rạch, nước đã chuyển sang màu đen, được coi là những “dòng sông chết”, bởi mức độ ô nhiễm của nó. Các động vật thủy sinh không sống nổi trên những dòng sông này. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đã gia tăng tới mức độ đáng lo ngại. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất thải công nghiệp và chất thải y tế đổ thẳng ra sông là mối hiểm họa khôn lường. Ngoài việc mắc một số bệnh như: đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn..., nhiều cư dân ở gần các khu công nghiệp sử dụng công nghệ cũ còn có nguy cơ mắc những chứng bệnh nan y. Những “làng ung thư” được nói đến nhiều trong thời gian gần đây thường nằm ở gần các khu công nghiệp nói trên.
Tuy không gây ô nhiễm nghiêm trọng như công nghiệp nhưng nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất, dùng để tưới lúa và hoa màu. Việc lạm dụng nông dược và phân bón hoá học, các loại thuốc trừ sâu, hóa chất, các chất hữu cơ, các vi sinh vật gây bệnh phục vụ cho nông nghiệp đã và đang gây hại nghiêm trọng tới nguồn nước và đất. Đáng chú ý nhất là các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh tả, lỵ, thương hàn... có khả năng theo nguồn nước phát tán, lây nhiễm sang những vùng dọc theo sông.
Tâm sự với chúng tôi, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây cho biết chính nhiều cán bộ ở đây không dám ăn các loại rau được trồng ven sông Nhuệ, một con sông chảy qua tỉnh Hà Tây, bởi mức độ ô nhiễm “kinh khủng” của con sông này. “Nhiều khi rau muống luộc lên có nước đen kịt, mùi tanh tanh”- ông cho biết. Sông Nhuệ cũng chỉ là một trong số nhiều con sông đang bị đầu độc do nước thải từ các khu công nghiệp, các làng nghề và nước thải sinh hoạt đô thị.
Phải bảo vệ cho được nguồn nước và không khí
Để "cứu vãn" nguồn nước, được sự tài trợ của Quỹ phát triển thể chế (IDF) của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt tay thực hiện dự án Tăng cường năng lực kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam từ cuối năm 2006. Dự án sẽ thực hiện trong 2 năm với tổng kinh phí là 330.000 USD, trong đó vốn ODA là 300.000 USD. Đúng như tên gọi, dự án nhằm tăng cường thể chế cho kiểm soát ô nhiễm nước và nâng cao hiệu quả của công tác thực hiện các quy định của pháp luật (đặc biệt là thực hiện Nghị định 67/2003/NĐ-CP về Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng). Bên cạnh đó, dự án cũng tăng cường cho các cơ quan trong việc tuân thủ, giám sát và đánh giá các văn bản pháp luật; nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Dự án sẽ được triển khai từ nay đến năm 2008 tại ba khu vực sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng là sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai.
Giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị là việc không dễ thực hiện trong tình hình hiện nay. Vì đó là việc cần phải thực hiện song song với quá trình đẩy mạnh phát triển xây dựng đô thị và nâng cao đời sống kinh tế- xã hội. Thời gian qua, một số thành phố đã tiến hành di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm không khí ra khỏi khu dân cư. Triển khai nghiên cứu và khuyến khích sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng cho xe ô tô, thiết lập hệ thống quan trắc không khí ở những nơi có mạng lưới giao thông lớn; triển khai thực hiện các dự án tăng cường năng lực giao thông đô thị theo quy hoạch đô thị, đưa vào sử dụng một số loại xe máy, ô tô chạy bằng nhiên liệu để hạn chế ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, việc giảm các phương tiện giao thông để giảm khí thải là điều rất khó vì số người đăng ký sử dụng phương tiện xe gắn máy, ô tô vẫn tiếp tục tăng nhanh. Do vậy, để hạn chế lượng khí thải độc vào môi trường theo một số chuyên gia thì cần phải kiểm soát và siết chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện ô tô và xe máy khi tham gia giao thông, nên giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao… Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, vận chuyển vật liệu và xây dựng… bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường, sản xuất sạch, sử dụng nhiên liệu chất đốt phù hợp trong sinh hoạt để giảm bớt khí thải.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác cho cộng đồng tham gia giao thông, sống, lao động, sản xuất "thân thiện” hơn với môi trường.
Quang Phương và Thanh Minh