Đây là chủ trương có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với những người có đóng góp, cống hiến cho cách mạng và đất nước. Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 102, cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm cao của các cấp, ngành, các tổ chức ở trong và ngoài nước.
Một chủ trương giàu tính nhân văn
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định: Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta và các nước. Xuất phát từ chủ trương trên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (QUTƯ, BQP) chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng, báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trình Ban Bí thư đề án về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công đang định cư ở nước ngoài.
 |
Cán bộ Phòng Nghiên cứu-Tổng hợp, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị kiểm tra, rà soát các văn bản liên quan trong thực hiện Nghị định 102 của Chính phủ. |
Theo Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (TCCT): Triển khai nhiệm vụ trên, BQP đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu; thành lập Ban soạn thảo xây dựng đề án với sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan; thành lập đoàn công tác liên bộ, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế tại một số quốc gia; phối hợp với Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Việt Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước ngoài tổ chức khảo sát thực trạng người Việt Nam có công định cư ở nước ngoài. Ở trong nước, tổ chức nghiên cứu, khảo sát điểm tại một số địa phương, như: Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Phước, Kiên Giang, Thái Nguyên, Lai Châu, Quảng Ninh; hướng dẫn 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức khảo sát và báo cáo, đề xuất.
Qua khảo sát bước đầu, có khoảng 100 người Việt Nam có công với cách mạng đang định cư ở nước ngoài. Đây là các đối tượng khi ở Việt Nam đã được hưởng các chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, do hoạch định biên giới quốc gia, các đối tượng này bị dừng hưởng chế độ. Đối với người tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, qua khảo sát có hơn 39.700 người. Đây là nhóm đối tượng khi ở trong nước là những người đã có công lao đóng góp cho các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Theo quy định hiện hành, các đối tượng trên nếu còn cư trú ở trong nước đều thuộc đối tượng được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách. Tuy nhiên, do hiện nay họ định cư ở nước ngoài nên chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc giải quyết chế độ, chính sách cho họ.
Nguyện vọng chung của người Việt Nam có công đang định cư ở nước ngoài đều mong muốn được Đảng, Nhà nước ghi nhận; sớm ban hành và thực hiện một số chế độ, chính sách phù hợp với công lao, cống hiến của họ đối với cách mạng và đất nước, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và mối quan hệ ngoại giao giữa nước ta với nước sở tại nơi đối tượng sinh sống. Theo cán bộ cơ quan chức năng, khi nhận thông tin Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài, ông Nguyễn Văn Ninh và ông Lê Văn Lanh (hiện cư trú tại huyện Xiêm Riệp, tỉnh Xiêm Riệp, Campuchia), người Campuchia gốc Việt từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, đã không giấu được niềm vui xen lẫn tự hào. Ông Ninh chia sẻ: “Tôi vẫn mong một ngày những công lao đóng góp của tôi được Đảng, Nhà nước Việt Nam ghi nhận; nay mong ước đó đã thành hiện thực”. Niềm vui của ông Ninh cũng là niềm vui chung của các đối tượng được hưởng chế độ quy định tại Nghị định 102.
Việc khó càng cần quyết tâm cao
Nghị định 102 quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách, gồm: Người Việt Nam có công với cách mạng bị dừng hưởng chế độ (thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thân nhân liệt sĩ; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945…); người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; công nhân viên chức quốc phòng, công nhân; viên chức công an; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, chuyên gia các ngành; cán bộ xã, phường, thị trấn; công an xã, dân quân, tự vệ, du kích; thanh niên xung phong; dân công hỏa tuyến); thân nhân của các đối tượng, gồm bố đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp theo quy định của pháp luật…
Qua khảo sát thực tế, Đại tá Trần Quang Thanh, Trưởng phòng Nghiên cứu-Tổng hợp, Cục Chính sách, TCCT cho biết: "Hiện phần lớn các đối tượng trên cư trú ở Lào và Campuchia, số còn lại đang định cư ở một số nước Đông Âu và một số nước khác đi lao động hợp tác quốc tế rồi ở lại hoặc sang định cư để đoàn tụ gia đình. Số có hồ sơ, giấy tờ lưu trữ của các đối tượng còn khoảng 40%, số còn lại không còn giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan. Mặt khác, do các đối tượng đang định cư ở nước ngoài nên việc giải quyết chế độ, chính sách gặp rất nhiều khó khăn, do không có hệ thống tổ chức chính trị-xã hội như ở trong nước; việc triển khai thực hiện chủ yếu thông qua các cơ quan đại diện, lãnh sự quán Việt Nam tại các nước; việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ làm công tác chính sách với các đối tượng rất hạn chế; việc tiếp nhận hồ sơ, chi trả chế độ, cấp giấy chứng nhận chủ yếu qua đường ngoại giao… gây khó khăn không nhỏ đến tiến độ triển khai nghị định.
Theo Nghị định 102 về quy định quy trình, trách nhiệm giải quyết chế độ hỗ trợ, thì các đối tượng được thụ hưởng chính sách nộp một bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan đại diện ngoại giao, hoặc cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài nơi đối tượng cư trú. Trường hợp nước sở tại có tổ chức hội cựu chiến binh hoặc hội người Việt Nam ở nước ngoài được cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ghi nhận, thì đối tượng nộp hồ sơ cho tổ chức hội nêu trên ở nơi cư trú. Tổ chức hội tiếp nhận, tổng hợp chuyển hồ sơ về cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, rà soát đối tượng, tổng hợp và chuyển hồ sơ về UBND cấp tỉnh nơi trực tiếp quản lý đối tượng trước khi đi định cư ở nước ngoài (qua sở lao động-thương binh và xã hội) hoặc gửi về BQP (qua Cục Chính sách, TCCT).
BQP và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tổ chức xét duyệt và ra quyết định hỗ trợ, ký giấy chứng nhận cấp cho đối tượng theo quy định.
Đối với các đối tượng ủy quyền cho người thân ở trong nước thì người được ủy quyền nộp một bộ hồ sơ theo quy định cho UBND xã (phường, thị trấn) nơi người được ủy quyền cư trú. UBND cấp xã, huyện, tỉnh chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, rà soát và chuyển hồ sơ về cục chính trị các quân khu để thẩm định và trình thủ trưởng bộ tư lệnh quân khu ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, ký giấy chứng nhận đối với các đối tượng theo quy định.
Thực tế hiện nay, nhiều đối tượng và thân nhân các đối tượng trong diện được thụ hưởng chế độ hỗ trợ theo Nghị định 102 vẫn chưa nắm được đầy đủ thông tin về quy định này. Do vậy, Cục Chính sách đề nghị các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách trong nước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát, liên hệ với các đối tượng, thân nhân đối tượng được thụ hưởng. Cấp ủy, chính quyền địa phương trong nước và cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam; các tổ chức hội người Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đối tượng và thân nhân của họ nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt Nam tại Vương quốc Campuchia, cho biết: "Với trách nhiệm của mình, tổng hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các hội viên thông qua các buổi sinh hoạt và trên phương tiện truyền thông để các đối tượng nắm được chính sách, từ đó tiến hành kê khai theo đúng quy định".
Thực hiện tốt Nghị định 102 có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; qua đó góp phần khẳng định chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, dù họ sống trong nước hay định cư ở nước ngoài.
Bài và ảnh: DUY THÀNH