Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Lúc đó, ông dự hội nghị với danh nghĩa Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, nhiều lần tôi được làm việc với ông để chuẩn bị cho đại hội và thấy kiến trúc sư là một trí thức tài năng, một con người hào hoa, phong nhã với nụ cười luôn thường trực.

Năm 1982, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Bộ Chính trị điều về tham gia Đảng đoàn Mặt trận để cùng các đồng chí: Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt giúp Ban Bí thư chuẩn bị Chỉ thị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam trong tình hình mới”. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II MTTQ Việt Nam, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và nhiều năm công tác tại mặt trận.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trí thức tài năng nhưng rất mực khiêm tốn. Ông đặc biệt quan tâm đến cuộc sống của cán bộ, nhân viên. Riêng đối với tôi, một kỷ niệm không bao giờ quên, đó là năm 1985, tôi cưới vợ cho cậu con trai đầu. Ông đến thăm và chúc mừng, thấy gia đình tôi ở quá chật hẹp, ông yêu cầu vợ chồng tôi về ở cùng ông tại số 9, phố Nguyễn Đình Chiểu để “vừa tiện cho công việc chung, vừa bớt khó khăn cho cậu”-như ông giải thích.

Vợ chồng tôi rất xúc động trước sự quan tâm đó, song bàn đi tính lại thấy rằng, cuộc sống đã khó khăn, nay một chốn đôi nơi thì càng khó khăn hơn. Vợ chồng tôi cảm ơn ông về sự quan tâm đặc biệt đó.

Nhiều cán bộ mặt trận thấy đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trí thức điềm đạm, cởi mở, giàu lòng nhân ái, bao dung. Những năm ông phụ trách mặt trận là những năm đất nước gặp rất nhiều khó khăn: Bị đế quốc bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam; đời sống nhân dân rất khó khăn; một số phần tử bất mãn phá rối từ bên trong, song ông luôn luôn lạc quan và truyền tinh thần lạc quan đó đến chúng tôi, đến các tầng lớp nhân dân.

Một phẩm chất rất đáng quý nữa ở đồng chí Huỳnh Tấn Phát là ông không bao giờ buộc mọi người làm theo ý của mình mà luôn luôn vận động, thuyết phục với thái độ chân thành. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, ông đã cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo, bác sĩ Phùng Văn Cung và nhiều vị nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam vận động, cảm hóa được nhiều nhân vật nổi tiếng của chế độ cũ ở lại, góp sức cùng xây dựng và bảo vệ đất nước và không ít người đã lập được thành tích, chiến công.

 NGUYỄN TÚC