leftcenterrightdel
 CCB Nguyễn Mạnh Thất với các chiến lợi phẩm từ trận Vạn Tường.
Quê Hà Nam, ông Thất chiến đấu trong đội hình Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 1 (sau này thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5) một thời gian khá dài. Khi đánh trận Vạn Tường, ông là trung đội trưởng của đại đội 3 đứng chân vị trí thứ yếu, trong khi đại đội 2 mới ở mũi then chốt. Ngày đó một trung đội trưởng như ông chỉ biết nhận mệnh lệnh “Mỹ vào, sẵn sàng chiến đấu!’’. Sau này ông mới biết,  Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở căn cứ Chu Lai, phát hiện Trung đoàn 1 đóng quân tại Vạn Tường (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), đã mở cuộc hành quân mang tên Ánh sáng sao (Starlite) gây uy thế cho quân Mỹ.

Tại đây, Mỹ có điều kiện thuận lợi sử dụng xe tăng, pháo binh, hải quân, không quân của chiến tranh hiện đại. Theo đó, chúng đưa vào trận đánh Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 3 cùng lực lượng bổ sung lên đến khoảng 9.000 quân, gồm ban chỉ huy Quân đoàn 7 thuộc Sư đoàn lính thủy đánh bộ, 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 2 tiểu đoàn bộ binh Việt Nam Cộng hòa, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe lội nước, một số lượng pháo binh và công binh… ngoài ra chúng còn huy động 6 tàu đổ bộ, 105 xe tăng và xe bọc thép, 100 máy bay lên thẳng và 70 máy bay chiến đấu vào cuộc càn quét.

Với hy vọng sẽ tiêu diệt quân ta trong thời gian ngắn nhất, quân Mỹ từng bước khép chặt vòng vây, dồn quân ta vào Vạn Tường rồi dùng hỏa lực tiêu diệt. Trước tình hình đó, toàn đơn vị thuộc Trung đoàn 1 đã bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích đánh trả quân địch. Kế hoạch tác chiến của Trung đoàn là cản chậm bước tiến của các cánh quân Mỹ đồng thời dựa vào các hầm sâu và các vị trí chiến đấu ngụy trang kín đáo để diệt cánh quân đổ bộ bằng đường không.

Từ chỗ bị bất ngờ, Trung đoàn 1 và quân dân huyện Bình Sơn đã giành được thế chủ động tiến công. Các mũi tiến công của quân địch đều vấp phải hệ thống bãi mìn, hố chông, vật cản khiến đội hình địch bị dồn ứ và bị bộ đội ta vận động tới đánh hoặc dùng hỏa lực tiêu diệt. Trận đánh kéo dài đến chiều tối ngày 18-8, quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 900 tên, 22 xe tăng, xe bọc thép, 13 máy bay bị bắn rơi. Đêm 18 rạng 19 lực lượng ta bí mật rút khỏi Vạn Tường an toàn

Đến bây giờ ông Thất không nhớ mình diệt bao nhiêu tên Mỹ, ông chỉ biết rằng tầm 6 giờ tối, cách chiến hào của ông vài chục mét, xác lính Mỹ nằm la liệt. Vốn là người có “gan cóc tía’’, muốn có một chiến lợi phẩm trong trận đánh này, ông bò thật thấp về phía một tên to cao gần nhất, quân phục có lẽ là sĩ quan, thao tác khẩn trương, tháo chiếc thắt lưng, khẩu Rulo với 6 viên đạn và chiếc bi đông. Vài tiếng sau, thì Trung đoàn rút quân. Chiến lợi phẩm của ông trở thành của hiếm trong đơn vị. Sau này khi ông về trường Hạ sĩ quan của Quân khu 5 thì người chỉ huy ở đây đã xin lại và ông đã tặng.

Giơ chiếc thắt lưng và bi đông vẫn còn rất mới, ông Thất hồ hởi: “Chiếc thắt lưng rất nhẹ, tôi luôn mang bên người. Còn chiếc bi đông này thì khỏi nói, tiện lợi lắm, cả đơn vị đều dùng”.  Sau ngày giải phóng, chiếc bi đông vẫn theo ông hàng ngày, nhắc ông về một thời hào hùng của miền Nam ác liệt.

leftcenterrightdel
CCB Trung đoàn 1 báo cáo chiến lệ trận Vạn Tường trên cánh đồng Lộc Tự cho cán bộ cao cấp Quân khu 5 (năm 2013). 

Ra quân về làm ở Huyện ủy Măng Giang (Gia Lai), sau đó cùng vợ về định cư ở Hoài Nhơn, ông Thất có nhiều đóng góp ở địa phương khi làm Phó Chủ tịch Hội CCB xã . Câu chuyện chiến thắng Vạn Tường và các chiến lợi phẩm của ông đã lan tỏa đến mọi người.

Cách đây hơn chục năm, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã dẫn đầu đoàn cán bộ chủ chốt và các CCB địa phương với gần 20 người về chiến tích Vạn Tường. Thăm các địa danh An Cường, Gò Đam, Nam Yên, đồi Ngọc Hương hay các chiến hào ở Lộc Tự, nơi đồng đội ông đã chiến đấu ngoan cường, ông Thất bồi hồi xúc động. Ông giới thiệu với đoàn những giờ phút lẫm liệt của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, đẩy bọn địch ra khỏi vòng chiến đấu. Chiến thắng Vạn Tường mãi mãi đi vào lịch sử đất nước như một chiến công chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giờ đây, mỗi khi nhắc đến trận Vạn Tường, ông Thất đều không quên nhắc đến câu nói nổi tiếng của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn mà đơn vị ông đã thuộc nằm lòng: “Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Stalingrad là một bước ngoặt chứng minh quân phát xít Hitler không phải là không đánh được, thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng”.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN