Được gặp lại đồng đội, cùng hàn huyên, ông Đinh rất vui; bao ký ức lại ùa về. Ông nhớ lại những ngày chiến đấu giải phóng Chi khu quân sự Định Quán-một cứ điểm phòng thủ kiên cố của địch ở hướng đông bắc Sài Gòn, từ đó tạo đà cho quân ta tấn công Xuân Lộc, mở hành lang trên hướng đông bắc để đánh chiếm Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Đinh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 24, Trung đoàn 210, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Ngày 1-3-1975, đồng chí được mời về sở chỉ huy trung đoàn để nhận nhiệm vụ. Ta bắt đầu mở mặt trận mới hướng đông bắc Sài Gòn, trước hết là giải phóng Chi khu quân sự Định Quán, tỉnh Long Khánh (cũ), làm chủ đường 20. Đơn vị của đồng chí Đinh nhận nhiệm vụ tăng cường cho một số trung đoàn bộ binh. Trên đường hành quân đến Định Quán, nghe tin bộ đội ta mở Chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, toàn tiểu đoàn rất phấn khởi. Ai cũng mong được chiến đấu ngay để cùng quân dân Tây Nguyên mở rộng vùng giải phóng, làm bàn đạp cho những trận quyết định.

Đêm 13-3-1975, đơn vị của đồng chí Đinh cùng các đơn vị nhận nhiệm vụ bí mật vượt sông Đồng Nai, dần vào chiếm lĩnh các mục tiêu. Chi khu quân sự Định Quán được xây dựng kiên cố, thuận lợi cho địch phòng ngự và bất lợi cho ta khi tấn công. Địch còn tổ chức phòng ngự với lực lượng đông, có các công sự, lô cốt kiên cố, hỏa lực mạnh. CCB Nguyễn Văn Đinh kể: “Tối 14-3-1975, tôi và đồng chí Bế Ích Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 và cán bộ đại đội đi nghiên cứu địa hình và nắm tình hình địch. Sáng hôm sau, chúng tôi thảo luận cách đánh và nhận nhiệm vụ khống chế địch ở điểm cao 258, bắn phá các mục tiêu trong chi khu và chi viện trực tiếp cho bộ binh ở các mũi tấn công. Do địa hình phức tạp, chúng tôi phải đưa pháo lên gần sát mục tiêu, chờ lệnh”.

CCB Nguyễn Văn Đinh (ngồi giữa) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm những ngày chiến đấu giải phóng Chi khu quân sự Định Quán. 

Ngày 17-3-1975, quân ta nổ súng tiêu diệt Chi khu quân sự Định Quán. Hỏa lực của ta bắn cấp tập vào các mục tiêu quân sự trong chi khu và các vị trí ở La Ngà, núi Tràn, điểm cao 112… Đồng chí Đinh chỉ huy đơn vị dồn hỏa lực đánh điểm cao 258, hạ các chòi canh, yểm trợ mũi bộ binh ta mở cửa. Sau ít phút hoảng loạn, địch lợi dụng các hốc đá bắn trả quyết liệt. Lúc đó, Tiểu đoàn 24 tập trung hỏa lực bắn thẳng vào các điểm cao, các mỏm đá. Trước tình hình đó, địch tăng cường máy bay AD6, A37 đánh bom vào trận địa ta. Nhờ tinh thần chiến đấu anh dũng, không ngại hy sinh, ngày 18-3-1975, quân ta giải phóng Định Quán.

Phát huy thắng lợi đó, những ngày sau, Tiểu đoàn 24 dưới sự chỉ huy của đồng chí Đinh tiếp tục phối thuộc với các trung đoàn bộ binh tiêu diệt địch co cụm ở phía bắc Chi khu quân sự Định Quán, đánh chiếm La Ngà, công kích địch trên đường từ Túc Trưng đến Phương Lâm…, làm chủ đường 20. Sau thắng lợi này, Tiểu đoàn 24 tiếp tục cùng các đơn vị tham gia các chiến dịch lớn, giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bài và ảnh: THU THỦY