QĐND - Chợ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cộng đồng dân cư trên một địa bàn nhất định. Chợ quan trọng là thế, nhưng tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) lâu nay không hề có chợ...

Cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 40km, Hòa Bắc là xã miền núi thuộc diện khó khăn. Vượt qua chặng đường lắm đèo, dốc, chúng tôi có mặt tại Hòa Bắc vào sáng 25-3.

Mới sáng sớm, mà chị em phụ nữ đã tay xách, nách mang rổ rá ra đường chờ đội quân buôn chuyến từ dưới xuôi lên. Như đọc được sự ngạc nhiên của chúng tôi, bà Lê Thị Thanh Tam (thôn Tà Lang) phân bua: “Chúng tôi chờ mấy người thồ hàng từ dưới thành phố lên. Mua ít rau, mắm muối và thực phẩm cho cả ngày. Xã ni không có chợ nên phải chờ mua hàng như thế này”. Thoáng nhìn thấy xe hàng dừng trước cửa nhà bà Tam, mấy chị em phụ nữ vội vàng chen nhau để có thể chọn cho mình những loại thực phẩm ưng ý. Vì vận chuyển bằng xe máy từ dưới thành phố lên, nên các mặt hàng ít về số lượng và chủng loại. Bà Đinh Y Nhung (thôn Giàn Bí) tâm sự: “Hàng hóa thường chỉ có rau, cá và thịt… Khi nào người dân muốn mua nhiều, hay mua những thứ khác thì phải dặn trước để hôm sau người bán mang lên. Về cơ bản thì những xe hàng rong này tạm thời đáp ứng được nhu cầu của người dân nhưng khi có việc đột xuất, người dân Hòa Bắc phải đi rất xa mới có thể mua được những thứ cần thiết. Những ngày tạnh ráo thì không sao, nhưng mùa mưa bão thì những người dân phải "ca" "điệp khúc cá khô, nước mắm". 

Người dân Hòa Bắc chủ yếu mua thực phẩm qua xe hàng của các tiểu thương.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Minh Hải, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang chia sẻ: “Về lâu dài cần có một cái chợ để bà con trao đổi, mua bán hàng hóa, kích thích lao động sản xuất, cải thiện đời sống!”. Kể cả những người chở hàng từ thành phố lên Hòa Bắc bán cũng ủng hộ việc có một cái chợ ở đây. Chị Lê Thị Liễu (một người bán hàng) chia sẻ: “Đi bán hàng xa như thế này cũng mệt lắm. Nếu sau này có chợ cố định, chị em tui sẽ là người đăng ký thuê đầu tiên”.

Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Chất, Phó trưởng Phòng Công Thương huyện Hòa Vang nói: “Có chợ sẽ thúc đẩy phát triển lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông, lâm sản, cung ứng vật tư sản xuất tốt hơn. Chợ không chỉ là nơi cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân một vùng mà còn là nơi giao thương, trao đổi các mặt hàng, các sản vật địa phương của nhiều vùng với nhau. Muốn phát triển kinh tế một cách lâu dài, xã Hòa Bắc phải có chợ để làm trung tâm kinh tế, thương mại của xã. UBND huyện Hòa Vang cũng đã đề nghị lên UBND TP Đà Nẵng cấp kinh phí xây chợ Hòa Bắc, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì!”.

Toàn huyện Hòa Vang hiện đã có 19 chợ (trong đó có 12 chợ kiên cố), chỉ riêng xã miền núi Hòa Bắc là chưa có. Chợ là tiêu chí thứ 7 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sau 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã của TP Đà Nẵng đã đạt được những tiêu chí cơ bản nhất định. Vì thế, để có một cái chợ không những giúp hàng nghìn hộ dân có điều kiện trao đổi, mua bán hàng hóa, mà còn là điều kiện cần để xã Hòa Bắc đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Bao giờ người dân Hòa Bắc có chợ? Câu trả lời xin dành cho cơ quan chức năng và chính quyền huyện Hòa Vang…

Bài và ảnh: THANH HIẾU