Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng hậu quả của nó thì vẫn tồn tại. Nó làm đau nhói cả vết thương tâm hồn và thể xác của những ai đã sống trong khoảng thời gian ấy.
Rời khỏi chiến trường, cha tôi bắt đầu cuộc sống với hai bàn tay trắng và một phần máu thịt đã để lại chiến trường sau một trận càn của địch. Ấy thế mà khi cha gặp mẹ, mẹ lại đem lòng yêu quý một anh chàng bộ đội “không được lành lặn”. Chính mẹ đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của cha về cuộc sống sau chiến tranh. Thẻ chứng nhận thương binh 3/4 là tất cả những gì cha được cấp phát. Theo đó, hằng tháng cha có một khoản tiền nhỏ (nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống của một gia đình nghèo), rồi cha tích cóp từng phần nhỏ ấy để chăn nuôi heo. Lại là đối tượng gia đình chính sách nên cha được các ban ngành, đoàn thể ở ấp, xã quan tâm tạo điều kiện vay vốn chăn nuôi “bài bản” hơn. Qua những năm tháng khó khăn ấy, gia đình tôi đã có một mái ấm vừa phải, một mảnh sân, vườn rợp bóng cây ăn quả. Giờ đây tuy không còn chăn nuôi nữa nhưng trước mảnh sân vườn vẫn còn đó cái nền móng của một “ngôi nhà heo” đầy ắp tình người.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bắc Giang giúp nhân dân xã Ngọc Lý (Tân Yên) nạo vét kênh mương. Ảnh minh họa/baobacgiang.com.vn.
Tôi sinh ra khi cái thời chiến tranh loạn lạc đã qua đi nhưng những điều mà tôi nhìn thấy đó chính là tình người nồng cháy, sưởi ấm nhau qua cơn bão. Đó là: Lương thường xuyên, đó là thẻ bảo hiểm, đó là chế độ vay vốn làm kinh tế, đó là một ngôi nhà tình nghĩa trong tương lai, đó là cánh thiệp xuân thăm hỏi mỗi lần Tết đến và cũng là những lần cha đi thay “cái chân giả” mới, những cái nạng, những phần thuốc bổ… làm sao tôi có thể quên được. Tuy được quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ như vậy nhưng lúc nào cha cũng dạy tôi phải lấy đó làm bàn đạp để vận động chứ không được ỷ lại. Tôi luôn ghi nhớ điều đó. Với tôi, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” quả đúng không sai.
Giờ đây, tôi tiếp nối con đường “màu xanh” của cha với mọi nhiệt huyết. Học tập ở Trường Sĩ quan Chính trị-cái nôi đào tạo ra những cán bộ chính trị cho toàn quân, tôi được trải nghiệm rất nhiều việc làm thiết thực và ý nghĩa. Có lẽ thời gian học tập của tôi ở đây chưa nhiều nên lần đi thực hiện công tác dân vận (hành quân dã ngoại làm công tác dân vận Hè tình nguyện năm 2016) ở xã Quế Tân, huyện Quế Võ (từ ngày 28-6 đến ngày 3-7) làm tôi nhớ mãi. Đó là những hoạt động giúp dân làm nông, làm sạch mương máng, là những đêm văn nghệ thắm tình quân dân, là phần thưởng trao cho các em nhỏ, những gia đình chính sách, có công với cách mạng, hay những buổi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho xã Quế Tân, hoặc là những buổi chiều cắt tóc miễn phí của các đồng chí trong đại đội cho người dân… đó cũng là một phần ký ức rất đẹp đối với tôi.
Trong tương lai, tôi sẽ tích cực học tập, tham gia nhiều hơn nữa những hoạt động như thế này bởi chắc chắn giúp đỡ người khác chính là niềm vui chân chính và giúp đỡ những người đã mang cho mình cuộc sống độc lập, tự do, hạnh phúc thì càng đặc biệt hơn.
TRẦN TUẤN KIỆT