Băng đĩa không nhãn mác được bày bán tràn lan ở các điểm kinh doanh (Ảnh sggp.org.vn)

Thị trường băng, đĩa lậu là vấn nạn đối với các nhà quản lý và là nỗi sợ hãi của các nhà sản xuất băng, đĩa. Với các ca sĩ hay ngôi sao dù can đảm đến mấy cũng không dám đầu tư lớn cho album của mình mà chỉ sản xuất cầm chừng, chủ yếu để giữ hình ảnh và tên tuổi trong lòng công chúng. Với người tiêu dùng, đời sống văn hóa bị ảnh hưởng do băng đĩa lậu không được kiểm soát… Hơn nữa, băng, đãi lậu còn đẩy chúng ta vào những nước vi phạm bản quyền nhiều nhất thế giới.

Băng, đĩa lậu “làm chủ” thị trường

Thị trường băng, đĩa lậu hoạt động quanh năm nhưng những tháng giáp Tết vẫn được coi là mùa rôm rả nhất. Từng thâm nhập vào các khu vực bán đĩa nhạc lớn như chợ Giời, chợ Đồng Xuân đến những cửa hàng, sạp bày bán đĩa, cả cố định lẫn di động trên những con phố, vỉa hè, trên xe buýt, trong các con hẻm của khu dân cư ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy trong số lượng đĩa nhạc khổng lồ đang được tiêu thụ hiện nay chỉ có số lượng rất nhỏ là đĩa “xịn” được cung cấp từ các nhà sản xuất và các đại lý băng đãi chính hiệu. Đĩa lậu bày bán công khai, tồn tại song song với các kệ hoặc giá đĩa có bản quyền. Tuy nhiên, các kệ đĩa có bản quyền kia dường như chỉ có chức năng gần giống như một bản thông báo về những album mới nhất vừa ra lò, còn mọi người đổ xô đi mua nó dưới dạng… CD chép. Chị Nguyễn THị Thúy, một chủ cửa hàng trên phố Phạm Ngọc Thạch cho biết: “Đĩa gốc khó bán lắm, trưng như vậy chẳng qua để khỏi bị kiểm tra thôi, mọi người vào đây thường chỉ tìm đĩa chép, vừa rẻ mà lại vừa đa dạng”. Đấy là Hà Nội, còn tỉnh lẻ cũng không kém phần sôi động và băng, đĩa lậu làm chủ tịch trường, băng, đãi xịn hầu như vắng bóng. Trong một lần lên Sơn Tây (Hà Tây), biết cậu em nghiền nghe nhạc Mỹ Tâm, nên tôi đã trót hứa mua một cho một đĩa nhạc Mỹ Tâm mới phát hành. Nhưng sau đó, rong ruổi khắp thị xã Sơn Tây, đến hàng chục cửa hàng băng, đĩa cũng không tìm nổi một đĩa “xịn”, trong khi cũng chương trình ấy, đĩa lậu tràn ngập. Và trong nhiều dịp đi công tác ở các tỉnh như Hà Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, tôi cũng luôn phải chứng kiến thực tế “Đĩa lậu là chủ, đĩa xịn mất tăm”.

Có thực tế đó phải thấy rằng, nếu các đại lý cho thuê băng, đĩa nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định hiện hành, nghĩa là chỉ cho thuê hay bán phim có dán tem nhãn của Cục Điện ảnh sẽ rất dễ sập tiệm. Với, nào là tiền thuê nhà, tiền mua băng đĩa, tiền sinh hoạt phí, tiền thuế (thuế ghi biên lai và không ghi biên lai-không có nó chắc chẳng cửa hàng nào tồn tại được)… tổng cộng khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi CD gốc, nhất là những ca sĩ chưa tên tuổi hoặc không hợp thời thì cả ngày có khi không bán nổi một đĩa. Một CD xịn trên thị trường hiện nay có giá trung bình 35.000đ, khi mua của hãng đĩa với số lượng nhiều, đa chủng loại thì các cửa hàng đĩa sẽ được giảm giá còn khoảng 28.000-30.000đ, lời 5.000-7.000đ/đĩa, nhưng có thể họ sẽ bị ngâm hoặc đọng vốn vì có khi cả ngày không bán được một CD nào. Thế nhưng với CD chép họ sẽ được bỏ với giá gối đầu khoảng 4.000đ/CD bán ra 6.000-8.000đ/CD, vốn ít, xoay vòng nhanh, tiêu thụ mạnh. Mỗi ngày chỉ cần bán 10 chủng loại album, mỗi album khoảng 10 đĩa thì họ đã có thể vừa thu hồi vốn nhanh, vừa cất túi gần 200.000 đồng đến 400.000 đồng tiền lãi, dễ dàng hơn nhiều khi mỗi ngày chỉ bán vài CD gốc với lãi không đủ chi. Lợi nhuận không nhỏ nên thỉnh thoảng bị “tóm”, các cửa hàng vẫn nhởn nhơ kinh doanh. Có lẽ chính vì điều này, một chủ đại lý băng đĩa lậu trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã tuyên bố một câu xanh rờn “nếu đã làm nghề kinh doanh băng đĩa hiện nay có vi phạm mới sống được”. Điểm nào không vi phạm nghĩa là có tay trong, biết trước lúc kiểm tra. Khi ấy đĩa không hợp lệ được đem giấu, trưng ra toàn đĩa có nhãn mác.

Hậu quả và giải pháp

Bằng, đĩa lậu lộng hành, ngoài việc đang làm các nhà sản xuất băng, đĩa điêu đứng, nhà nước thất thu thuế, còn làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa do chất lượng băng, đĩa lậu không được kiểm soát. Chưa kể đến nội dung đồi trụy, tuyên truyền xấu, chất lượng âm thanh, hình ảnh rất kém. Đĩa VCD cũng chẳng khá hơn, phần hình ảnh hay bị vỡ, nội dung là những ca khúc y chang những video clip mà đĩa xịn đã có hoặc các chương trình truyền hình đã phát, chất lượng âm thanh chỉ ở mức không thể chán hơn. Một chuyên gia về điện tử cũng cho biết, nếu người dùng sử dụng các đĩa in sang lậu có giá rẻ đều ảnh hưởng đến các thiết bị đầu đọc. Vì tất cả đĩa in lậu đều là hàng phế thải công nghiệp, bị cong vênh, sau đó được đem về in sang bát nháo không theo tiêu chuẩn nào. Tình trạng băng, đĩa lậu cũng khiến những hãng nhập phim chiếu rạp phải e dè vì khó lòng cạnh tranh. Mặt khác, khi so sánh giá một địa CD lậu và một đĩa CD xịn sẽ thấy ngay rằng các nhà sản xuất cũng như các ca sĩ sẽ lỗ ngay từ khi chưa ra album, từ đó sẽ sản xuất cầm chừng, gây thiệt hại cho âm nhạc.

Thử hỏi bất kỳ một ai đang mua hoặc đang sở hữu đĩa lậu câu hỏi “vì sao lại chọn mua đĩa lậu?”, thì đa số đều trả lời “vì nó rẻ”. Quả thực, đó cũng là điểm mấu chốt trả lời câu hỏi vì sao đĩa lậu “làm chủ” thị trường. Chính vì vậy để tháo gỡ vấn đề này, trước hết, các nhà sản xuất băng, đĩa hãy hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất trong điều kiện có thể. Nếu mức giá bán trên dưới 10.000 đồng, tôi tin người tiêu dùng sẽ chọn hàng xịn. Còn về biện pháp thu hồi đĩa lậu, có thể tham khảo cách làm của thành phố Nam Kinh-Trung Quốc. Đó là những người bán lẻ băng, đĩa lậu có thể đổi 3 đĩa lậu để lấy 1 đĩa hợp pháp. Hơn 120 nghìn đĩa video và phần mềm lậu đã được giao nộp ngay sau khi chiến dịch phát động được vài ngày. Các đĩa lậu sẽ được gửi đến những nhà sản xuất đĩa hợp pháp ở tỉnh Quảng Đông, tại đây chúng sẽ được tái chế. Hoặc như ở Ma-lai-xi-a, bên cạnh hành lang pháp lý ổn định, lực lượng đặc nhiệm thực thi pháp luật chuyên biệt cho lĩnh vực bản quyền bên cạnh cảnh sát và hải quan, tòa án đặc thù và công tố viên chuyên biệt là khung hình phạt rất nặng, khoảng 550-2.600USD trở lên hoặc 5 năm tù cho mỗi bản sao chép lậu bị bắt. Các biện pháp tuyên truyền giáo dục cũng được đẩy mạnh như bằng các tấm áp phích “đừng cung cấp tiền cho tội phạm”.

Việt Nam, một thành viên chính thức của WTO, cần phải có một hệ thống thắt chặt thực thi quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả hơn, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý băng đĩa lậu phải thường xuyên chặt chẽ, kiên quyết hơn. Người bán hàng cần nêu cao chữ tín với khách hàng, đừng quá ham mỗi lợi trước mắt mà bỏ những mối lợi lâu dài. Đây chính là một số điều mà Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện và hướng tới.

KIM DUNG