Mở đầu cuộc vận động, chiều 17-11-1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức buổi lễ "Mùa đông binh sĩ". Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đến dự. Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã đem chiếc áo len duy nhất của mình để góp vào quỹ vận động "Mùa đông binh sĩ". Đó là chiếc áo len màu be, cổ tròn mà Người đã mặc khi bôn ba ở nước ngoài để hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước. Việc làm thiết thực và cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ kịp thời tới cán bộ, chiến sĩ, đồng thời mở ra một phong trào thi đua ủng hộ kháng chiến, giúp đỡ binh sĩ, sôi nổi diễn ra trong toàn quốc.

Xúc động trước tình cảm, sự quan tâm đối với chiến sĩ, thương binh, bệnh binh của Bác, nhiều người dân Hà Nội lúc đó muốn mua chiếc áo của Bác để ủng hộ cách mạng và làm vật kỷ niệm. Trước nguyện vọng của quần chúng, Ủy ban Vận động "Mùa đông binh sĩ" Trung ương đã tổ chức đấu giá chiếc áo tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Kết quả, ông Trương Văn Thìn, chủ một cửa hiệu bánh ngọt có tiếng ở Hà Nội, là người giành được quyền sở hữu chiếc áo với giá 3.500 đồng Đông Dương (tương đương với trị giá 200 cây vàng lúc bấy giờ). Nhờ có số tiền này, Ủy ban Vận động đã mua vải và may được rất nhiều tấm áo ấm tặng bộ đội.

Trong phong trào "Mùa đông binh sĩ", Quân nhu Cục, tiền thân của ngành quân nhu Tổng cục Hậu cần, cùng với các nhà may ở phố Hàng Trống đã nghiên cứu, sản xuất ra chiếc áo trấn thủ cho binh sĩ mặc mùa đông, vừa ấm áp lại thuận tiện khi hành quân, chiến đấu. Kiểu áo trấn thủ ra đời nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và được cán bộ, chiến sĩ Vệ Quốc đoàn rất ưa chuộng. Từ đó, phong trào toàn dân may áo trấn thủ ủng hộ bộ đội, thương binh, bệnh binh... diễn ra sôi nổi, trở thành một cuộc vận động quần chúng rộng khắp. Chỉ tính riêng những ngày cuối tháng 11-1946, nhân dân Thủ đô đã quyên góp được hơn 30 vạn đồng Đông Dương và một số len, bông đủ làm hơn 50.000 lõi bông và vỏ áo trấn thủ. Nhiều liên đoàn thợ may của thành phố đã xung phong đảm nhận may hàng vạn bộ áo trấn thủ không lấy tiền.

Với lòng thương yêu vô hạn đối với các chiến sĩ đang phải chịu đói rét để chiến đấu, ngày 25-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương "Mùa đông binh sĩ" với nội dung: “… Ủy ban Trung ương Mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc quần áo, hoặc công may. Nhưng tôi không biết may, không có vải mà do chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên góp một tháng lương là 1.000 đồng nhờ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc áo chiến sĩ gọi là chút lòng thành…”.

Tiếp đó, Người kêu gọi đồng bào ra sức giúp đỡ để chiến sĩ có áo ấm mặc, có sức diệt thù. Nhờ sự quan tâm của Đảng, của Bác Hồ, với sự tham gia giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân, mùa đông năm 1947, ngành quân nhu Quân đội ta đã nhận được rất nhiều áo trấn thủ của nhân dân ủng hộ. Không đơn thuần là trang phục của bộ đội, chiếc áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta.

Tin, bài cộng tác với chuyên mục xin gửi về: Phòng biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo Quân đội nhân dân, số 7, Phan Đình Phùng, Hà Nội; điện thoại: 069.696.514; 04.37478610; thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn

THẢO NGUYÊN (Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)