Đồng chí Lục Giang Bằng, Phó chủ tịch UBND xã Tùng Vài cho biết, không chỉ những đợt rét đậm, rét hại gần đây mà từ nhiều năm qua, ở Tùng Vài hầu như không có tình trạng trâu, bò, gia cầm... bị chết rét, bởi bà con nơi đây đã được tập huấn, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng, cách phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm. Các đợt tập huấn, phổ biến, hướng dẫn kiến thức PCTT được xã tổ chức hằng năm; cả xã thực hiện PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), nhờ đó đã giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Thiên tai xảy ra khá phổ biến ở Tùng Vài với nhiều loại hình như: Ngập lụt, sạt lở đất đá, lốc xoáy, rét đậm, rét hại nhưng nhiều năm liền, Tùng Vài không có thiệt hại về người do thiên tai. 

Người dân giới thiệu sơ đồ thể hiện các loại hình thiên tai thường xảy ra ở xã Tùng Vài (Quản Bạ, Hà Giang).

Tùng Vài là một xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới với 11 thôn, bản; các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn gồm: Mông, Dao, Tày, Bố Y... với khoảng 5.000 người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 47%, hộ cận nghèo chiếm 22,5%. Cùng với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, công tác PCTT cũng được cấp ủy, chính quyền và người dân rất quan tâm, chú trọng, vì nếu không có kiến thức, kỹ năng về PCTT, nếu chủ quan, lơ là thì khi thiên tai xảy ra sẽ gây thiệt hại về người và tài sản. Thiên tai có thể lấy đi những thành quả phát triển kinh tế, đói nghèo sẽ quay trở lại với người dân nơi đây. Cùng với sự chủ động trong PCTT, việc được thụ hưởng chương trình PCTT dựa vào cộng đồng đã giúp Tùng Vài trở thành điểm sáng của huyện Quản Bạ trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

Huyện Quản Bạ là một trong những địa phương được Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam triển khai chương trình PCTT dựa vào cộng đồng từ năm 2007. Đến nay, 100% các xã tham gia chương trình đều có kế hoạch PCTT chủ động. Bên cạnh đó, Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam cùng Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cũng đã kết nối, hỗ trợ các xã xây dựng nhiều công trình thiết thực, có ý nghĩa. Chị Thèn Thị Thiêng, người dân thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài cho biết, trước đây, mỗi mùa mưa lũ, nước suối dâng cao gây ngập lụt, cô lập cả Bản Thăng, người lớn không thể đi làm, ảnh hưởng đến mùa màng, trẻ em phải nghỉ học. Cuối năm 2022, cây cầu bê tông cốt thép dài 9m, rộng 2,5m nối liền hai thôn Suối Vui và Bản Thăng, kết nối với trục đường liên xã Tùng Vài được hoàn thiện, bàn giao trong sự vui mừng, phấn khởi của người dân. “Từ ngày có cầu mới, người dân trong thôn đi lại yên tâm hơn, dù đêm tối hay mưa lũ cũng không lo nữa, trẻ em không còn phải nghỉ học mỗi khi lũ về. Bà con vui mừng, ưng cái bụng lắm”, chị Thiêng chia sẻ.

 Cây cầu bắc qua suối nối thôn Suối Vui và Bản Thăng.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam cho biết: "Chương trình PCTT dựa vào cộng đồng tập trung vào 3 mảng chính là: Chuẩn bị, ứng phó và phục hồi. Các chương trình của chúng tôi đều thực hiện cả 3 mảng này, tùy vào tình hình thực tế và điều kiện của từng địa phương”. Theo bà Hoàng Phương Thảo, những chương trình của ActionAid là cơ hội để các tổ chức đóng góp thực chất cho công cuộc PCTT tại Việt Nam thông qua những dự án từ cơ sở. Tại xã Tùng Vài, người dân nhận định rất rõ việc địa phương có những loại hình thiên tai gì và chủ động chuẩn bị ứng phó.

Được trực tiếp tham dự buổi tham vấn và trình bày về kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại xã Tùng Vài bởi chính người dân địa phương, chúng tôi khá bất ngờ. Tại đây, những thanh niên, phụ nữ ngày thường vốn rụt rè nhưng lại mạnh dạn thuyết trình trước cả trăm người về những loại hình thiên tai thường xảy ra; các biện pháp, kế hoạch ứng phó với từng loại hình thiên tai cùng những kiến nghị, đề xuất cụ thể về phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Điều này cho thấy, việc tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân về PCTT và PCTT dựa vào cộng đồng là một hướng đi thiết thực và đúng đắn...

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.