Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện

Sau khi tốt nghiệp khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc, chị Lường Thị Diên ở phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đăng ký tham gia TTTTN vào Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị (gọi tắt là đội) số 6, Đoàn KT-QP 379. Bằng kiến thức của mình, Lường Thị Diên đã cùng cán bộ, nhân viên của đội hướng dẫn bà con thay đổi tư duy canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, trong vai trò Bí thư Đoàn xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), năm 2019, thực hiện chủ trương của cấp trên, Lường Thị Diên đã vận động hàng chục đoàn viên thanh niên trực tiếp tham gia làm con đường dân sinh dài hơn 15km từ bản Huổi Y đến Huổi Quang, giúp dân bản đi lại thuận tiện hơn.

Còn ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, dân bản đã quen với hình ảnh chị Tao Thị Thảo là TTTTN thuộc Đội số 2 được tăng cường giúp việc cho văn phòng UBND xã. Chị Thảo tốt nghiệp khoa  Ngữ Văn (nay là Khoa Khoa học xã hội), Trường Đại học Tây Bắc, hằng ngày chị giúp văn phòng UBND xã soạn thảo văn bản, tiếp nhận và xử lý công văn, giấy tờ, nhờ đó công việc của văn phòng được thuận lợi hơn.

Các trí thức trẻ tình nguyện thuộc Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 thực hiện mô hình tăng gia sản xuất.

Qua 5 đợt thực hiện Dự án 174, Đoàn KT-QP 379 có 242 TTTTN ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện tham gia. Đại tá Đinh Tiến Hợp, Phó chính ủy Đoàn KT-QP 379 cho biết, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và trình độ, kiến thức được đào tạo, đội viên TTTTN đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng. Cùng với các đội, các TTTTN đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình sản xuất, tham gia vận động bà con chuyển đổi 3,5ha đất trồng ngô sang trồng lúa; khai hoang 9,5ha đất; hướng dẫn và giúp hơn 850 hộ dân đưa giống ngô, lúa cao sản vào sản xuất; giúp 190 hộ gia đình thực hiện mô hình VACR...

Một trong những thành tích nổi bật của đội ngũ TTTTN là tham gia thực hiện Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN) huyện Mường Nhé. Ngoài ra, các TTTTN cũng đã tham gia hơn 700 ngày công khắc phục hậu quả lũ lụt tại huyện Nậm Pồ vào năm 2018; mở được 28 lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho 241 người dân. Có 190/242 đội viên trực tiếp tham gia vào bộ máy chính quyền, đoàn thể địa phương với các chức danh kiêm nhiệm như: Phó bí thư­ đoàn xã; phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã... góp phần củng cố hệ thống cơ sở chính trị ở địa phương thêm vững mạnh.

Mong được tiếp tục cống hiến

Vừa qua, Đoàn KT-QP 379 đã thanh lý hợp đồng với 35 TTTTN giai đoạn 2018-2020. Trong khi chờ quyết định của các cấp về việc có tiếp tục thực hiện dự án hay không thì các TTTTN có khá nhiều tâm tư, nhiều đội viên gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Chị Lò Ý Nhi, đội viên Đội số 1 chia sẻ: “Tôi học ngành nông lâm nên rất mong được tiếp tục cống hiến sức trẻ và những kiến thức đã học giúp đồng bào. Trước mắt, khi hết hợp đồng tôi sẽ về quê lo công việc đồng áng với bố mẹ”.

Mới đây, Đoàn KT-QP 379 đã tổ chức hội nghị tổng kết đợt 5 Dự án 174. Các tham luận tại hội nghị đều đề cập đến sự cần thiết, đồng thời kiến nghị cấp trên tiếp tục triển khai dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP giai đoạn 2021-2030”. Theo Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379, việc đưa TTTTN đến công tác tại các đoàn KT-QP là một chủ trương lớn và đúng đắn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, góp phần phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên địa bàn. Mặt khác, đây cũng là một giải pháp có ý nghĩa nhân văn trong việc tạo điều kiện giải quyết việc làm cho con em đồng bào.

Cũng theo lãnh đạo Đoàn KT-QP 379, UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án cần có chính sách cụ thể để tuyển dụng các đội viên TTTTN sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia dự án, có nguyện vọng công tác lâu dài tại địa bàn. Đồng thời, cần có chính sách quy định cụ thể về việc hỗ trợ kinh phí trong từng đợt và hằng năm của dự án cho hoạt động của TTTTN thuộc các đoàn KT-QP tại địa phương.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN