Nhẹ bộ máy nhưng nặng khối lượng công việc
Là đô thị phát triển với tốc độ nhanh, quy mô dân số trung bình của các phường trên địa bàn Hà Nội là hơn 22.000 người; một số phường có quy mô dân số hơn 30.000 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người). Đáng kể, một số phường có quy mô rất lớn như Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) là 82.891 người, Đại Kim (quận Hoàng Mai) là 54.295 người, Trung Hòa (quận Cầu Giấy) là 54.770 người.
Dân số đông, nên khối lượng công việc tại các phường cũng rất nhiều, trong khi số lượng cán bộ giảm đã gây áp lực trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các công chức phường.
 |
Tại một số phường đông dân cư, cán bộ được ủy quyền ký chứng thực phải ký hàng trăm chữ ký /ngày. |
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) Nguyễn Xuân Chinh cho biết, trung bình 1 tháng ông ký từ 1.900 - 2.000 giấy khai sinh và thực tế số lượng dân cư tạm trú, thường trú, vãng lai tại phường Hoàng Liệt lên đến hơn 10 vạn người, nhiều hơn thống kê gần 83.000 dân như con số của UBND thành phố.
Công tác tại một phường có dân số lên tới khoảng 40.000 dân, anh Đỗ Tuấn Anh, công chức tư pháp - hộ tịch phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết, việc ủy quyền ký chứng thực (gồm chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký) tại bộ phận một cửa đã giúp giải quyết công việc nhanh chóng cho người dân, vừa giúp lãnh đạo có thêm thời gian xử lý các nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, từ khi được ủy quyền đến nay, trung bình mỗi ngày một công chức như anh phải ký hơn 100 hồ sơ. Công việc này đòi hỏi cán bộ công chức phải nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời sắp xếp thời gian khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trên thực tế, số lượng biên chế công chức làm việc bình quân tại các phường của thành phố chỉ là 15 người, về cơ bản bằng mức bình quân công chức cấp xã, chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn.
Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), trước đây cấp phường được tự chủ về kinh phí hoạt động và có chế độ sử dụng hợp đồng lao động nhưng từ khi thực hiện chính quyền đô thị không còn chế độ này nữa.
Đối với phường loại 1 như Vĩnh Tuy chỉ được định biên tối đa 15 công chức. Qua nhiều lần kiến nghị, UBND phường được tăng thêm 2 người, có tổng cộng 17 công chức. Dù vậy, vì phải rút bớt hợp đồng lao động nên các công chức phải kiêm nhiệm rất nhiều việc.
“Công chức phải thực hiện nhiệm vụ theo chính quyền đô thị, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều nhưng chế độ đãi ngộ chưa có gì khác so với tổ chức chính quyền trước đây. Kể cả đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở, với 3 chức danh thì trước đây có 3 cán bộ nhưng nay chỉ có 2 cán bộ nên rất khó khăn khi triển khai nhiệm vụ, nhất là hiện nay các cơ quan chuyên môn triển khai mọi công việc đều yêu cầu tiến độ rất gấp” - Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Thị Minh Vân chia sẻ.
 |
Cán bộ, công chức phải nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, sắp xếp thời gian khoa học và đặc biệt phải quy trình quy tắc ứng xử văn minh nơi công sở. |
Với thị xã Sơn Tây lại có khó khăn riêng. Theo Phó bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán, với đặc thù thị xã có 9 phường và 6 xã nên việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị không đồng nhất với cấp xã, tạo ra sự khác biệt về tổ chức bộ máy chính quyền; đồng thời cơ chế, chính sách về ngân sách, tổ chức cũng có sự khác nhau. Chính những điều này đang gây khó khăn không nhỏ đối với công tác quản lý của chính quyền.
Nhiều chức năng, nhiệm vụ chưa được phát huy
Các cuộc khảo sát của Thành ủy Hà Nội thời gian qua cho thấy, sau một năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, hệ thống chính trị cơ sở hoạt động thông suốt, hiệu quả, tình hình cơ sở ổn định, không phát sinh phức tạp, không có đơn thư, khiếu nại, tố cáo...
Tuy nhiên, một số đơn vị phản ánh, việc chuyển đổi không đồng bộ giữa công chức UBND và cán bộ khối Đảng, đoàn thể dẫn đến một đơn vị hành chính duy trì hai chế độ công chức, phần nào ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức. Trong đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường gồm các chức danh: Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… chưa được chuyển thành công chức cấp quận, do đó chưa đồng bộ, thống nhất quản lý biên chế cán bộ, công chức phường theo Nghị quyết số 97/2021/QH14 của Quốc hội.
Hơn nữa, sau khi chuyển đổi, việc điều động, luân chuyển cán bộ, công chức vẫn phải có văn bản thỏa thuận với Sở Nội vụ Hà Nội. Cùng đó, chế độ tiền lương, thưởng, phụ cấp của công chức phường còn thấp....
Ngoài ra, với mô hình chính quyền đô thị, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận tăng trong khi số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND quận, thị xã còn ít nên vai trò của HĐND quận chưa có sự chủ động thực sự về số lượng và chất lượng.
Ghi nhận tại một số địa bàn cho cho thấy, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của chủ tịch UBND phường và tập thể UBND phường còn chưa rõ nét.
 |
Mặt trận Tổ quốc phường Thành Công tăng cường giám sát phát huy hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.
|
Cùng với đó, thực hiện theo cơ chế quản lý mới, phường là một đơn vị dự toán, phụ thuộc vào dự toán của cơ quan cấp trên nên một số nhiệm vụ phát sinh, đột xuất, không có trong dự toán gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. Việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thật sự thuận lợi, chưa bảo đảm tính chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy và hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị-xã hội tại phường...
Khi không còn HĐND cấp phường, MTTQ các phường trở thành kênh tiếp nhận thông tin bức xúc từ nhân dân, vì vậy, hoạt động giám sát và phản biện xã hội đã được Mặt trận các phường đẩy mạnh. Trong một năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các phường trên địa bàn thành phố đã tổ chức 447 cuộc giám sát tập trung vào các vấn đề như: Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo; Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường; Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo...
Tuy nhiên, qua triển khai hoạt động tại cơ sở, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Khương Đình Trần Thị Phương Linh cho hay, về cơ bản, chức năng giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên vẫn thực hiện theo các văn bản trước, chưa có văn bản mới hướng dẫn việc thực hiện chức giám sát, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền khi không còn HĐND cấp phường.
Các ý kiến của MTTQ và tổ chức chính trị xã hội chỉ mang tính chất phản ánh, không có hiệu lực cao như ý kiến của HĐND, vậy nên có nhiều trường hợp Chính quyền xem nhẹ việc giải quyết các ý kiến theo kênh của MTTQ.
Vì vậy, cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ cấp phường theo hướng mở rộng quyền hạn cho MTTQ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị; Nâng cao hơn nữa vai trò của MTTQ trong công tác giám sát, phản biện xã hội tại cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...
(Còn nữa)
HUY DƯƠNG – HOÀNG LAN