Hậu quả nặng nề

Đến nay, ông Lô Văn Bảy, người dân bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ, Kỳ Sơn, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại giây phút kinh hoàng khi lũ quét tràn qua. Tháng 10-2022, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, đợt lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã gây nên hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Nước ập về, dâng lên rất nhanh, cuốn phăng tất cả mọi thứ chắn trên đường. Ông Bảy chỉ kịp sơ tán vợ con sang nhà hàng xóm, còn nhà cửa và toàn bộ tài sản đều bị lũ cuốn trôi.

Không chỉ gia đình ông Bảy, mà rất nhiều hộ dân ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ quét và sạt lở đất. Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, cơn lũ xảy ra ngày 2-10-2022 đã làm 1 người chết, gây thiệt hại hơn 600 ngôi nhà, trong đó có 55 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn. Có 269 nhà phải di dời khẩn cấp; nhiều công trình và đường giao thông bị sạt lở nặng. Bên cạnh đó, lũ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng kỹ thuật, hoạt động buôn bán, sản xuất nông, ngư, nghiệp... với tổng thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Huyện Kỳ Sơn còn tồn tại trên 50 điểm sạt lở núi và nguy cơ lũ quét, lũ ống, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân sinh sống ở các xã Tà Cạ, Chiêu Lưu, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý, Bảo Nam…

leftcenterrightdel

Trận lũ kinh hoàng quét qua thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) sáng 2-10-2022. Ảnh: Dân trí 

Còn tại huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An), cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4 khiến 38 xóm trên địa bàn huyện Thanh Chương bị cô lập hoàn toàn, 3 điểm trường và trên 1.300 nhà dân bị ngập, 26 nhà dân bị sạt lở…, nhiều đàn gia súc, gia cầm bị chết do ngập nước.

Qua thống kê của huyện Con Cuông, hiện có gần 20 hộ đồng bào dân tộc Thái ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê nằm trong vùng bị sạt lở núi, nguy cơ mất an toàn cao. Theo bà Lô Thị Huế, người dân địa phương, đợt mưa lớn tháng 10-2020 khiến núi xuất hiện nhiều vết nứt lớn, mặc dù cơ quan chức năng đã cho lực lượng, phương tiện khắc phục, nhưng vẫn còn nhiều tảng đá lơ lửng, có thể sạt xuống, gây nguy hiểm cho người đi đường và các hộ dân dưới chân núi. Bà con trong bản hằng ngày đều nơm nớp sống cùng nỗi lo.

Huyện miền núi Tương Dương có địa hình khá phức tạp, sông núi xẻ dọc, cắt ngang, đã từng xảy ra lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề cho địa phương và đời sống nhân dân. Hiện nhà hàng trăm hộ dân đều nằm dọc theo các con sông, con suối, dưới chân núi. Nguy cơ hứng chịu lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Cũng như ở Kỳ Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Tương Dương các huyện khác như Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn… đều có nhiều điểm sạt lở, nguy cơ ngập úng gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân mỗi khi mưa lũ về.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 (Quân khu 4) giúp tiểu thương chợ 3/2 xã Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An nạo vét bùn đất sau lũ. Ảnh: Mạnh Duy 

Chủ động phòng, chống

Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn và Thanh Chương. Đây đều là những huyện vùng cao, miền núi, biên giới. Do đặc điểm địa hình và phân bố dân cư nên có nhiều khu dân cư nằm dưới chân núi, dọc theo các con sông, suối; mưa lớn kéo dài, địa hình đồi dốc, nhiều sông, suối, mất rừng tự nhiên... là trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt, sạt lở đồi núi nghiêm trọng ở miền Tây Nghệ An thời gian qua.

Mặc dù cấp ủy chính quyền các cấp hết sức quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; nhưng thực tế cho thấy, hậu quả của mưa lũ, sạt lở đất vẫn hết sức khó lường và để lại hậu quả nghiêm trọng

Tại Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2022 của tỉnh Nghệ An đã đánh giá: Bên cạnh nhưng ưu điểm đạt được, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, đó là: Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay so với nhu cầu thực tiễn đặt ra còn rất hạn chế; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, nhất là các đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đã xây dựng từ lâu, bị hư hỏng, xuống cấp thiếu an toàn trong mưa lũ; hệ thống tiêu thoát lũ của các khu vực đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; lực lượng, phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó thiên tai ở một số địa phương, đơn vị hiệu quả chưa cao. Lực lượng cán bộ làm công tác về phòng, chống thiên tai ở các địa phương một số chưa được đào tạo bài bản; chế độ và chính sách cho lực lượng tham gia còn hạn chế. Tình trạng lấn chiếm hành hàng bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai vẫn còn diễn ra....

leftcenterrightdel

 Lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An giúp nhân dân huyện Kỳ Sơn khắc phục mưa lũ đợt tháng 10-2022. Ảnh: Ngọc Thăng

Đại diện Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ cho biết: Do biến đổi khí hậu, từ tháng 7 đến tháng 9-2023, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ với giá trị trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; từ tháng 10 đến tháng 12-2023, lượng mưa có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 đến tháng 9 trên các sông thuộc Nghệ An có khả năng xảy ra 2-3 đợt lũ. 

Theo thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 200 điểm cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét, trong đó, trọng điểm ở các huyện thuộc miền Tây Nghệ An. Tình trạng sạt lở đất, ngập lụt có thể xảy ra tại các huyện Thanh Chương, Con Cuông. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi từ các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh rất cao, đặc biệt tại 25 xã thuộc 6 huyện miền núi miền Tây Nghệ An (Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp); ảnh hưởng đến hơn 2.000 hộ dân với hơn 12.000 nhân khẩu; trong đó, hàng trăm hộ dân cần phải bố trí khẩn cấp đến nơi ở mới để tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đe dọa đến tính mạng và tài sản.

Trước tình trạng sạt lở, ngập lụt trên địa bàn các huyện miền Tây Nghệ An, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã tham mưu các giải pháp xây dựng, củng cố các công trình tại nơi sạt lở và có nguy cơ sạt lở, ngập úng, di dời những hộ dân đến nơi an toàn. Các ban ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng vào cuộc rất chủ động, quyết liệt; có kế hoạch, phương án cụ thể trong các tình huống; đề ra nhiều biện pháp phòng, chống. Đồng thời làm tốt công tác thông tin, dự báo về diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đang triển khai Chương trình ở nhiều huyện miền núi, biên giới. Theo lộ trình, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, sắp xếp bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở.

Phát biểu trong Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 và triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023, đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Các ngành, các địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát lại hệ thống hạ tầng phòng, chống thiên tai, hồ đập trọng yếu. Cần chấp hành nghiêm túc các văn bản của Chính phủ và của tỉnh nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thiên tai. Đồng thời chủ động phương án “4 tại chỗ” với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính", quyết không để xảy ra tình huống bất ngờ, dù ngay cả trong tình huống xấu nhất...”.

ĐẶNG VŨ