BOT làm thay đổi diện mạo giao thông Việt Nam

Theo báo cáo của Đoàn giám sát UBTVQH, giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông vận tải đã huy động khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2%. Việc triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vừa bảo đảm mục tiêu phát triển KT-XH, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu đối với sản xuất trong nước; tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo giao thông Việt Nam trong những năm gần đây. Diễn đàn năng lực cạnh tranh toàn cầu xếp hạng về giao thông đường bộ, năm 2011-2012, Việt Nam xếp hạng 123, nhưng gần đây nhất đã vươn lên xếp hạng 89, tăng 34 bậc chỉ sau 6 năm. “Đây là biểu hiện sinh động nhất, là kết quả đáng mừng của đất nước ta. Việc kết nối giao thông thông suốt đã đánh thức và khai thác được nhiều tiềm năng của đất nước; đồng thời tác động lớn lên tổng cầu của nền kinh tế”, đồng chí Nguyễn Văn Giàu nói.

leftcenterrightdel
 Trạm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Mạnh Hưng. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, qua giám sát có thể khẳng định, chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng các công trình giao thông là đúng đắn, qua đó giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước. Nhiều công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH cả nước và từng vùng.

Cải tạo mặt đường cũ có nên thực hiện theo BOT?

Tuy đánh giá cao những tác động tích cực của các dự án BOT đối với sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta, nhưng các đại biểu cũng chỉ rõ những điểm tồn tại cần được giải quyết để hình thức đầu tư này thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích của người dân và doanh nghiệp sử dụng hạ tầng giao thông, tránh trường hợp làm đường cho dân đi nhưng lại bị dân phản ứng.

Vấn đề mà nhiều đại biểu nhắc tới là việc nhà đầu tư chỉ cải tạo đường cũ nhưng vẫn được lập trạm thu phí dẫn tới sự phản ứng của người dân. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, có những tuyến đường đã được đầu tư bằng ngân sách, tức là đã dùng tiền thuế của người dân để làm đường, sau đó nhà đầu tư chỉ “tráng một lớp lên trên rồi lập trạm thu phí” khiến người dân không đồng tình. Để giải quyết vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị giữ nguyên những con đường đang được sử dụng, duy trì chất lượng ở mức bình thường. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ đầu tư làm tuyến đường mới hoàn toàn với chất lượng cao có lập trạm thu phí. Người dân sẽ có quyền lựa chọn sử dụng đường có chất lượng bình thường hay đường có chất lượng cao nhưng phải mất phí.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, người dân rất đồng thuận với việc trả chi phí để sử dụng hạ tầng giao thông. Tuy nhiên việc thu phí phải theo đúng quy định của pháp luật. Hiện nay có sự bất hợp lý trong việc đặt vị trí các trạm thu phí quá gần nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. “Có 24 trạm thu phí trong khoảng cách nhỏ hơn 60km, cá biệt có tuyến đường dày đặc trạm thu phí như tuyến Hà Nội-Thái Bình chỉ 110km nhưng có 4 trạm, riêng huyện Kiến Xương đặt 2 trạm cách nhau 200m”, đồng chí Nguyễn Thanh Hải nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, khởi nguồn mọi phản ứng của người dân là khoảng cách giữa các trạm thu phí và mức thu phí. Vì vậy, đề nghị Nhà nước nên mua lại quyền thu phí ở những trạm thu phí không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70km để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Xem xét tính hai mặt của vấn đề

Theo các đại biểu tham dự phiên họp của UBTVQH, các dự án giao thông BOT có tính hai mặt, tích cực và tiêu cực.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lưu ý, bên cạnh việc làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như báo cáo giám sát đã nêu ra, cũng phải phân tích tới việc các dự án giao thông BOT có thể làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa do chi phí vận chuyển tăng. Thể hiện đồng tình với nhận định trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng việc triển khai các trạm thu phí BOT làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, để giảm chi phí vận chuyển, người vận chuyển hàng hóa có tâm lý “né” trạm thu phí bằng cách đi vào những cung đường liên huyện, liên xã, làm xuống cấp những tuyến đường này.

Các đại biểu mong muốn, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần làm rõ, sau một loạt dự án BOT hạ tầng giao thông đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nhà đầu tư được hưởng lợi như thế nào, Nhà nước thu được gì và lợi ích của người dân, doanh nghiệp sử dụng hạ tầng giao thông ra sao, từ đó xác định được “nhà đầu tư xấu” và “nhà đầu tư tốt”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu giải pháp, những nhà đầu tư "có vấn đề" nên được công khai để xã hội được biết. Công khai cũng là giải pháp chấm dứt được các tình trạng tiêu cực khi triển khai các dự án BOT hạ tầng giao thông.

Theo thống kê, cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông vận tải quản lý 73 trạm thu phí (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư), ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 15 trạm. Trong đó có 10 trạm (chiếm 11%) có khoảng cách 60-70 km. Có 20 trạm (chiếm 23%) có khoảng cách < 60 km. 
Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải rà soát, đề xuất điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT để giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, có 35 dự án đã giảm giá vé (giảm giá vé loại 4 từ 140.000 đồng xuống 120.000 đồng; giảm loại 5 từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng). 

CHIẾN THẮNG